Hôm nay 7/6, Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN 2022, thảo luận chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng
Dự kiến, buổi sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022;
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội họp riêng về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
* Về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), TS.Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012.
Sau gần 12 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập so với quy định hiện hành. Mặt khác, trong thời gian qua có nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước và quy định tại một số dự án luật được sửa đổi, bổ sung như: quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và các văn bản về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành có liên quan;..
Ngoài ra, TS. Nguyễn Văn Hiển cũng cho biết, các quy định cụ thể của Luật Phòng, chống mua bán người chưa tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là một bên ký kết liên quan đến mua bán người.
Do đó, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người, vừa qua Chính phủ đã đề xuất xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và dự kiến dự án luật này sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7.
Theo dự kiến, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm 8 chương, 62 điều (tăng 4 điều so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011), trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 35 điều, xây dựng mới 5 điều, bỏ 1 điều.
Bên cạnh những quy định chung, dự thảo luật đã đề xuất những quy định về: Phòng ngừa mua bán người; phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua ban người; tiếp nhận, xác định và bảo vệ người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; hỗ trợ người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.
* Về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, tại phiên họp ngày 30/5, trình bày Báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2022 được quyết định như sau: Tổng số thu NSNN là 1.413.408 tỷ đồng; Tổng số chi NSNN là 1.855.641 tỷ đồng; Bội chi NSNN là 442.233 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Công tác quản lý thu NSNN được thực hiện quyết liệt dẫn đến kết quả thu NSNN không những bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân (chưa được tính trong dự toán) mà còn vượt so với dự toán, qua đó đảm bảo nguồn lực, tăng chi đầu tư phát triển; thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Đồng thời, tiếp tục tích lũy dành nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.
Chi NSNN được quản lý chặt chẽ, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai; triệt để tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả hoạt động thu, chi NSNN, quản lý, sử dụng tài sản công.
Đảm bảo cân đối ngân sách các cấp; giảm bội chi NSNN so với dự toán, nợ công giảm và thấp hơn mức trần ngưỡng cảnh báo quy định tại Nghị quyết Quốc hội, tiếp tục cơ cấu bền vững nợ công; hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng lên.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thẳng thắn chỉ rõ vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Công tác dự báo, tính toán nhu cầu hỗ trợ của một số chính sách trong quá trình xây dựng chưa lường hết được khó khăn, vướng mắc, thách thức trong tổ chức triển khai thực hiện dẫn đến hiệu quả chưa cao; Công tác triển khai chính sách, pháp luật, dự toán NSNN có nơi, có lúc còn hạn chế, bất cập.
Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chưa kịp thời ảnh hưởng đến hiệu quả, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ NSNN. Ngoài ra, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân đầu tư công chậm; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính chưa nghiêm; một số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương lập, xét duyệt, gửi quyết toán ngân sách nhà nước chậm so với thời gian quy định;…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trên cơ sở các nội dung báo cáo, Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022 như sau: Tổng số thu cân đối NSNN là 2.713.787 tỷ đồng; Tổng số chi cân đối NSNN là 2.897.466 tỷ đồng; Bội chi NSNN 293.313 tỷ đồng;…
* Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, ngày 31/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo.
Trình bày tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, dự thảo Nghị quyết bao gồm 3 Chương với 18 Điều. Các nội dung của chính sách trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội được xây dựng như sau: (1) tiếp tục thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 119/2019/QH14 của Quốc hội đang thực hiện có hiệu quả; bỏ các nội dung, chính sách không còn phù hợp khi thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị; (2) đề xuất cơ chế chính sách đặc thù sửa đổi, bổ sung theo 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể.
Liên quan đến các chính sách về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng gồm 9 chính sách, trong đó có 7 chính sách tương tự các địa phương khác đã được áp dụng và 2 chính sách đề xuất mới.
Các chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm gồm 21 chính sách, trong đó có 6 chính sách hoàn toàn tương tự các tỉnh, Thành phố đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại các Nghị quyết đặc thù, 10 chính sách tương tự có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của Thành phố và 5 chính sách đề xuất mới.