Nhân dịp Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin thăm Việt Nam từ ngày 17-18/10, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng đã đánh giá về tầm quan trọng của chuyến thăm và những điểm nhấn trong năm kỷ niệm đặc biệt của quan hệ Việt-Hàn.
Xin Đại sứ chia sẻ về ý nghĩa và những nội dung trọng tâm trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin?
Nhận lời mời của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin sẽ thăm Việt Nam từ ngày 17-18/10. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Park Jin thăm chính thức Hàn Quốc với tư cách là người đứng đầu Bộ Ngoại giao Hàn Quốc. Tôi được biết, lần này Bộ trưởng Park Jin chỉ đi thăm Việt Nam. Điều này cho thấy Chính phủ, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và cá nhân Bộ trưởng Park Jin hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam. Tôi cũng muốn chia sẻ rằng Bộ trưởng Park Jin đã đi thăm Việt Nam 8 lần, trong đó lần đầu tiên là năm 1996 trên cương vị trợ lý Tổng thống, năm 2012 trên cương vị Nghị sĩ tham dự Diễn đàn Tương lai Hàn – Việt kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, và lần gần đây nhất là năm 2015 với tư cách là học giả. |
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón, hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin. |
Chuyến thăm là một trong những hoạt động cấp cao kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt – Hàn đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, dựa trên nền tảng sự tin cậy chính trị, giao lưu, giao tiếp giữa lãnh đạo cấp cao hai nước luôn được duy trì và củng cố. Đặc biệt, hai bên sẽ trao đổi kế hoạch tiếp tục triển khai từ nay đến cuối năm các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiếp lập quan hệ, trong đó có chương trình giao lưu cấp cao. Chuyến thăm còn là dịp để Bộ Ngoại giao hai nước kiểm điểm quá trình hợp tác, triển khai các thỏa thuận đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước thông qua các chuyến thăm, điện đàm thời gian qua. Quan trọng hơn, hai bên sẽ trao đổi về định hướng nâng cấp quan hệ đối tác song phương. Hai bên cũng sẽ thảo luận về hợp tác giữa hai nước trên các diễn đàn đa phương trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến nhanh chóng và phức tạp.
Tôi cho rằng thông qua chuyến thăm này, Hàn Quốc sẽ có thêm nhiều nội dung hữu ích để xây dựng chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hàn Quốc, trong đó ASEAN được cho là trung tâm trong chính sách khu vực của Hàn Quốc và Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng không thể thiếu. Việt Nam và Hàn Quốc luôn tích cực thúc đẩy, tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị sâu rộng và hiệu quả về mọi mặt. Do đó, tôi hy vọng chuyến thăm sẽ tiếp thêm động lực thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Theo đó, các hoạt động giao lưu cấp cao, các cấp, các bộ ngành và địa phương giữa hai nước từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục diễn ra sôi nổi, hai nước sẽ nâng tầm quan hệ, và tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích quốc gia dân tộc, người dân và doanh nghiệp trong một khuôn khổ quan hệ cao hơn. Cũng theo ý nghĩa đó, quan hệ Việt – Hàn được tăng cường sẽ đóng góp nhiều hơn nữa vào việc nâng cao vị thế của ASEAN cũng như vào hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực. Cũng tại chuyến thăm này, hai Bộ trưởng sẽ thảo luận về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao để phấn đấu đưa quan hệ giữa hai Bộ tương xứng với quan hệ hai nước. Nhìn lại gần một năm hai nước kỷ niệm dấu mốc quan trọng của quan hệ song phương-30 năm quan hệ ngoại giao, Đại sứ đánh giá như thế nào về những nỗ lực để đưa quan hệ song phương “lên tầm cao mới” như nguyện vọng của hai bên? Trong gần một năm qua, dưới sự chỉ đạo và quan tâm của Lãnh đạo cấp cao hai nước, các bộ, ban ngành, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp và nhân dân trên các địa phương hai nước đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, trên nhiều lĩnh vực để kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong bối cảnh hai nước đang kiểm soát tốt dịch Covid-19, nới lỏng các biện pháp cách ly, các hoạt động kỷ niệm được tổ chức còn mang ý nghĩa khôi phục và khởi động lại các hoạt động giao lưu sau 2 năm