Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa và những nội dung trọng tâm của Hội nghị AMM 57 và các Hội nghị liên quan trong thực hiện chương trình nghị sự Năm Chủ tịch ASEAN 2024 của Lào?
Năm Chủ tịch ASEAN 2024 của Lào, với chủ đề “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường” đã đi được nửa hành trình. Những trọng tâm, ưu tiên được xác định từ đầu năm đang từng bước được hiện thực hóa ở tất cả các kênh hợp tác. Hội nghị AMM 57 và các Hội nghị liên quan, diễn ra từ ngày 24-27/7 tại thủ đô Vientiane của Lào, được kỳ vọng sẽ “tăng tốc” triển khai các sáng kiến, chương trình hợp tác cụ thể, sớm thu hoạch “quả ngọt” cho cuối năm. Với ý nghĩa đó, các Hội nghị lần này sẽ có ba điểm nhấn quan trọng.
Một là nỗ lực và quyết tâm cao độ vì một ASEAN kết nối và tự cường theo đúng tinh thần của chủ đề năm nay. Trong những thập niên đầu tồn tại, các thế hệ đi trước đã sớm định hình tầm nhìn chiến lược về một ASEAN gắn kết, phát triển năng động, là hạt nhân của hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.
Tầm nhìn này đã toát lên tinh thần chung về kết nối và tự cường của ASEAN mà chúng ta vẫn nói đến ngày hôm nay. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn, nội hàm sẽ có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp với xu hướng và chuyển động của giai đoạn đó.
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2024, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Lào đã cùng các nước thành viên xác định các phương diện khác nhau của kết nối, đó là kết nối chặt chẽ hơn giữa các nền kinh tế, kết nối trong kỷ nguyên số và kết nối thông qua văn hóa nghệ thuật.
Ý nghĩa của tự cường cũng mang những sắc thái mới. Đó là tự cường về y tế, môi trường và khí hậu để đáp ứng những quan tâm hiện nay. Đó là tự cường cho những nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em để hướng tới phát triển bao trùm. Và đó là tự cường trước các cơ hội, thách thức của hiện tại và tương lai.
Điểm nhấn thứ hai là sự tiếp nối của tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. ASEAN sắp hoàn tất Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, và đang hướng tới tầm nhìn dài hạn hơn đến năm 2045.
Quá trình ASEAN xây dựng các chiến lược phát triển mới chính là sự tiếp nối theo trục thời gian, tiếp nối những thành quả của nhiều năm nỗ lực và hợp tác, phản ánh hiện tại và kỳ vọng tương lai; sự kết nối giữa động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới; và sự kết nối hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích chung của khu vực.
Tương tự, điểm nhấn thứ ba của Hội nghị lần này là tiếp cận rộng hơn khái niệm “tự cường”.
Trong thế giới nhiều biến động, làm thế nào để ASEAN nâng cao tự cường và tự chủ chiến lược là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Các vấn đề như Biển Đông, Myanmar, hay Bán đảo Triều Tiên, Trung Đông, xung đột Nga-Ukraine, các thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, sẽ tiếp tục được đặt trên bàn nghị sự của các Bộ trưởng.
Quan ngại, khác biệt, trao đổi, tranh luận đều có khả năng xảy ra, song điều quan trọng là ASEAN tiếp tục khẳng định bản lĩnh, củng cố lập trường nguyên tắc cân bằng, khách quan cũng như vai trò trung tâm của mình, được các đối tác tôn trọng và ủng hộ, cùng nhau nỗ lực và hợp tác vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững.
Với tinh thần đó, đoàn Việt Nam sẽ có những sáng kiến, thông điệp nào muốn nhấn mạnh trong khuôn khổ các Hội nghị, thưa Đại sứ?
Gần ba thập niên tham gia ASEAN, chúng ta luôn mong muốn và nỗ lực ở mức cao nhất cho thành công trọn vẹn của Hiệp hội.
Điều này không chỉ xuất phát từ ý thức về nghĩa vụ thành viên của chúng ta, mà cao hơn là trách nhiệm đóng góp vì sự phát triển chung của ASEAN và trách nhiệm đối với hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Với tâm thế đó, chúng ta đã chủ động tham gia chuẩn bị cho Hội nghị AMM 57 ngay từ những ngày đầu và sắp tới đây, đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị với nhiều trọng trách mang theo, sẽ tiếp tục đóng góp tích cực và trách nhiệm vào thành công chung.
