Ở tuổi 85, đang cách ly tại New York, với laptop tôi cũng theo dõi được tình hình và nhớ lại những kỷ niệm về nền ngoại giao Hồ Chí Minh.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh dẫn đầu, dự Kỳ họp thứ 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) ngày 20/9/1977. Kỳ họp đã thông qua Nghị quyết công nhận Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc. |
Chập chững vào Ngành
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong đội Thanh niên làm công tác tiếp quản Thủ đô Hà Nội, tháng 11/1954, tôi được phân công về Văn phòng Bộ Ngoại giao. Cơ quan lúc đó chỉ có vài chục người hầu hết ăn, ngủ và làm việc ngay trong trụ sở hiện nay, cùng xem phim chung trong sân phủ Chủ tịch.
Tôi nhớ mãi bài học đầu tiên, trong khi chờ xem phim, trong bóng tối, Hồ Chủ tịch và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi vào. Bác Hồ cất tiếng nói: “Hôm nay trước khi chiếu phim, Thủ tướng sẽ nói chuyện. Nhưng tại đây có cả các cô chú bên Ngoại giao mà không ai đứng dậy chào”.
Nhóm chúng tôi bật dậy, anh Vũ Hoàng suýt xoa: “Chết, chết thiếu sót quá”. Sau này khi làm phiên dịch tiếng Anh tại Đại sứ quán Bắc Kinh và Bộ Ngoại giao, tôi đã học tập được rất nhiều khi Bác Hồ tiếp khách và đã trưởng thành dần trong nền Ngoại giao Hồ Chí Minh.
Tại Bắc Kinh
Theo yêu cầu của tổ chức, tôi đã phục vụ liên tiếp hai nhiệm kỳ làm công tác báo chí và phiên dịch tiếng Anh tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh (1956-1962) do đó đã chứng kiến tất cả các dịp Bác Hồ thăm Trung Quốc.
Bác Hồ đã để lại những ấn tượng tốt đẹp với Chủ tịch Mao Trạch Đông, tất cả các lãnh đạo khác đến nhân viên phục vụ và người dân ở các địa phương.
Năm 1959, Bác chính thức dự kỷ niệm 10 năm Quốc khánh Trung Quốc, gặp gỡ đông đảo các đoàn cấp cao các nước. Tôi được dịp phiên dịch cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Ngoại trưởng Ung Văn Khiêm trong buổi Bác tiếp ba Chủ tịch các Đảng Cộng sản Anh, Australia và New Zealand. Các vị khách rất vui mừng được Bác thăm hỏi và được giới thiệu với Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp.
Bác cũng để lại ấn tượng sâu sắc cho người dân các địa phương. Thăm Quế Lâm, Bác lội sông vào tận hang có di tích lịch sử. Thăm học sinh lao động ở ngoại thành Bắc Kinh, Bác thân mật kiểm tra vết chai tay và khen các cháu lao động giỏi.
Đại sứ quán Việt Nam lần nào cũng vinh dự được Bác Hồ ghé thăm và nói chuyện.
Tại Hà Nội
Tôi đã được phiên dịch cho các bạn bè quốc tế thăm Việt Nam. Họ đều có ấn tượng đặc biệt về Bác Hồ và Ngoại giao Việt Nam.
Nhà văn nổi tiếng Thụy Điển, bà Sara Lidman, rất hâm mộ Việt Nam với ước mơ “qua một đêm ngủ dậy trở thành người Việt Nam”. Được gặp Bác Hồ, bà ca ngợi Việt Nam thì Bác Hồ nói “đó là sự thật thật sự” (Vérité véritable). Bà nhận tôi là em kết nghĩa, và sau này khi tôi làm Đại sứ tại Thụy Điển bà đã cùng bạn bè gây quỹ y tế cho các cháu bé ở Đại sứ quán.
Khi Hồ Chủ tịch tuyên bố bác bỏ “Hòa bình giả chiến tranh thật” của Tổng thống Mỹ Johnson, phong trào quốc tế ủng hộ Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Tôi liên tiếp tham gia phiên dịch cho các đoàn quốc tế đi các địa phương điều tra tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Tòa án Quốc tế Bertrand Russel đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào ủng hộ Việt Nam trên toàn thế giới.
Tại Hội nghị Paris về Việt Nam
Ngoài nhiệm vụ phiên dịch tiếng Anh, tôi còn được phân công ghi biên bản các cuộc họp kín và công khai, làm người liên lạc giữa các đoàn nên được theo sát cuộc đám phán và quan hệ tại Hội nghị. Hồ Chủ tịch đã chỉ đạo chiến lược “Đánh cho Mỹ cút (rút), đánh cho Ngụy nhào” và chỉ đạo sách lược cho hai đoàn miền Bắc và Nam “Tuy hai mà một, tuy một mà hai”.
