Đợt trao Quyết định này gồm 18 Thủ trưởng và Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương và Văn phòng Chủ tịch nước, sẽ đại diện cho Việt Nam tại 58 quốc gia và tổ chức quốc tế.
Cùng dự buổi lễ có 6 Đại sứ – Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại tổ chức quốc tế và Tổng lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2024 – 2027 đã được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bổ nhiệm theo thẩm quyền.
Gặp gỡ các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sau buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chúc mừng các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã được tin cậy, lựa chọn giao trọng trách làm đại diện cao nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam tại các quốc gia và tổ chức quốc tế.
Trong bối cảnh các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện lên đường nhận nhiệm vụ ngay sau khi Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 vừa thành công tốt đẹp và công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong năm 2023 đạt được nhiều thành tựu to lớn, Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn các đồng chí được bổ nhiệm đợt này tiếp tục kế thừa truyền thống ngoại giao tốt đẹp, phát huy những thành tích các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện tiền nhiệm đã đạt được; coi những thành quả tốt đẹp có được hiện nay là nền tảng, điểm tựa, cơ hội, đồng thời là thử thách để thôi thúc bản thân phấn đấu, làm tốt hơn nữa.
Nhiệm kỳ của các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện lần này trùng với giai đoạn “nước rút” để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra và chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Trong lúc tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, đặt ra những yêu cầu ngày càng thử thách hơn, nặng nề hơn cho công tác đối ngoại và ngoại giao, Chủ tịch nước đề nghị các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện làm tốt những nhiệm vụ.
Thứ nhất, phải bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước trên mọi lĩnh vực, nắm chắc tình hình đất nước và tình hình sở tại, kịp thời thông tin, tham mưu cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước để đề ra đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, để công tác đối ngoại, ngoại giao là nhân tố tiên phong, khai mở, tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi để phát triển đất nước, bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc.
Thứ hai, ngành Ngoại giao phải góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045 mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Trong đó, Ngoại giao kinh tế vẫn là nhiệm vụ ưu tiên số một.
Các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện tại các địa bàn phải tăng cường nghiên cứu, có tham mưu, đánh giá, nhận định kịp thời về thời cơ và thách thức để thúc đẩy các lợi ích kinh tế của Việt Nam.
Cùng với đó, Ngoại giao văn hóa ngày càng trở thành nội dung quan trọng, là “sức mạnh mềm” của đất nước. Các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện cần làm hết sức mình để hình ảnh đất nước, con người Việt Nam lan tỏa, để bạn bè năm châu thấu hiểu sự chân tình, thủy chung, triết lý hòa hiếu của dân tộc Việt Nam.
Một điểm nữa các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện cần quan tâm là việc nâng tầm Ngoại giao đa phương, cố gắng phát huy vai trò của Việt Nam khi tham gia các cơ chế của khu vực và quốc tế.
Thứ ba, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện phải cố gắng để Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là chỗ dựa vững chắc, đáng tin cậy của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của các cơ quan, ban, bộ, ngành và các địa phương trong triển khai các hoạt động đối ngoại tại địa bàn. Đồng thời, Cơ quan đại diện phải trở thành “mái ấm” của bà con kiều bào, thể hiện sự chăm lo của Đảng và Nhà nước với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ tư, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần đóng vai trò cầu nối của sự đoàn kết quốc tế, củng cố mạng lưới bạn bè, đối tác của Việt Nam, thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công; đại thành công”.
Chủ tịch nước khẳng định, Đảng và Nhà nước rất thấu hiểu những khó khăn, vất vả của đội ngũ cán bộ ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài và sẽ luôn song hành, quan tâm, thúc đẩy việc cải thiện chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc, cơ sở vật chất để bảo đảm điều kiện triển khai công tác ngoại giao ngày càng hiệu quả hơn.
Thay mặt cho 18 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại nước ngoài vừa được bổ nhiệm, ba Đại sứ Mai Phan Dũng, Đỗ Minh Hùng và Trịnh Thị Tâm đã bày tỏ sự vinh dự, tự hào được lựa chọn làm đại diện cho quốc gia trong bối cảnh vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.
Các cán bộ ngoại giao nói chung và các Đại sứ được bổ nhiệm trong đợt này đều nhận thức rõ trọng trách lớn lao được Đảng và Nhà nước giao phó, nguyện cố gắng hết sức để duy trì và phát huy bản sắc ngoại giao “cây tre Việt Nam”, vai trò tiên phong của đối ngoại, ngoại giao trong việc thực hiện mục tiêu đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại để mang lại lợi ích cho đất nước, hết lòng phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trân trọng cảm ơn sự quan tâm sâu sắc và chỉ đạo sát sao của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và toàn thể các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với ngành Ngoại giao trong suốt thời gian qua; khẳng định những lời căn dặn của Chủ tịch nước sẽ là những định hướng quý báu để các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận nhiệm vụ, triển khai thắng lợi đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong thời gian tới.