Giáo dục mùa Covid-19: Cả thầy lẫn trò phải thay đổi để thích ứng

Năm trước và đến sau Tết Tân Sửu này, đại dịch Covid-19 hoành hành, tác động khiến ngành giáo dục vẫn ‘lận đận’ với việc phải liên tục điều chỉnh lịch trở lại trường của học sinh, sinh viên. Tất cả trong tinh thần phòng chống dịch bệnh, nhất là với đợt bùng phát thứ 3 ngay trước Tết Nguyên đán, xuất hiện biến thể của nCoV lây lan phức tạp.
Mục tiêu kép trong giáo dục thời Covid-19
Dịch Covid-19 đã tạo ra thách thức về hướng giảng dạy online, qua đó, yêu cầu người thầy nâng cấp kỹ năng. (Ảnh: Minh Hiền)

Cụ thể, sau Tết, theo kế hoạch, học sinh sẽ tựu trường vào ngày 17/2 (mùng 6 Tết) thì nhiều tỉnh thành đã cho đóng cửa trường học đến hết tháng 2, thậm chí qua tháng 3, có tỉnh còn bỏ lửng: cho đến khi có thông báo mới.

Học sinh học nhấp nhổm, trong nỗi lo dịch ập đến và nghỉ học bất cứ lúc nào. Xót nhất là có những học sinh mầm non, tiểu học đã phải cách ly y tế tập trung suốt 14 ngày vì dịch.

Trước đó, có ca nhiễm liên quan giáo viên tiếng Anh ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều trường Đại học đã gián đoạn việc dạy, có đến trên 100.000 sinh viên đã không thể lên giảng đường.

Với bậc học Đại học thì việc không lên lớp, sinh viên vẫn có thể tương tác với giảng viên, tự học, tự nghiên cứu. Đây cũng được xem là dịp để các cử nhân tương lai vượt qua định kiến về việc đào tạo ở Đại học – chưa thoát khỏi lề thói học thuộc lòng, thiếu tự chủ trong nghiên cứu, tìm tòi.

Theo đó, khi không thể lên giảng đường, các bạn vẫn có thể tự học và hoàn thiện các kỹ năng nghiên cứu, cập nhật kiến thức chuyên ngành, nội dung học phần đang học. Đồng thời, qua đó hình thành các kỹ năng ứng phó với những tình huống không thuận lợi như dịch bệnh, thiên tai.

Tuy nhiên, với học sinh, đặc biệt học sinh vùng quê, vùng xa, còn thiếu thốn thì không thể đáp ứng nhu cầu học trực tuyến theo yêu cầu. Thực ra, ngay cả giáo viên cũng lúng túng với việc phải dạy học online, một phần vì quen lên lớp, phần khác nhiều thầy cô lớn tuổi chưa thể cập nhật công nghệ để có thể làm tốt vai trò “người thầy 4.0”.

Trong Tết vừa rồi, khi đi thăm một vài thầy cô giáo cũ, tôi đã nhận được chia sẻ liên quan đến những khó khăn trong việc liên tục thay đổi chương trình giảng dạy cũng như cập nhật công nghệ. Và các thầy cô, có người đã có ý định nghỉ hưu sớm để “nhường đường” cho giới trẻ có khả năng hơn trong các kỹ năng liên quan.

Từ câu chuyện này, có thể thấy có một khoảng cách không nhỏ trong kỹ năng dạy học của thầy cô trẻ và thầy cô lớn tuổi; bên cạnh đó là khoảng cách vùng-miền khi công nghệ tràn qua môi trường giáo dục.

Không phải ở đâu thầy cô hay trường lớp cũng có thể đáp ứng các yêu cầu chung của ngành. Điều đó đồng nghĩa với chất lượng đào tạo cũng sẽ có trồi sụt ở nơi này, chỗ kia.

Dịch Covid-19 đã tạo ra thách thức về hướng giảng dạy online, qua đó, yêu cầu người thầy nâng cấp kỹ năng, đòi hỏi các tỉnh vùng sâu, vùng xa cũng cần chuẩn bị điều kiện để ứng phó với tình huống bất ngờ.

Hơn hết, từ đây đặt ra vấn đề thay đổi tư duy giáo dục, làm sao giúp cho người học khai phóng khả năng, hoàn thiện kỹ năng chứ không phải học thuộc, đảm bảo thi cử điểm cao, thành tích tốt. Tất nhiên, thành tích phản ánh chất lượng giáo dục, nhưng cũng không hẳn, nếu cách chúng ta đạt thành tích là máy móc, thiếu khoa học.

Mục tiêu kép trong giáo dục thời Covid-19
Ngành giáo dục đã đề ra “mục tiêu kép” từ lâu, bao gồm dạy tốt, học tốt. (Ảnh: Yến Nguyệt)

Covid-19 gây gián đoạn việc lên lớp, nhưng không vì vậy mà hàng triệu học sinh – sinh viên gián đoạn trong tiếp cận tri thức. Điều đó chúng ta chưa đạt được khi học sinh nghe thông báo nghỉ dịch sau Tết vẫn mừng rơn. Thậm chí, có trường hợp học sinh đã dùng photoshop để sửa văn bản của địa phương liên quan việc nghỉ học do dịch để thể hiện mong muốn nghỉ thêm. Khi học sinh vẫn còn thái độ sợ học có nghĩa là việc giáo dục, đào tạo của ta chưa tạo được hứng khởi nơi họ để họ thấy nghỉ học vì sự cố là thiệt thòi.

Trong năm 2020, mọi người nói về mục tiêu kép mà Việt Nam đạt được là chống dịch thành công và tăng trưởng kinh tế. Thực ra, ngành giáo dục đã đề ra “mục tiêu kép” từ lâu, bao gồm dạy tốt, học tốt.

Nhưng bao năm qua, ngoài báo cáo thành tích tốt hàng năm, câu chuyện dạy và học vẫn còn loay hoay: từ chuyện thi cử còn nhiều điều bàn cãi đến sách giáo khoa liên tục thay đổi, càng đổi càng rối; tiêu cực trong giáo dục vẫn là “dấu vết” chưa tẩy được và điểm nhấn thời sự hiện nay là vụ Đại học Đông Đô cấp bằng giả – vi phạm pháp luật; sau ra trường các cử nhân không làm đúng nghề hoặc thất nghiệp…

Mong rằng, năm mới, ngành giáo dục sẽ cải thiện tình hình dù trong khó khăn của dịch bệnh. Làm sao để học sinh – sinh viên tự học, ý thức cao việc học mang lại giá trị cho mình chứ không phải cho ai khác.

Khi đó, nghỉ học dù bất cứ lý do nào họ cũng có cách bổ sung kiến thức bị khuyết, không có tâm lý khấp khởi, mong nghỉ thêm bởi những lý do bất khả kháng.

Nguồn:https://baoquocte.vn/giao-duc-mua-covid-19-ca-thay-lan-tro-phai-thay-doi-de-thich-ung-136941.html

Trả lời