Có núi liền núi, sông liền sông, chung đường biên giới tự nhiên kéo dài với người anh em Lào, có sự gần gũi, chung nguồn nước từ dòng Mekong với người láng giềng Campuchia, có tình đoàn kết ba nước mang ý nghĩa lớn lao với vận mệnh mỗi nước, mối quan hệ đặc biệt, thủy chung, son sắt Việt Nam-Lào-Campuchia mang nhiều nét chung giá trị và đáng trân quý.
Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định, với quyết tâm đẩy mạnh thực hiện các thoả thuận cấp cao, chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Tô Lâm lần này sẽ đánh dấu một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam với Lào và Campuchia trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác hiệu quả, tôn trọng lợi ích của nhau, góp phần củng cố tin cậy chiến lược cũng như làm sâu sắc hơn quan hệ với hai nước, tăng cường đoàn kết giữa Việt Nam-Lào-Campuchia và ASEAN.
Làm sâu sắc tình hữu nghị vĩ đại với Lào
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đồng khởi xướng và đặt nền móng cho tình hữu nghị, liên minh chiến đấu và đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào đã sáng tác những vần thơ bất hủ: “Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/ Việt-Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.
Chủ tịch Kaysone Phomvihane cũng có câu nói nổi tiếng: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào-Việt Nam mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.
Năm tháng qua đi, những tình cảm nặng sâu đó chẳng hề đổi thay. Hai nước vẫn luôn sát cánh, kề vai trong mỗi chặng đường phát triển. Năm ngoái, tại thủ đô Vientiane, công trình Học viện Chính trị Công an Lào, quà tặng của Đảng, Chính phủ và Lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Chính phủ và Lực lượng Công an Lào đã được khánh thành. Trước đó, nhiều công trình ý nghĩa thắm tình đồng chí, thắm tình anh em khác đã được xây dựng. Khó có thể kể hết những minh chứng cho tình đoàn kết đặc biệt Việt-Lào và hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Thời gian qua ghi nhận những chuyển biến tích cực trong quan hệ hai nước, nổi bật là hợp tác kinh tế – thương mại và đầu tư. Việt Nam tiếp tục là một trong những nhà đầu tư, đối tác thương mại lớn nhất của Lào và hiện có 255 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Lào với tổng số vốn 5,5 tỷ USD. Kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào năm tháng đầu năm 2024 đạt 779,6 triệu USD (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023).
“Sự hỗ trợ của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế cũng như các lĩnh vực khác có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với chính phủ và nhân dân Lào trong thời gian qua cũng như hiện nay. Mặc dù vẫn phải đối mặt với khó khăn nhưng Việt Nam luôn dành cho Lào sự ưu tiên, nhất là về kinh tế, giáo dục, những lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước từ trước đến nay”, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam Viengsavanh Vilayphone bày tỏ với báo chí.
Với những nét vẹn tròn đẹp đẽ, “rộng hơn biển cả, sáng hơn trăng rằm” như Chủ tịch Suphanouvong từng ví, chuyến thăm Lào của Chủ tịch nước Tô Lâm củng cố nền tảng vững chắc đó, đồng thời tạo xung lực mới, nhằm phát triển sâu sắc hơn, toàn diện hơn và mạnh mẽ hơn mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.
ASEAN – Ngôi nhà của chúng ta
Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ và hỗ trợ Lào hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2024. Đó là thông điệp chính được Chủ tịch nước Tô Lâm gửi gắm trong chuyến thăm.
Trong buổi tiếp Đại sứ, Đại biện các nước ASEAN và Timor-Leste tại Hà Nội ngày 30/5, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của tự cường và tự chủ chiến lược đối với ASEAN – đây cũng chính là những thành tố trong chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2024, theo đó ưu tiên tăng cư ờng gắn kết giữa các nền kinh tế, thúc đẩy khả năng tự cường và nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các thách thức địa chính trị và kinh tế.
Chia sẻ với TG&VN, bên cạnh những ý nghĩa đối với quan hệ song phương, Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh cho rằng chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh sự đoàn kết, tự cường và hợp tác khu vực của ASEAN, trong đó Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong những nỗ lực này.
Đáng chú ý, chuyến thăm của Chủ tịch nước Tô Lâm diễn ra trong bối cảnh Lào tích cực chuẩn bị, tổ chức các Hội nghị liên quan trong vai trò Chủ tịch năm ASEAN 2024 như Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Hội nghị cấp cao ASEAN 44-45. “Trong các cuộc tiếp xúc với Đại sứ ta, các đồng chí Lãnh đạo cấp cao Lào kỳ vọng, chuyến thăm của Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để Lào đảm nhiệm thành công trọng trách này”, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng cho biết khi trả lời phỏng vấn TG&VN.
Tình hữu nghị với Campuchia mãi trường tồn
Quan hệ với Campuchia không chỉ mang tính truyền thống, láng giềng mà còn đồng cam cộng khổ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.
“Gian nan mới biết bạn hiền, hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”, Chủ tịch Thượng viện Samdech Techo Hun Sen, khi đó là Thủ tướng Campuchia phát biểu tại lễ kỷ niệm 45 năm “Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot”, tháng 6/2022 để nói về sự giúp đỡ của Việt Nam đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, mang lại hòa bình ở đất nước Campuchia.
Gần đây nhất, tại Lễ kỷ niệm 47 năm “Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” ngày 20/6, Thủ tướng Samdech Thipadei Hun Manet nhấn mạnh lại tình cảm đó: “Nhân dân Campuchia luôn ghi nhớ sự thật lịch sử đối với bộ đội tình nguyện và các chuyên gia Việt Nam đã hy sinh thân mình để giúp đỡ Campuchia trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và nhân dân thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot”.
“Sông Cửu Long nghìn năm vẫn chảy. Nghĩa bạn bè mãi mãi không phai”, được thử lửa qua thời gian, tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia trở thành nhân tố bảo đảm cho sự phát triển bền vững của mỗi nước.
Với tinh thần xuyên suốt đó, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Campuchia lần này của Chủ tịch nước Tô Lâm có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục vun đắp, mở rộng, làm sâu sắc hơn nữa tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Campuchia theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, bảo đảm giữ gìn tình đoàn kết, hữu nghị mãi mãi trường tồn.
Thời gian qua, thúc đẩy hợp tác toàn diện với Campuchia luôn được chú trọng. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia và lớn nhất của Campuchia trong ASEAN và Việt Nam hiện có 205 dự án đầu tư còn hiệu lực ở đây với tổng vốn đăng ký đạt 2,94 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong năm nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia. Đặc biệt, công tác giải quyết giấy tờ pháp lý cho người gốc Việt tại Campuchia có bước tiến mới. Vừa qua, Quốc vương Campuchia đã ký Sắc lệnh cấp quốc tịch cho ba trường hợp người gốc Việt.
Chia sẻ với TG&VN, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng cho rằng trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, sự chống phá của các thế lực thù địch đối với mỗi nước và quan hệ hai nước đòi hỏi càng phải đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với nhau hơn, vì điều kiện địa chính trị khách quan đã khiến an ninh, ổn định và phát triển của nước này cũng chính là an ninh, ổn định và phát triển của nước kia.
“Trong chuyến thăm, Chủ tịch nước dự kiến có các cuộc hội đàm, hội kiến và tiếp xúc với tất cả các Lãnh đạo cấp cao của Lào và Campuchia. Đây là dịp thuận lợi để Lãnh đạo cấp cao hai nước cùng rà soát các thỏa thuận cấp cao, các lĩnh vực hợp tác quan trọng và đề ra phương hướng hợp tác thời gian tới”. Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt |
Siết chặt “vòng tay”
Tăng cường đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia là quyết tâm của lãnh đạo cả ba nước. Sự gắn bó keo sơn của ba nước trong chinh phục thiên nhiên và quá trình giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước, tình hữu nghị, đoàn kết giữa ba dân tộc là “dòng Mekong chảy mãi”, là nhân tố bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi quốc gia trong lịch sử, hiện nay và mai sau.
Tháng 12/2023, lần đầu tiên ba nước cùng phối hợp tổ chức Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới. Thành công của giao lưu đã góp phần tăng cường tin cậy chính trị, xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết. Thủ tướng Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet cũng đưa ra ý tưởng đề xuất xây dựng và định hình cơ chế hợp tác du lịch giữa Việt Nam – Campuchia cũng như giữa ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam theo phương châm “Một hành trình hai nước đến” hoặc “Một hành trình ba nước đến”.
Tựu trung, chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Tô Lâm mang bầu không khí hứng khởi, niềm mong chờ háo hức, đồng thời một lần nữa khẳng định Việt Nam quyết tâm giữ gìn, phát triển và vun đắp quan hệ đặc biệt với Lào, Campuchia, quan hệ giữa ba nước và với ngôi nhà chung ASEAN trong bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử.
Nguồn tin: Hai điểm đến đầu tiên của Chủ tịch nước Tô Lâm (baoquocte.vn)