Lễ kỷ niệm do Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối với đầu cầu của tất cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Báo Thế giới & Việt Nam tường thuật trực tiếp Lễ Kỷ niệm tại Hà Nội.
Tham dự Lễ kỷ niệm có Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cùng các ban, bộ, ngành Trung ương, mặt trận Tổ quốc, đại diện gia đình thành viên đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia đàm phán, ký kết và thực hiện Hiệp định; Đại sứ, đại diện các Cơ quan đại diện nước ngoài tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử…
Ngoại giao – Mặt trận trọng yếu
Phát biểu khai mạc Lễ Kỷ niệm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ là nguyên tắc bất di bất dịch, xuyên suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trên nền tảng tư tưởng “nhân nghĩa”, ông cha ta luôn coi trọng hoạt động ngoại giao, kết hợp chặt chẽ quân sự với ngoại giao, vừa “đánh” vừa “đàm”, kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, tạo nên truyền thống và bản sắc hào khí, hòa hiếu và nhân văn của dân tộc Việt Nam: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; Lấy chí nhân mà thay cường bạo!”; “Dập tắt muôn đời lửa chiến tranh; Mở nền muôn thủa thái bình!”. Đây là những tư tưởng, triết lý mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, phát huy truyền thống và bản sắc tốt đẹp đó của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phối hợp chặt chẽ với các mặt trận chính trị và quân sự, mặt trận ngoại giao luôn đóng vai trò trọng yếu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân ta, góp phần tạo nên những thắng lợi to lớn, làm rạng rỡ lịch sử dân tộc. Từ đàm phán bảo vệ nền độc lập sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva năm 1954 và đàm phán, ký kết Hiệp định Paris năm 1973, tạo tiền đề để nhân dân ta thực hiện khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và phát triển vinh.
Bộ trưởng nhắc lại, trong “Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Geneva thành công” ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Hội nghị Geveve đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to”. Quả thực, nếu trong Hiệp định Sơ bộ năm 1946, Việt Nam mới chỉ được công nhận là một quốc gia tự do, thì với Hiệp định Geneva, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã được khẳng định trong một điều ước quốc tế với sự tham gia ký kết và thừa nhận của các cường quốc. Đây là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với Việt Nam, là thành quả đấu tranh quật cường và bền bỉ của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân xâm lược.
Nguồn tin: Bộ Ngoại giao long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva (baoquocte.vn)