Luật đăng ký tài sản sẽ không còn chỗ ẩn nấp cho tài sản tham nhũng

Theo Viện trưởng VKSND tối cao: “Nếu có luật trên, anh đăng ký tài sản mà không chứng minh được thì bị “thăm hỏi” ngay và có cơ sở pháp lý để xử lý. Và chắc rằng khi đó không còn chỗ ẩn nấp cho tài sản tham nhũng”.

Thu hồi gần 80.000 tỷ đồng

Báo cáo nhiệm kỳ 2016-2021 của VKSND tối cao vừa trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/1 nhấn mạnh việc đã xử lý kịp thời, nghiêm minh, bảo đảm yêu cầu chính trị, yêu cầu pháp luật các vụ án về tham nhũng, kinh tế lớn

Trong nhiệm kỳ, ngành Kiểm sát đã quán triệt, thực hiện nghiêm và hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là những chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

VKSND đã tập trung giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế; đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TAND tối cao, Ban Nội chính Trung ương tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu nên việc điều tra, truy tố, xét xử thực hiện theo đúng tiến độ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đề ra.

Đã kịp thời phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp; bảo đảm việc xử lý, giải quyết vừa có tính pháp lý, vừa có tính chính trị sâu sắc.

Một điểm đáng lưu ý là tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80.000 tỷ đồng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Báo cáo của TAND tối cao cũng khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, các Tòa án đã đưa ra xét xử nghiêm 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo và áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.

Toà cũng áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng theo đúng quy định của pháp luật.

“Người tham nhũng không bao giờ đứng tên tài sản”

Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần làm rõ nội dung cử tri quan tâm liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng.

“Như hôm qua khi bàn về 2 dự án của cao tốc Bắc Nam thì vốn cả 11 đoạn có 79.000 tỷ đồng. Vậy nhưng thu hồi tài sản tham nhũng nhiệm kỳ qua được hơn 80.000 tỷ đồng. Số tiền này sẽ tạo sự phát triển, do đó cần làm rõ cho đại biểu thấy sự tăng, giảm so với nhiệm kỳ trước, qua đó toát lên kết quả thu hồi tài sản tham nhũng”- ông Vũ Hồng Thanh nói.

Báo cáo thêm trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, trước đây thường sau khi có bản án mới thực hiện và làm được đến đâu hay đến đó.

Tuy nhiên, nhiệm kỳ này có một tinh thần mới trong cách làm xuất phát từ yêu cầu của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng. Đó là ngay từ đầu, được thực hiện tích cực từ khâu điều tra, truy tố, xét xử.

Bên cạnh đó, nhiều thủ tục được tháo gỡ bằng việc ban hành các quy định hỗ trợ. Sự phối hợp giữa các cơ quan trong thu hồi tài sản cũng tốt hơn.

Tuy nhiên, ông Lê Minh Trí nhắc lại đề nghị đã được ông một số lần đề cập là phải ban hành được luật đăng ký tài sản nhằm góp phần phòng, chống tham nhũng cũng như thu hồi tài sản tham nhũng.

“Hiện kê khai tài sản chỉ có cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị thôi. Người tham nhũng không bao giờ họ đứng tên tài sản cả mà là người ngoài xã hội. Có người hai mấy, ba mươi tuổi đứng tên tài sản vài trăm tỷ, ngàn tỷ là có. Chúng ta biết hết nhưng không “đụng” vào được vì liên quan quyền sở hữu của công dân” – ông Lê Minh Trí nói.

Cũng theo Viện trưởng VKSND tối cao là “nếu có luật trên, anh đăng ký tài sản mà không chứng minh được thì bị “thăm hỏi” ngay và có cơ sở pháp lý để xử lý. Và chắc rằng khi đó không còn chỗ ẩn nấp cho tài sản tham nhũng”.

Hiện tại kết quả thu hồi tài sản tham nhũng đã tăng khá cao (gấp 4-5 lần nhiệm kỳ trước), song ông Lê Minh Trí cho rằng, có nỗ lực cũng chỉ đạt một ngưỡng nào đó vì “bát nước đổ đi khi hốt lại không thể đầy”, do đó luật đăng ký tài sản sẽ là công cụ kèm theo, tăng cường minh bạch và chứng minh tài sản, thúc đẩy thu hồi tài sản tham nhũng tốt hơn./.

Nguồn:https://vtc.vn/chanh-an-nguyen-hoa-binh-chua-phat-hien-truong-hop-nao-ket-an-oan-nguoi-vo-toi-ar590408.html

Trả lời