Hôm nay 21/5, Quốc hội thảo luận để bầu Chủ tịch nước, Luật Đường bộ, Luật Đấu giá tài sản

Hôm nay ngày 21/5, Quốc hội tiếp tục họp tại hội trường, thảo luận danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước, thảo luận Luật Đường bộ, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Việt Nam bước vào nhóm các nước trung bình cao, trọng tâm là hoàn thiện thể chế, chính sách, làm mới các động lực tăng trưởng
Quốc hội họp tại hội trường sáng 20/5.

Dự kiến, buổi sáng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.

Sau đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ; Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Sau đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Về công tác nhân sự (Quốc hội họp riêng), Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước; các đại biểu thảo luận tại Đoàn về danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Trước đó, Trung ương đã thống nhất rất cao giới thiệu Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết tại Hội nghị lần thứ 9, Trung ương chưa giới thiệu nhân sự Bộ trưởng Công an nên Quốc hội chưa có phê chuẩn hay miễn nhiệm chức danh này tại Kỳ họp thứ 7.

* Về dự thảo Luật Đường bộ, trước đó, chiều 11/3 tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì làm việc với Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cùng các bên liên quan về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Huy Khánh cho biết, căn cứ ý kiến của các ĐBQH tại kỳ họp thứ 6, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát và đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn.

Về quy định chung đối với đường cao tốc, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc còn phụ thuộc khả năng cân đối ngân sách và huy động nguồn lực; mặt khác, đây là vấn đề thuộc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, sẽ được Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, quy định cụ thể. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị không quy định cụ thể những nội dung này trong dự thảo Luật…

Thảo luận tại cuộc làm việc, các đại biểu cơ bản tán thành với Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự án Luật Đường bộ; cho rằng, các nội dung lớn cơ bản đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu quốc hội, ý kiến chuyên gia, nhà khoa học.

Một số đại biểu đề nghị, cần tiếp tục rà soát các nội dung được điều chỉnh như về giải thích từ ngữ, hành vi bị nghiêm cấm, cơ sở dữ liệu đường bộ, nguyên tắc hoạt động đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ, phương tiện và hệ thống giao thông thông minh, vận tải đường bộ, cơ quan quản lý nhà nước… để tránh trùng lặp, chồng chéo và nếu quy định dẫn chiếu phải bảo đảm chính xác.

* Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp thứ 31 diễn ra vào sáng 14/3.

Tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10-11/2023), Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp (Cơ quan chủ trì soạn thảo) và Thường trực Ủy ban Pháp luật nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết, về phạm vi sửa đổi Luật, dự thảo Luật đã bám sát 3 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua khi đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, 2024.

Đồng thời, qua tổng kết 5 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản cho thấy, các quy định của Luật hiện hành cơ bản vẫn đang phát huy hiệu quả, tính khả thi trên thực tiễn. Theo đó, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 đã sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản của Luật hiện hành và bổ sung 1 điều mới; các điều, khoản, điểm khác chỉ sửa đổi, bổ sung mang tính kỹ thuật, thay thế từ ngữ, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với việc trích dẫn điều, khoản đã được sửa đổi, bổ sung.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 42 điều, khoản của Luật hiện hành; tăng 16 điều, khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nhưng chủ yếu là sửa về mặt kỹ thuật lập pháp, không phát sinh nhiều chính sách mới. Do đó, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản là phù hợp với phạm vi sửa đổi…

Nguồn tin: Hôm nay 21/5, Quốc hội thảo luận để bầu Chủ tịch nước, Luật Đường bộ, Luật Đấu giá tài sản (baoquocte.vn)

Trả lời