Cùng dự có Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Đại diện cấp cao EU về Chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell và Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn. Đây là lần đầu tiên Hội nghị theo cơ chế 2 năm một lần này được nối lại sau đại dịch Covid-19 nhằm trao đổi các biện pháp tăng cường quan hệ ASEAN-EU và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Tại Hội nghị, hai bên khẳng định coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EUđược thiết lập trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, đồng thời ghi nhận những tiến triển tích cực trong quan hệ thời gian qua, nhất là việc lần đầu tiên hai bên tổ chức Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-EU năm 2022.
EU hiện là đối tác thương mại và nhà đầu tư trực tiếp lớn thứ ba của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 295,2 tỷ USD và vốn đầu tư đạt 24,4 tỷ USD năm 2022, còn ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba ngoài khu vực châu Âu của EU. |
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đánh giá cao EU là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN và có đóng góp tích cực cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; hoan nghênh EU coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có ASEAN, thông qua các chiến lược và sáng kiến như Chiến lược hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Chiến lược Cửa ngõ toàn cầu, Sáng kiến Nhóm châu Âu về kết nối bền vững, và Chương trình Sáng kiến xanh.
Các Bộ trưởng Ngoại giao EU khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, đánh giá cao vai trò và vị thế của ASEAN, cùng với EU là hai tổ chức khu vực thành công nhất trên thế giới cũng như chia sẻ nhiều giá trị và lợi ích; nhấn mạnh trong bối cảnh thế giới phức tạp hiện nay việc tăng cường hợp tác giữa ASEAN và EU là tất yếu; mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện, đối thoại và tham vấn thường xuyên; tiếp tục đàm phán các FTA với các nước thành viên khác của ASEAN sau các FTA với Việt Nam và Singapore.
Về hợp tác trong thời gian tới, ASEAN và EU nhất trí nỗ lực triển khai hiệu quả Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-EU năm 2022 và Kế hoạch hành động giai đoạn 2023-2027, trong đó ưu tiên hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối và nâng cao khả năng tự cường cung ứng, đi đôi với ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng và các lĩnh vực mới nhiều tiềm năng như kinh tế số, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, dịch vụ xanh… hướng tới thiết lập Hiệp định thương mại tự do ASEAN-EU trong tương lai.
Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, hai bên nhất trí trong bối cảnh phức tạp, bất ổn, xung đột gia tăng, ASEAN và EU cần tăng cường hợp tác giữ vững môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển, đề cao chủ nghĩa đa phương, tuân thủ luật pháp quốc tế, thúc đẩy văn hoá đối thoại và hợp tác, giải quyết hoà bình các tranh chấp, mâu thuẫn, nhất là tại các điểm nóng như Nga-Ukraine, Trung Đông, Bán đảo Triều Tiên…
Các Bộ trưởng Ngoại giao cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại các vùng biển, trong đó có Biển Đông, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Chia sẻ đánh giá của các nước về tiến triển tích cực trong quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EU thời gian qua, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề xuất một số phương hướng, biện pháp tăng cường hợp tác trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các quyết định của các Lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-EU năm 2022, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, phát triển bền vững và hợp tác biển đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…; kêu gọi các nước EU còn lại nhanh chóng phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), đồng thời triển khai hiệu quả hơn nữa các khuôn khổ hợp tác hiện có, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); đề nghị EU hỗ trợ Việt Nam thực hiện Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh, ASEAN và EU cần phối hợp các nỗ lực đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, củng cố chủ nghĩa đa phương, phổ biến văn hóa đối thoại và hợp tác, qua đó củng cố cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm, dựa trên luật pháp quốc tế với ASEAN đóng vai trò trung tâm.
Bộ trưởng tái khẳng định lập trường của Việt Nam và ASEAN về Biển Đông, kêu gọi các nước EU ủng hộ nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Kết thúc Hội nghị, hai bên đã thông qua Tuyên bố chung phản ánh kết quả và trao đổi tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 24.