Dự kiến, buổi sáng, các đại biểu Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An;
Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng;
Sau đó, Quốc hội họp riêng về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.
* Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, quy định 4 nhóm lĩnh vực với tổng số 16 chính sách, bao gồm: Quản lý tài chính – ngân sách Nhà nước (5 chính sách); Quản lý đầu tư (7 chính sách); Quản lý đô thị, tài nguyên rừng (2 chính sách); Tổ chức bộ máy và biên chế (2 chính sách).
Trong đó, có 4 chính sách đề xuất mới phù hợp thực tiễn phát triển của tỉnh Nghệ An.
Chính sách 1: Cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản (không bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp) trên địa bàn miền Tây Nghệ An để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội địa bàn miền Tây Nghệ An.
Chính sách 2: Cho phép tỉnh Nghệ An được giữ lại và sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thu từ các dự án phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh không có điều kiện tự trồng rừng thay thế phải nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để thực hiện biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên.
Chính sách 3: Tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trên địa bàn miền Tây Nghệ An.
Chính sách 4: Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An có không quá 5 (năm) Phó Chủ tịch.
* Về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Chính phủ ban hành Nghị quyết 37/NQ-CP ngày 30/3/2024 về đề nghị xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Các nội dung của chính sách trong đề cương dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 34 chính sách cụ thể.
Nhóm 1: Chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị của thành phố Đà Nẵng (8 chính sách).
Nhóm 2: Các chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng được đề xuất thực hiện thí điểm (26 chính sách), bao gồm: Chính sách về quản lý đầu tư (4 chính sách); Chính sách về tài chính, ngân sách nhà nước, thuế, hải quan (5 chính sách); Chính sách về quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường (6 chính sách); Chính sách về thu hút nhà đầu tư chiến lược (1 chính sách); Chính sách về vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (8 chính sách); Chính sách về tiền lương, thu nhập (2 chính sách).
Tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng kể từ ngày 1/7/2026. Mục tiêu của chính sách là xây dựng mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng tinh gọn hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo sự linh hoạt, thông suốt trong quá trình vận hành, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố theo hướng năng động, sáng tạo trong thời kỳ mới.
Đồng thời nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị; huy động cao nhất mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy việc hình thành đô thị văn minh, hiện đại.
Dự thảo cũng đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Đà Nẵng sẽ giúp UBND thành phố triển khai thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm, tham gia giám sát, truy xuất nguồn gốc tại các chợ, trung tâm thương mại, dịch vụ ngày càng được nâng cao, tăng chất lượng hàng hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
* Về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, tại phiên họp chiều 30/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2022 được quyết định như sau: Tổng số thu NSNN là 1.413.408 tỷ đồng; Tổng số chi NSNN là 1.855.641 tỷ đồng; Bội chi NSNN là 442.233 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Cụ thể:
Thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Quốc hội trong đó có Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành các chính sách miễn, giảm gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã hỗ trợ trực tiếp giúp các doanh nghiệp giảm các nghĩa vụ tài chính, gia tăng thanh khoản, giảm chi phí giá vốn, vượt qua khó khăn, duy trì, ổn định, mở rộng sản xuất kinh doanh, đóng góp vào quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế.
Các chính sách đã huy động kịp thời mọi nguồn lực, từ NSNN, nguồn huy động đóng góp, viện trợ từ các tổ chức và cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn lực tài chính khác, đảm bảo nguồn lực phòng chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, duy trì nguồn lực cho đầu tư phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Công tác quản lý thu NSNN được thực hiện quyết liệt dẫn đến kết quả thu NSNN không những bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân (chưa được tính trong dự toán) mà còn vượt so với dự toán, qua đó đảm bảo nguồn lực, tăng chi đầu tư phát triển; thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Đồng thời, tiếp tục tích lũy dành nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.
Chi NSNN được quản lý chặt chẽ, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai; triệt để tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả hoạt động thu, chi NSNN, quản lý, sử dụng tài sản công.
Đảm bảo cân đối ngân sách các cấp; giảm bội chi NSNN so với dự toán, nợ công giảm và thấp hơn mức trần ngưỡng cảnh báo quy định tại Nghị quyết Quốc hội, tiếp tục cơ cấu bền vững nợ công; hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng lên.
Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo Quốc hội việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trên cơ sở các nội dung báo cáo, Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022 như sau: Tổng số thu cân đối NSNN là 2.713.787 tỷ đồng; Tổng số chi cân đối NSNN là 2.897.466 tỷ đồng; Bội chi NSNN 293.313 tỷ đồng;…
Báo cáo Kiểm toán quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2022 tại phiên họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, qua kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tổng hợp một số kết quả kiểm toán chính của các cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2023, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã kiến nghị tăng thu giảm chi ngân NSNN 21.346,33 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 28.595,09 tỷ đồng.
Về những bất cập, hạn chế về cơ chế chính sách, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, bên cạnh các tồn tại, hạn chế trong chấp hành, quyết toán NSNN, KTNN đã chỉ ra một số bất cập, hạn chế về cơ chế, chính sách, qua đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc hủy bỏ một số nội dung không phù hợp của 198 văn bản gồm 1 Luật; 8 Nghị định; 5 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 27 Thông tư và 157 văn bản khác.