đóng cửa chống dịch, từ đó tạo đà bứt phá để phát triển trong thời gian tới. Từ cuối năm 2021, hai bên đã tổ chức thành công chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (12/2021). Ngay sau Tết là chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (tháng 2) và Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên (tháng 3). Tháng 8 vừa qua, nhận lời mời của Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc (KF), Thường Trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã thăm Hàn Quốc, làm việc và trao đổi về nhiều lĩnh vực với các cơ quan Chính phủ, Quốc hội và Đảng cầm quyền Sức mạnh Quốc dân Hàn Quốc. Tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nguyễn Văn Hùng đã thăm Hàn Quốc trong dịp tổ chức Tuần văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc (ngày 15-22). Riêng trong tháng 9 và tháng 10, gần 20 địa phương Việt Nam đã thăm làm việc với các đối tác là địa phương tại Hàn Quốc để khởi động lại chương trình giao lưu, hợp tác ở các lĩnh vực, kết hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, và lao động. Nhiều tổ chức Hữu nghị Hàn – Việt đã và sẽ tiến hành các hoạt động tương tự ở Việt Nam và Hàn Quốc. Ngày 26/8, nhân dịp kỷ niệm 72 năm Quốc khánh Việt Nam và 30 năm thiết lập quan hệ Việt – Hàn, Đại sứ quán đã long trọng tổ chức chiêu đãi và chính Bộ trưởng Park Jin đã tham dự và phát biểu chúc mừng tại sự kiện.
Cũng trong khoảng thời gian này, dưới sự bảo trợ và hỗ trợ của Đại sứ quán, các tổ chức người Việt tại Hàn Quốc, tổ chức hữu nghị Hàn – Việt đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, giao lưu tại nhiều địa phương của Hàn Quốc, nổi bật là Lễ hội văn hóa Việt Nam lần thứ 10 tại Seoul (tháng 9) và Lễ hội văn hóa Việt Nam lần thứ 6 tại Gwangju (tháng 10). Các sự kiện đều đã thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, doanh nghiệp Hàn Quốc và sự tham dự của người Việt Nam và Hàn Quốc tại sở tại. Tôi cho rằng các hoạt động kể trên và nhất là chuyến thăm Việt Nam lần này của Bộ trưởng Ngoại giao Park Jin và một chuyến thăm Hàn Quốc của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam vào cuối năm sẽ là trọn vẹn cho một năm đầy ắp các sự kiện kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc. Hơn nữa, các hoạt động này cho thấy quyết tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Và quyết tâm này đã được đón nhận và hưởng ứng tích cực từ các địa phương, hội đoàn và doanh nghiệp cũng như người dân hai nước. Trong 30 năm qua, quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc đã 2 lần nâng cấp quan hệ để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của quan hệ hai nước. Hơn 10 năm kể từ khi khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện trong thế kỷ XXI được nâng lên thành Đối tác chiến lược, quan hệ hai nước đã phát triển trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị – ngoại giao, kinh tế – xã hội, đến an ninh – quốc phòng, từ cấp trung ương đến địa phương. Đặc biệt trong 2 năm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và sau khi dịch bệnh được kiểm soát, tinh thần hợp tác chiến lược mang tính toàn diện đã được thể hiện rõ hơn thông qua các cuộc trao đổi thường xuyên với nhiều hình thức linh hoạt giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, hỗ trợ nhau giải quyết các vấn đề phát sinh, cũng như sự tăng cường hợp tác phối hợp hiệu quả trong các cơ chế đa phương như ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương vì Thịnh Vượng (IPEF) vì hòa bình, ổn định khu vực và thế giới. Bên cạnh những lĩnh vực hợp tác truyền thống như thương mại và đầu tư vẫn đạt tăng trưởng trong hai năm qua, chính phủ và doanh nghiệp hai nước đang tiến hành nghiên cứu và lên kế hoạch mở mang hợp tác trên các lĩnh vực mới, phù hợp với tình hình địa chính trị, địa kinh tế mới. Gần đây, tại Diễn đàn kinh tế Maekyung kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt – Hàn, Phó thủ tướng phụ trách kinh tế Hàn Quốc Choo Kyung-ho đã đề xuất cách tiếp cận “cùng một đội” (One Team) trong quan hệ kinh tế Hàn – Việt. Những nỗ lực cùng nhau vượt khó khăn, khôi phục hoạt động kinh tế – xã hội, cùng những nhu cầu hợp tác trong tình hình mới cho thấy chính phủ, doanh nghiệp, và người dân hai nước đã sẵn sàng để nâng cấp quan hệ song phương lên tầm cao mới.
Việt Nam và Hàn Quốc là những đối tác kinh tế vô cùng quan trọng của nhau tại khu vực, điều này được lãnh đạo hai nước nhiều lần nhấn mạnh và thể hiện qua hoạt động kinh tế-đầu tư sôi nổi. Thời gian tới, đâu là những cơ hội hợp tác mới giữa hai nước trong bối cảnh phục hồi hậu đại dịch, thưa Đại sứ? Trong các lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, hợp tác kinh tế luôn là điểm sáng và là trụ cột quan trọng trong hợp tác giữa hai nước từ trước đến nay. Sau 30 năm, thương mại kinh tế đã tăng gấp 156 lần, từ 500 triệu USD năm 1992 lên 78 tỷ USD năm 2021. Vốn đầu tư trực tiếp luỹ kế của Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam luôn duy trì vị trí số một trong 5 năm trở lại đây với tổng số vốn luỹ kế đạt 80,5 tỷ USD tính đến hết tháng 9 năm nay. Đặc biệt trong 2 năm 2020 và 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kim ngạch thương mại song phương hai nước không suy giảm, đạt 66 tỷ USD trong năm 2020 so với 66,7 tỷ USD năm 2019; tăng lên 78 tỷ USD trong năm 2021 và tiếp tục duy trì đà tăng trong năm 2022 khi kim ngạch thương mại hai nước trong 08 tháng đầu năm 2022 là 60 tỷ USD. Vốn FDI Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam trong 2 năm 2020, 2021 lần lượt là 4 tỷ USD và 5 tỷ USD, giảm so với gần 8 tỷ USD năm 2019 nhưng vẫn duy trì vị trí số 2 theo từng năm. Dịch bệnh Covid-19 đã gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực lên hệ thống kinh tế thế giới, gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động hợp tác giữa các nước, trong đó có Việt Nam – Hàn Quốc. Trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch, hai bên sẽ đẩy mạnh những lĩnh vực hợp tác truyền thống như thương mại, sản xuất chế tạo, bất động sản, xây dựng, tài chính, du học và lao động. Bên cạnh đó, ngoài việc học tập bài học phát triển của Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội phục vụ phát triển thì những lĩnh vực hợp tác mới để tạo tăng trưởng kinh tế bền vững, thân thiện môi trường và hướng tới tương lai đang được chính phủ và doanh nghiệp hai nước quan tâm. Các lĩnh vực đó gồm chuyển đổi số, hạ tầng đô thị thông minh, sản phẩm bán dẫn, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, công nghệ xanh, y tế, trí tuệ nhân tạo, ô tô điện… Hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng cũng sẽ là một lĩnh vực đầy hứa hẹn. Ngoài hợp tác song phương, việc Việt Nam và Hàn Quốc tích cực tham gia các cơ chế kinh tế đa phương như ASEAN, APEC, RCEP, CPTPP và IPEF sẽ giúp hai nước – trên tư cách là các nước tầm trung – củng cố vị thế trong quá trình xây dựng luật chơi trong các cơ chế đa phương, nhất là trong các cơ chế đang hình thành. Hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực này về chính trị và ngoại giao sẽ góp phần vào quá trình duy trì trật tự quốc tế dựa trên đề cao luật pháp quốc tế, qua đó thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực và thế giới. Về mặt kinh tế, hai nước cũng góp phần vào việc ổn định và xây dựng mới chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, cũng như tạo điều kiện để hai bên hợp tác tiếp cận hiệu quả thị trường thứ ba, mở rộng dư địa hợp tác, vươn ra khỏi khuôn khổ song phương.
Văn hóa Hàn Quốc có lẽ không còn xa lạ với giới trẻ Việt Nam hiện nay, nhiều thanh niên Việt Nam hiện nay nuôi “giấc mộng xứ sở kim chi”. Đối với Hàn Quốc thì sao, làm thế nào để giao lưu văn hóa và nhân dân giữa hai nước được cân bằng hơn nữa, thưa Đại sứ? Thời gian qua, làn sóng Hallyu, nhất là âm nhạc, phim truyện, thời trang, ẩm thực Hàn Quốc đã trở nên nổi tiếng ở Việt Nam. Theo khảo sát trực tuyến năm 2019 của công ty nghiên cứu thị trường Hàn Quốc, 39% và 37% người Việt Nam được hỏi cho biết họ rất thích và thích văn hoá Hàn Quốc. Tại Hàn Quốc, người dân ngày càng biết đến Phở, Nem, Bánh mỳ và Cà phê Việt. Tuy nhiên, theo một số ý kiến, trong thời gian tới việc phát triển giao lưu văn hoá cần dựa trên một cơ sở bền vững và cân bằng hơn. Cụ thể, văn hóa Việt Nam cần được giới thiệu mạnh hơn ở Hàn Quốc. Theo đó, theo tôi cần ưu tiên một số việc sau. Trước mắt, hiểu biết về văn hoá Việt Nam có thể được tăng lên thông qua việc khuyến khích khách du lịch Hàn Quốc tới Việt Nam. Thứ hai là tăng cường quan tâm, hỗ trợ hoạt động của các tổ chức, cộng đồng người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập tại Hàn Quốc và cộng đồng người Hàn đang sinh sống tại Việt Nam. Hơn 200.000 công dân Việt Nam tại Hàn Quốc, hơn 50.000 gia đình đa văn hoá Hàn – Việt và hơn 170.000 người Hàn Quốc ở Việt Nam là nguồn lực lớn và trực tiếp trong việc quảng bá văn hoá Việt Nam. Thứ ba là việc đầu tư vào các sản phẩm và sự kiện văn hóa, nhất là các nội dung số với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và sự phát triển của mạng xã hội và internet. Bên cạnh đó, việc thành lập một Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Hàn Quốc với các chức năng tổ chức, hỗ trợ quảng bá văn hoá Việt Nam và đào tạo tiếng Việt tại Hàn Quốc cũng là điều cần quan tâm. Tôi tin rằng các chính sách và cơ chế hiệu quả, nguồn lực – trong đó có nhân lực – được tăng cường, việc ứng dụng nhiều hơn công nghệ thông tin, và nhất là triển khai các dự án hợp tác văn hóa Việt – Hàn theo hướng hình thành nền công nghiệp văn hóa, đẩy mạnh giao lưu văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu văn hóa… sẽ đóng góp vào việc hợp tác văn hóa hai bên ngày càng cân bằng và hiệu quả hơn. Thực hiện: Phạm Hằng | Đồ họa: Lim Dim | Ảnh: TG&VN, TTXVN… Nguồn tin: Baoquocte.vn |