Dự kiến, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua: Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025, Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
* Về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), ngày 24/5, thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội khẳng định lưu trữ là việc làm quan trọng, không chỉ cho hiện tại mà cả trong tương lai các thế hệ con cháu. Thực tiễn cho thấy nhờ công tác lưu trữ mà nhiều tài liệu quý giá từ các triều đại phong kiến đến nay đã mang lại những giá trị to lớn cả về mặt văn hóa và lịch sử, giúp chứng minh nhiều vấn đề.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường ghi nhận và đánh giá cao dự thảo Luật đã được các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu cơ bản đầy đủ, nghiêm túc tổng hợp và giải trình các ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tháng 3/2024.
Trong đó, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) quy định bổ sung một số nội dung mới như: thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, quản lý tài liệu lưu trữ trong các trường hợp cơ quan, tổ chức, tổ chức lại, giải thể, phá sản, quản lý tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và đặc biệt là các vấn đề liên quan đến lưu trữ điện tử.
Các nội dung của dự án Luật phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan và Việt Nam là thành viên.
Để đảm bảo tính thống nhất với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các luật liên quan như Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Công nghệ thông tin… các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát bổ sung nội dung về sử dụng thông tin cho phù hợp với thực tiễn để áp dụng luật; bảo đảm quyền tiếp cận và sử dụng thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 8 chương với 65 điều. Dự kiến tại kỳ họp này, Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua.
* Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 173 điều được bố cục thành 5 phần, 11 chương, được xây dựng theo việc thực hiện chủ trương của Đảng về “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”.
Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành như: Hệ thống hình phạt chưa phù hợp; một số hình phạt không có sự phân hóa giữa người chưa thành niên và người trưởng thành; mức hình phạt tù tối đa vẫn còn quá cao; các biện pháp giám sát, giáo dục đã được quy định nhưng thiếu tính khả thi;
Thủ tục tố tụng hình sự chưa thực sự thân thiện; chưa thiết lập được cơ chế điều phối quốc gia cũng như vai trò, trách nhiệm của người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên; quy định về thi hành án, tái hòa nhập cộng đồng còn chưa phù hợp, hiệu quả chưa cao; chưa nội luật hóa đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; pháp luật về tư pháp người chưa thành niên được quy định ở nhiều đạo luật.
Phần lớn chỉ điều chỉnh các quy định vốn được áp dụng cho người trưởng thành để áp dụng với người chưa thành niên, nên không hiệu quả, gây khó khăn khi áp dụng.
Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên cũng được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm người chưa thành niên; tuân thủ các chuẩn mực của quốc tế và đáp ứng yêu cầu của Liên Hợp Quốc về xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, việc xây dựng dự án Luật tư pháp người chưa thành niên nhằm hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội.
* Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15, ngày 19/6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, về cơ sở thực tiễn, Luật được Quốc hội khóa XV thông qua đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, khắc phục tồn tại, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành và có nhiều quy định mang tính đổi mới đột phá được tổng kết đánh giá, thí điểm từ thực tiễn người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn mới.
Mục đích ban hành Luật sửa đổi này là nhằm đưa các nội dung đổi mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vào thực tiễn, sớm khắc phục những tồn tại hạn chế của pháp luật hiện hành; đồng thời khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, tạo động lực mới cho phát triển đất nước và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Đồng thời Luật sửa đổi cũng giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân sớm được tiếp cận chính sách đổi mới theo hướng có lợi như chính sách nhà ở xã hội, chính sách đất ở đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, quyền lợi của người có đất bị thu hồi, đơn giản hóa thủ tục hành chính…
Bên cạnh đó, quan điểm sửa đổi phù hợp với chủ trương của Đảng về hoàn thiện đồng bộ hệ thống luật pháp, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, khả thi; quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các đối tượng chịu sự tác động.
Về bố cục và nội dung của dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự thảo Luật được bố cục thành 5 Điều, cụ thể như sau: Điều 1: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15;
Điều 2: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 197 Luật Nhà ở số 27/2023/QH15; Điều 3: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 82 Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15;
Điều 4: Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 209 Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15; Điều 5: Hiệu lực thi hành.
Các điều nêu trên được sửa đổi theo hướng cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngàỵ 1/8/2024. Riêng khoản 10 Điều 255 và khoản 4 Điều 260 của Luật Đất đai đề xuất có hiệu lực từ ngày 1/1/2025; Nội dung chi tiết để đề xuất khoản 10 Điều 255 và khoản 4 Điều 260 của Luật Đất đai được thể hiện chi tiết tại Tờ trình 322/TTr-CP ngày 17/6/2024 của Chính phủ.