Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ ba cho Hàn Quốc; Trung Quốc chi hơn 1 tỷ USD gom mua một loại tinh bột của Việt Nam; “mồi lửa” cho xuất khẩu từ xúc tiến thương mại…là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 3-5/2.
Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ ba cho Hàn Quốc trong năm 2022, đạt 161,9 nghìn tấn, trị giá 915,8 triệu USD, tăng 3,6% về lượng và tăng 15,3% về trị giá so với năm 2021. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ ba cho Hàn Quốc
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, năm 2022 nước này đã chi 6,47 tỷ USD để nhập khẩu 1,595 triệu tấn thủy sản từ 109 thị trường, tăng 3,9% về lượng và tăng 12,7% về trị giá so với năm 2021.
Năm 2022, Hàn Quốc tăng mạnh nhập khẩu thủy sản từ thị trường Nga và Việt Nam, trong khi giảm nhập khẩu thủy sản từ Na Uy, Hoa Kỳ, Peru…
Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ ba cho Hàn Quốc trong năm 2022, đạt 161,9 nghìn tấn, trị giá 915,8 triệu USD, tăng 3,6% về lượng và tăng 15,3% về trị giá so với năm 2021. Thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc ổn định ở mức 10,2%.
Dự báo, trong nửa đầu năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc sẽ tiếp tục chậm lại theo xu hướng trong quý cuối năm 2022 do kinh tế gặp khó khăn.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy thoái, xuất khẩu – động lực chính của nền kinh tế Hàn Quốc sẽ giảm và tiêu dùng cá nhân cũng sẽ chậm lại do lãi suất cao. Điều này sẽ tác động đến nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc trong năm 2023.
Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng thủy sản ở Hàn Quốc có sự thay đổi theo xu hướng giảm chi tiêu của người tiêu dùng lại là cơ hội để thủy sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm thủy sản có mức giá phù hợp.
Trung Quốc chi hơn 1 tỷ USD gom mua một loại tinh bột của Việt Nam
Theo thống kê, năm 2022 Việt Nam xuất khẩu gần 3,3 triệu tấn sắn và sản phẩm sắn, thu về trên 1,4 tỷ USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 19,7% về giá trị so với năm 2021.
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, năm vừa qua, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam chủ yếu là tinh bột sắn và sắn lát khô.
Trong đó, Việt Nam xuất khẩu được 2,49 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá đạt 1,18 tỷ USD, tăng 22,9% về lượng và tăng 23,7% về trị giá so với năm trước đó. Mặt hàng này chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines, Hàn Quốc và Malaysia.
Mặt hàng sắn lát khô cũng giúp Việt Nam thu về 223,42 triệu USD khi xuất khẩu gần 773 nghìn tấn sản phẩm, giảm 10% về lượng và giảm 0,3% về trị giá so với năm 2021. Ba thị trường mua sắn lát khô nhiều nhất của nước ta là Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia.
Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất, chiếm gần 95% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, quốc gia này chi tới 1,11 tỷ USD để mua tinh bột sắn của Việt Nam, tăng 22,3% về trị giá so với năm 2021.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ sắn lát khô lớn nhất trong năm 2022, chiếm gần 82% tổng lượng sắn lát khô xuất khẩu của cả nước.
Trái với mặt hàng tinh bột sắn, xuất khẩu sắn lát khô sang thị trường Trung Quốc trong năm vừa qua đạt gần 633 nghìn tấn, thu về 174,3 triệu USD, giảm 17,3% về lượng và giảm 9,7% về trị giá so với năm 2021.
“Mồi lửa” cho xuất khẩu từ xúc tiến thương mại
Vừa qua, Cục Xúc tiến thương mại đã trực tiếp tổ chức và phối hợp với các địa phương tổ chức hàng trăm các chương trình giao thương, hội nghị trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, dệt may, da giầy, logistics… tại các thị trường xuất khẩu chủ lực và tiềm năng như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EVFTA, CPTPP, Nam Á, châu Phi,…
Đặc biệt, trên 60 phiên tư vấn xuất khẩu theo hình thức trực tuyến được tổ chức nhằm cung cấp thông tin liên quan đến các cam kết quốc tế về các sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu, quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu với các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng (lúa gạo, chè, thanh long, hạt điều, thủy sản, đồ gỗ, sản phẩm công nghiệp…) của các nước, thị trường trên thế giới (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Thụy Sĩ, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ…).
Sản phẩm nông sản của Việt Nam được giới thiệu tại hội chợ Hàn Quốc. (Nguồn: VnEconomy) |
Tuy nhiên, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cũng nhận định, công tác xúc tiến thương mại năm 2022 vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là nguồn lực hạn hẹp, cơ chế hỗ trợ tài chính cho hoạt động xúc tiến thương mại chưa được điều chỉnh kịp thời.
Cùng với đó, mô hình tổ chức về cơ quan xúc tiến thương mại ở các địa phương chưa thống nhất gây khó khăn cho các cơ quan xúc tiến thương mại ở cả Trung ương đến địa phương gây khó khăn trong thống nhất triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.
Nhiều tổ chức xúc tiến thương mại chưa thực sự chủ động đầu tư nghiên cứu, đổi mới trong việc triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, chưa chủ động nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trong tổ chức do đó hoạt động xúc tiến thương mại vẫn triển khai theo lối mòn.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phú cho rằng nhiều doanh nghiệp còn chưa chủ động, tích cực trong việc tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác, phối hợp với các tổ chứcxúc tiến thương mại xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai hoạt độngxúc tiến thương mại để đón đầu cơ hội từ thị trường, đặc biệt là các thị trường có FTA.
Còn thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp có ngoại ngữ, có kỹ năng đàm phán xúc tiến thương mại, có khả năng nắm bắt tiêu dùng hiện đại, biết cập nhật công nghệ thông tin để thực hiện các hoạt độngxúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu sang thị trường quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp chưa có ý thức đầu tư phát triển sản phẩm, chú trọng công tác nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng các qui định của thị trường nhập khẩu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và các hàng rào kỹ thuật phi thuế quan.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2023 tiếp tục gặp nhiều khó khăn với dự báo tăng trưởng chậm lại, lạm phát gia tăng, khả năng suy thoái trong ngắn hạn và các vấn đề về xung đột vũ trang, thiên tai, dịch bệnh…
“Bối cảnh này đặt ra cho Cục Xúc tiến thương mại, các cơ quan xúc tiến thương mại Bộ, ngành, địa phương cũng như các đơn vị liên quan, nhiệm vụ trọng trách trong việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại trong năm 2023”, ông Hải nhận định.