Dự kiến, buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Về Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Thành viên Chính phủ và các cơ quan, cá nhân có liên quan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu nếu có.
* Trước đó, ngày 20/5, ngày sau Phiên khai mạc, các đại biểu Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Báo cáo tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tình hình kinh tế xã hội những tháng cuối năm 2023 tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,05%, thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng ở mức cao trên thế giới và khu vực. Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỉ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao, lạm phát kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,25%. Thị trường tiền tệ, ngoại khối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm, thu ngân sách nhà nước đạt trên 1,75 triệu tỷ đồng, vượt 8,2%, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội và các nhiệm vụ cấp thiết khác.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, phức tạp và khó lường, những kết quả đạt được của năm 2023 là rất đáng ghi nhận, trân trọng và tự hào. Tuy nhiên, nước ta vẫn còn những hạn chế, khó khăn, trong đó tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra.
Những tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2023. Đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Phó Thủ tướng cũng trình bày 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp triển khai thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển trong thời gian tới.
Cử tri và nhân dân cả nước kỳ vọng các vị đại biểu Quốc hội sẽ phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, qua đó đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế – xã hội, tài chính, ngân sách năm 2024 cũng như quyết định các quyết sách khác, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
* Trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.216 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Kiến nghị của cử tri (KNCT) liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Giao thông Vận tải; Giáo dục, đào tạo; Nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,7%.
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã trả lời đầy đủ 62/62 kiến nghị. Tiếp thu KNCT, Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới trong công tác xây dựng luật, các luật sau khi được ban hành bảo đảm tính khả thi, thực hiện ổn định, lâu dài. Hoạt động giám sát tiếp tục thể hiện sự đổi mới liên tục, giám sát có trọng tâm, trọng điểm về những nội dung bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, kết quả được đông đảo cử tri và Nhân dân ghi nhận…
Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương cũng đã chú trọng giải quyết KNCT, thể hiện tính cầu thị, tích cực, chủ động khắc phục những hạn chế, đề ra nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành. Việc nghiên cứu, tiếp thu và giải quyết KNCT đã góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và Nhân dân cả nước.
Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 16/16 kiến nghị về việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ xét xử trực tuyến; bổ sung số lượng Kiểm sát viên; hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự…
Về các kiến nghị, Báo cáo kết quả giám sát nêu rõ, trong thời gian tới, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các Đoàn đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý KNCT; đảm bảo tiến độ, thời gian gửi báo cáo tổng hợp KNCT sau khi đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri theo quy định.
Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri.