Hôm nay (1/11) Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và thảo luận 3 dự án luật khác

Hôm nay Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo nghe thẩm tra dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và thảo luận các dự luật: Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Tinh giản biên chế cần gắn với nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức, viên chức
Các đại biểu Quốc hội họp tại hội trường ngày 31/10.

Buổi sáng, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi);

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật Phòng thủ dân sự.

* Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và sẽ được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4.

Theo Tờ trình về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), luật gồm 16 chương, 240 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều. Như vậy, có thể thấy, dự thảo Luật Đất đai đã sửa đổi, bổ sung ¾ số điều so với Luật Đất đai năm 2013.

Đây là một con số không hề nhỏ và cho thấy thực trạng về việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong lĩnh vực đất đai.

Luật Đất đai là công cụ pháp lý quan trọng để Nhà nước quản lý, điều tiết các vấn đề liên quan đến đất đai. Luật đất đai năm 2013 ra đời và được áp dụng gần 10 năm nay. Trong thực tiễn triển khai, Luật Đất đai năm 2013 đã giúp Đảng và Nhà nước thực hiện được các chính sách về đất đai, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên, cũng bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót.

Đất nước ta hiện đang là một trong những đất nước có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung. Kinh tế phát triển kéo theo sự phát triển của rất nhiều mối quan hệ trong xã hội và các mối quan hệ trong lĩnh vực đất đai cũng không phải ngoại lệ.

Thực trạng này cho thấy sự cấp thiết của việc phải sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai hiện hành để đáp ứng việc điều chỉnh những mối quan hệ trong lĩnh vực này, bám sát thực tế và tránh những trường hợp lợi dụng khe hở pháp luật để xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của các cá nhân, tổ chức khác.

* Về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), chiều 22/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về dự án luật này.

Theo Tờ trình, mục đích sửa đổi Luật Hợp tác xã là để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế, sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hoàn thiện quy định về huy động, phát triển thành viên; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường.

Các quy định Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn phát triển Hợp tác xã ở nước ta từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực thi hành, đồng thời tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với xu thế vận động và phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong bối cảnh mới.

* Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) được bố cục gồm 4 chương, 65 điều; về cơ bản kế thừa quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012.

Phạm vi điều chỉnh tập trung vào việc quy định các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền…

Thảo luận tại tổ ngày 24/10, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế.

Các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi sẽ góp phần khắc phục những bất cập của luật hiện hành; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia; tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt…

Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các nội dung tại dự thảo Luật với các luật có liên quan, như: tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật với các quy định liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập dữ liệu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng hoặc thông qua thuê tổ chức khác hay bên thứ ba… tại Luật An ninh mạng và dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

* Về dự án Luật Phòng thủ dân sự được thiết kế gồm 7 chương, 71 điều. Trên cơ sở các chính sách được thông qua, dự thảo Luật được xây dựng với các nội dung cơ bản về: Hoạt động phòng thủ dân sự; Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự; Quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; Nguồn lực, chế độ, chính sách đối với người tham gia hoạt động phòng thủ dân sự; Quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự;…

Theo đó, dự thảo Luật quy định cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự là tổ chức phối hợp liên ngành về phòng thủ dân sự. Cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.

Việc hợp nhất này cũng được thực hiện tương ứng với cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự ở cấp Bộ, ngành Trung ương và các cấp địa phương. Dự thảo Luật giao “Chính phủ quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự; cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự cấp bộ, ngành; cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự địa phương.

Theo Tờ trình dự thảo luật, phòng thủ dân sự có phạm vi rộng, bao gồm tổng thể các hoạt động chuẩn bị từ thời bình và khi có chiến tranh, thảm hoạ, sự cố xảy ra để chủ động bảo đảm an toàn, khắc phục thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước, của Nhân dân.

Nguồn tin: Baoquocte.vn

Trả lời