Thứ nhất, dung hòa khác biệt và hài hòa lợi ích tiếp tục là định hướng xuyên suốt cho sự tham gia của chúng ta. Đoàn kết, thống nhất của ASEAN có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh hiện nay. Ngôi nhà ASEAN chỉ có thể vững mạnh khi các thành viên sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, hài hòa quan tâm của mình với quan tâm chung của khu vực, cùng nhau tìm giải pháp cho những khác biệt trên tinh thần tin cậy và thấu hiểu.
Thứ hai, góp phần triển khai thành công nghị sự kết nối. Tầm quan trọng của kết nối đã được ASEAN nhận thức từ rất sớm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực, thúc đẩy phát triển bao trùm và củng cố ý thức Cộng đồng.
Theo đó, ta sẽ cùng các nước xác định cách tiếp cận tổng thể và toàn diện để tăng cường kết nối khu vực, kết nối với các nước đối tác, không chỉ cụ thể hóa kết nối về hạ tầng, thể chế và con người mà mở rộng những lĩnh vực, xu hướng mới liên quan đến chuỗi cung ứng, đổi mới sáng tạo, kết nối số, thanh toán xuyên biên giới, mạng lưới điện…
Thứ ba, tiếp tục cùng các nước định hình tương lai ASEAN tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm như đề ra trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.
Vừa qua, triển khai sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ta đã tổ chức rất thành công Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024, thu hút sự tham sự của hơn 500 đại biểu với những chia sẻ, gợi mở thiết thực về những vấn đề thiết yếu đang đặt ra cho tương lai của ASEAN. Diễn đàn không chỉ bổ trợ cho tiến trình thảo luận đang diễn ra của ASEAN về các chiến lược triển khai Tầm nhìn 2045, mà còn là đóng góp kịp thời, kết nối quan tâm của khu vực với Hội nghị thượng đỉnh Tương lai của Liên hợp quốc sẽ được tổ chức vào tháng 9 tới.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Lào vừa diễn ra, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức giúp Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2024 và Chủ tịch Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA) 45, Đại sứ có thể chia sẻ thêm về thông điệp này của Chủ tịch nước?
Việc Việt Nam ủng hộ và hỗ trợ Lào đảm nhiệm thành công trọng trách Chủ tịch ASEAN 2024 và Chủ tịch AIPA-45 đã được khẳng định mạnh mẽ trong chuyến thăm Lào vừa qua của Chủ tịch nước Tô Lâm.
Đây là sự hỗ trợ đúng lúc, đúng thời điểm bởi nửa cuối năm 2024 sẽ là giai đoạn cao điểm của các sự kiện cấp cao của ASEAN, như Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44-45 và các Hội nghị liên quan, AIPA 45. Sự ủng hộ và hỗ trợ này cũng thể hiện sâu sắc truyền thống phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa hai nước tại ASEAN và các khuôn khổ hợp tác khu vực và toàn cầu khác, góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.
“Như Lãnh đạo cấp cao ta đã nhiều lần khẳng định, ASEAN là ưu tiên hàng đầu và lựa chọn chiến lược của Việt Nam. Thông điệp được đưa ra trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới một lần nữa khẳng định rõ nét ASEAN có ý nghĩa quan trọng chiến lược, là bộ phận không thể tách rời trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”. |
Việc ta ủng hộ và hỗ trợ Lào đảm nhiệm thành công các trọng trách trên cũng là đóng góp vào thành công chung của ASEAN, thể hiện nhất quán phương châm tham gia ASEAN của ta là chủ động, tích cực và có trách nhiệm.
Như Lãnh đạo cấp cao ta đã nhiều lần khẳng định, ASEAN là ưu tiên hàng đầu và lựa chọn chiến lược của Việt Nam. Thông điệp được đưa ra trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới một lần nữa khẳng định rõ nét ASEAN có ý nghĩa quan trọng chiến lược, là bộ phận không thể tách rời trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Trên tinh thần đó, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chủ tịch Lào và các nước, đối tác, cùng nỗ lực kiến tạo những thành quả mới cho hợp tác ASEAN trong năm 2024.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Nguồn tin: Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 57: Tăng tốc cho “vụ mùa” cuối năm trên xứ triệu voi (baoquocte.vn)