Cụ thể, buổi sáng: Các đại biểu nghe Bộ trưởng Bộ Công an, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều: Các đại biểu thảo luận ở tổ về: Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
* Trước đó, chiều 19/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.
Trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương (trẻ em, người cao tuổi, khuyết tật, mất năng lực hành vi dân sự, phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ, người dân tộc thiểu số) và bảo vệ lợi ích công là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, thể hiện bản chất ưu việt của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, luôn được Đảng, Nhà nước rất quan tâm.
Tuy nhiên về trách nhiệm, vai trò khởi kiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa thực sự hiệu quả; còn xảy ra vụ việc dân sự xâm hại các quyền dân sự của chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương và lợi ích công nhưng chưa rõ chủ thể được giao thực hiện việc khởi kiện hoặc chưa được các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực sự quan tâm, chủ động yêu cầu khởi kiện.
Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là pháp luật chưa quy định cụ thể cơ chế bảo đảm cho các cơ quan, tổ chức khởi kiện, Viện kiểm sát nhân dân chưa được thực hiện quyền khởi kiện vụ án dân sự.
Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia cho thấy, Viện kiểm sát/Viện công tố thông qua cơ chế khởi kiện vụ việc dân sự bảo vệ lợi ích công và nhóm dễ bị tổng thương rất hiệu quả.
“Do vậy, cùng với các cơ chế hiện có, Kết luận số 120-KL/TW ngày 22/01/2025 của Bộ Chính trị đã giao cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9”, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến nêu rõ.
Dự thảo Nghị quyết gồm 4 Chương, 19 Điều, trong đó quy định Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự công ích trong trường hợp không có người khởi kiện để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công và việc bảo đảm quyền khởi kiện của Viện kiểm sát nhân dân.
Trình bày Báo cáo tóm tắt Thẩm tra dự án Nghị quyết của Quốc hội thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, nội dung dự thảo Nghị quyết bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi; cơ bản thống nhất với các luật có liên quan.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với phạm vi thực hiện thí điểm tại 6 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương với phạm vi như sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh; nhất trí thời điểm dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026 và thời gian thực hiện thí điểm trong 3 năm là phù hợp.
Nguồn tin: Hôm nay 20/5, Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp