Khai mạc phiên họp thứ 18 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho ý kiến đối với 2 nhóm vấn đề

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng, phát biểu trách nhiệm. Các cơ quan hữu quan bố trí thời gian họp đầy đủ để bảo đảm chất lượng phiên họp với tinh thần khẩn trương, kỹ lưỡng

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp. (Nguồn: TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp. (Nguồn: TTXVN)

Sáng 13/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 18. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong phiên họp quan trọng cuối năm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với 2 nhóm vấn đề.

Nhóm nội dung thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền theo công việc thường xuyên, theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao, gồm 8 nội dung.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân; xem xét, quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nội dung trọng tâm của công tác lập pháp trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về nội dung, cách thức tổ chức, thời gian xin ý kiến nhân dân để đảm bảo hiệu quả, thực chất, thực sự phát huy được dân chủ và trí tuệ của toàn dân đóng góp cho dự án Luật quan trọng này.

Nội dung tiếp theo là đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2022; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cho ý kiến (chỉ đạo, điều hòa) về chương trình đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và Văn phòng Quốc hội.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết ban hành Quy chế về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Nhấn mạnh đại biểu Quốc hội là trung tâm trong hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, từ đầu khóa XV đến nay, việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu theo nhiều phương pháp, cách thức khác nhau đã được đẩy mạnh.

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội theo hướng tăng cường phát huy dân chủ, tăng tính pháp quyền, ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả, Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kế hoạch, chương trình, khung chương trình, tài liệu, cách thức tổ chức, báo cáo viên, giảng viên để thực sự thiết thực, hiệu quả. Ban Công tác đại biểu đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, quyết định việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia từ dự phòng của ngân sách; xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại một số quốc gia; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 11.

Nhóm nội dung quan trọng thứ hai là Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số nội dung để chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch; việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); về việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV và đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế; cho ý kiến về nhóm vấn đề về tài chính, ngân sách gồm việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021, về giải pháp xử lý, bất cập tại một số trạm thu phí, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT…

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là một nhiệm vụ đặt ra theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017. Đây là lần đầu tiên nước ta xây dựng quy hoạch như vậy, chưa có tiền lệ; do đó, đây là việc rất mới và khó. Định hướng cho công tác quy hoạch này đã được Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương xem xét và thông qua.

Trên cơ sở đó, Chính phủ cụ thể hóa thành quy hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm xem xét, chuẩn bị nội dung này để trình Quốc hội xem xét và quyết định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành kế hoạch thẩm tra quy hoạch theo đề nghị của Ủy ban Kinh tế. Đây là nội dung đòi hỏi chuẩn bị kỹ lưỡng và rất công phu.

“Theo quy định của Luật Quy hoạch, đây là quy hoạch cấp cao nhất, chi phối các quy hoạch quốc gia khác như quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, các quy hoạch vùng, quy hoạch của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương… Do đó, chúng ta không thể để muộn được. Đây là nội dung quan trọng nhất của Kỳ họp bất thường nếu được tổ chức vào đầu năm tới”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết, để đảm bảo chất lượng cao nhất, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài của ngành Y tế, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ và trình Quốc hội chưa xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

Từ khi kết thúc Kỳ họp thứ 4 đến nay, Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Bộ Y tế, các cơ quan, tổ chức hữu quan của cả Chính phủ và Quốc hội rất nỗ lực.

“Chúng ta cho ý kiến xem đã đủ điều kiện để trình vào Kỳ họp bất thường xem xét, quyết định không? Nếu trình được sớm sẽ có thêm thời gian khoảng nửa năm, sớm hơn so với dự kiến vào tháng 5 năm sau để ban hành các nghị định, văn bản hướng dẫn”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Qua tổng hợp dư luận xã hội cho thấy còn rất nhiều vấn đề liên quan đến xã hội hóa, vấn đề tài chính, tự chủ của cơ sở khám, chữa bệnh, mối quan hệ giữa quản lý Nhà nước với vai trò của các tổ chức nghề nghiệp…

Mặc dù tiến độ là rất quan trọng, cấp bách, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu lắng nghe, tiếp thu và giải trình kỹ lưỡng và phải có quan điểm rất rõ ràng, nhất quán.

“Không phải thông qua bằng được tại Kỳ họp bất thường mà thấy được rồi, chín rồi thì chúng ta trình. Nếu chưa được thì theo lộ trình là đến kỳ họp tháng 5 sẽ xem xét. Trách nhiệm rất lớn nên cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Khẳng định nội dung phiên họp có ý nghĩa quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng, phát biểu trách nhiệm. Các cơ quan hữu quan bố trí thời gian họp đầy đủ để bảo đảm chất lượng phiên họp với tinh thần khẩn trương, kỹ lưỡng.

Nguồn tin: Khai mạc phiên họp thứ 18 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho ý kiến đối với 2 nhóm vấn đề (baoquocte.vn)

Trả lời