Hội nghị Paris đã thắng lợi vẻ vang, đối phương tâm phục khẩu phục, lần đầu tiên thua trận nhưng Mỹ đã nhanh chóng bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Khi Bác Hồ mất, tôi được cử đến gặp phái đoàn Mỹ và Sài Gòn đề nghị hoãn phiên họp trong tuần tang lễ. Tôi cũng nhận thấy thái độ trân trọng của họ với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguyên Thủ tướng Chính quyền Sài Gòn Trần Văn Hữu cũng đến cơ quan Việt Nam viếng Hồ Chủ tịch.
Năm 2013, nhà văn Mỹ, bà Lady Borton sưu tập được bộ ảnh và muốn xuất bản cuốn sách ảnh kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam, tôi đã bổ sung những tư liệu chính nêu rõ vai trò chỉ đạo của Hồ Chủ tịch. Bà rất thích thú đã cùng tôi xuất bản cuốn sách, không lấy nhuận bút và tôi cũng tự mua để tặng bạn bè quốc tế và Việt Nam.
Việt Nam trúng cử là thành viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục (192/193 phiếu). |
Ngoại giao đa phương
Bác Hồ là người đã khởi đầu cho nền ngoại giao đa phương của Việt Nam. Năm 1919, khi Hội quốc liên họp ở Versaille (Pháp), Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đã gửi Yêu sách đòi quyền tự quyết của nhân dân An Nam.
Trong Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945, Hồ Chủ tịch đã trích Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Mỹ, Tuyên ngôn Nhân quyền của Cách Mạng Pháp 1789, và thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với tôn chỉ Độc lập Tự do Hạnh phúc – mục tiêu của các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới.
Ngay từ Khóa họp đầu tiên của Liên hợp quốc (LHQ) năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi đơn xin gia nhập LHQ, nhưng thực dân Pháp quay lại xâm lược, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch đã phải chiến đấu chống Pháp và chống Mỹ để giành độc lập và thống nhất đất nước năm 1975. Sau hai năm bị Mỹ phủ quyết tại HĐBA, ngày 20/9/1977, Đại hội đồng LHQ đã nhất trí kết nạp Việt Nam vào LHQ.
Đại sứ Mỹ Andrew Young, từng là trợ lý của cố lãnh tụ da màu Martin Luther King, đã phát biểu chào mừng và đến chúc mừng đoàn Việt Nam. Sáng 21/9/1977, trong buổi lễ long trọng, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên và kể từ đó, đoàn Việt Nam đã tích cực đóng góp trong mọi hoạt động của LHQ.
Nhưng sau đó quan hệ các nước lớn thay đổi, Khmer Đỏ gây nạn diệt chủng ở Campuchia và tấn công Việt Nam rồi Trung Quốc tiến hành chiến tranh ở biên giới phía Bắc. Mỹ vu cáo và trục xuất Đại sứ Đinh Bá Thi ở LHQ. Việt Nam bị bao vây cấm vận.
Sau Hội nghị Paris, suốt 18 năm tôi đã theo Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đấu tranh trên các diễn đàn LHQ và Không liên kết chống bao vây cấm vận và tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia.
Cuối cùng, chính nghĩa đã thắng, uy tín quốc tế được đề cao và Việt Nam trúng cử với số phiếu cao kỷ lục làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021 (tại LHQ đã có trường hợp hai nước trong cùng khu vực tranh cử một chiếc ghế HĐBA, Đại hội đồng bỏ phiếu kéo dài nhiều ngày vẫn không xong, phải thỏa thuận chia đôi nhiệm kỳ mỗi nước làm ủy viên không thường trực một năm).
Tháng 1/2020, cùng lúc Việt Nam nhận nhiệm vụ vinh dự nhưng cũng là thử thách cao trong năm Chủ tịch ASEAN và tháng Chủ tịch HĐBA LHQ vào lúc quan hệ quốc tế và chủ nghĩa đa phương bị thương tổn, vai trò LHQ bị hạn chế, tiếp theo đó là đại dịch Covid-19 hoành hành đe dọa toàn thể nhân loại, các cuộc họp trù bị và chính thức đều phải qua trực tuyến khó khăn và phức tạp.
Ngoại giao Việt Nam với uy tín cao đã tiếp tục kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, khắc phục mọi khó khăn thách thức và đóng góp tốt nhất cho cộng đồng quốc tế trong đó có lợi ích dân tộc mình.
Trong lịch sử, dân tộc Việt Nam đã trải qua những thử thách chưa từng có trên thế giới: tồn tại và phát triển sau 1000 năm Bắc thuộc, đi đầu trong đánh đổ chủ nghĩa thực dân, chiến thắng và quan hệ tốt đẹp với các cường quốc cựu thù, đoàn kết hữu nghị với tất cả các quốc gia trên thế giới và đạt tới vị thế quốc tế cao chưa từng có hiện nay.
Chắc chắn trong ngôi nhà chung Trái đất, nhân loại sẽ ngày càng văn minh nhân đạo, Ngoại giao Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đóng góp cho cộng đồng quốc tế trong đó có lợi ích của Việt Nam.
New York, ngày 12/12/2020.
Nguồn:https://baoquocte.vn/dai-su-pham-ngac-ngoai-giao-ho-chi-minh-toa-sang-133935.html