Dự kiến, buổi sáng, các đại biểu Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng không nhân dân; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Dự án Luật Phòng không nhân dân.
* Về Dự án xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15, ngày 9/6, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP Dự án này.
Theo đó, Chính phủ thống nhất thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 60/TTr-BTNMT ngày 7/6 và hồ sơ liên quan kèm theo.
Cụ thể: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 như sau: “1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Điều 253; Điều 254 (trừ khoản 4 và khoản 5); Điều 255 (trừ khoản 8); Điều 256 (trừ khoản 2 và khoản 4); Điều 257 (trừ khoản 1); Điều 258; Điều 259; Điều 260 (trừ các khoản 12, 14 và 15) của Luật Đất đai có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025”.
Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 197 Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 như sau: “1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024”.
Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 82 Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 như sau: “1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024”.
Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 209 Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 như sau: “2. Khoản 3 Điều 200 và khoản 15 Điều 210 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024”
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 theo quy trình xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp của Quốc hội.
* Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, gồm 9 chương, 65 điều được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khoá XV.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, Đảng đã có nhiều chủ trương, chính sách về Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH). Tuy nhiên việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về PCCC và CNCH, đặc biệt là nội dung xã hội hóa công tác PCCC còn hết sức hạn chế, chưa có cơ chế, chính sách cũng như sự hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể; chưa khuyến khích được doanh nghiệp, người dân cùng tham gia.
Đặc biệt, việc xây dựng luật còn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan và khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành.
Thời gian qua, tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp, nhất là tại các thành phố lớn, các khu đô thị tập trung đông dân cư với nhiều loại hình cơ sở mới xuất hiện đã và đang gây ra những thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, đời sống xã hội, môi trường ổn định để phát triển kinh tế – xã hội…
Vì vậy, việc xây dựng, ban hành Luật PCCC và CNCH là thực sự cần thiết để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chính sách của Đảng và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý về công tác PCCC, CNCH.
* Dự thảo Luật Phòng không nhân dân gồm 8 chương với 55 điều, tập trung vào 5 chính sách gồm: Xây dựng lực lượng phòng không nhân dân; Huy động, hoạt động lực lượng phòng không nhân dân; Quy định quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; Quy định các biện pháp về bảo đảm an toàn phòng không; Nguồn lực, chính sách đối với phòng không nhân dân.
Theo Thiếu tướng Bùi Đức Hiền, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, phòng không nhân dân là một nội dung quan trọng của công tác quốc phòng, quân sự; được xây dựng, tổ chức hoạt động trong khu vực phòng thủ, là một bộ phận của thế trận quốc phòng toàn dân trên mặt trận đối không nhằm thực hiện phòng, tránh, đánh địch đột nhập, tiến công đường không và phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả do địch tiến công đường không gây nên; bảo vệ Đảng, chính quyền, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, tính mạng và tài sản của Nhân dân, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, lực lượng phòng không nhân dân đã từng bước được củng cố về tổ chức, biên chế, vũ khí, trang bị kỹ thuật; lực lượng nòng cốt phòng không nhân dân thường xuyên duy trì nền nếp huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng thế trận phòng không liên hoàn, rộng khắp, vững chắc, có chiều sâu, bảo vệ vững chắc vùng trời của Tổ quốc.
Trước sự phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các loại vũ khí công nghệ cao được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo với ưu việt nhảy vọt về chất lượng và tính năng kỹ chiến thuật; trong đó, các loại vũ khí tiến công đường không như: Tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ ngày càng được sử dụng rộng rãi ngay từ giai đoạn đầu và trong suốt cuộc chiến tranh, làm thay đổi phương thức tác chiến truyền thống…
Từ những lý do trên, việc xây dựng, ban hành Luật phòng không nhân dân là rất cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tạo khung pháp lý chung cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân.
Đồng thời góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế đất nước, kiên quyết, kiên trì bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.