Tương lai của vũ khí hạt nhân, thứ được coi là vũ khí chiến lược, “bảo vật” của xứ cờ hoa, sẽ đi về đâu dưới thời Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden?
Tháng 10/2020, Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) đã được 86 quốc gia thành viên ký kết và đến nay, 50 quốc gia đã phê duyệt. Tuy nhiên, nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump đã phủ quyết và cố gắng phá bỏ hiệp ước trên, dự kiến có hiệu lực tháng 1/2021.
Khi ông Donald Trump còn chưa đầy 10 ngày nữa là mãn nhiệm, nhiều người đã đặt câu hỏi về chính sách vũ khí hạt nhân của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Có người cho rằng ông sẽ giảm đáng kể số lượng hạt nhân của Mỹ và đảo ngược vài chính sách hạt nhân của ông Trump.
Quan trọng hơn, ông Biden có thể thúc đẩy một số chính sách không phổ biến hạt nhân quan trọng. Đâu là sự thực sau những nhận định này?
Chính sách hạt nhân của ông Joe Biden sẽ còn là dấu hỏi cho đến khi ông nhậm chức chính thức vào ngày 20/1/2021. |
“Bình mới rượu cũ”
Theo đó, TPNW cấm phát triển, thử nghiệm, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân và cấm sở hữu vũ khí hạt nhân. Thỏa thuận này được dẫn dắt bởi các quốc gia phi hạt nhân, nạn nhân sống sót sau các vụ thử tên lửa và ném bom hạt nhân tại Nhật Bản cùng các tổ chức phi chính phủ, trong đó có Chiến dịch quốc tế bãi bỏ vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân gồm Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Israel, Triều Tiên, Pakistan, Nga, Anh và Mỹ đã tẩy chay đàm phán, phản đối và không ký hiệp ước 2017.
Đầu năm 2021, khi Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân sắp có hiệu lực, chính quyền Tổng thống Trump đã thúc giục các quốc gia đã phê chuẩn rút lui, phản ánh quan điểm lâu nay của Nhà Trắng cho vũ khí hạt nhân tăng cường an ninh của Mỹ và của các đồng minh quan trọng.
Song liệu kết cục có khác nếu ông Biden làm Tổng thống khi đó? Câu trả lời là chưa chắc. Nhiều người cho rằng nếu là Tổng thống vào thời điểm đó, ông Joe Biden cũng có thể hành động như ông Donald Trump.
Giống nhiều nhà lãnh đạo Mỹ khác, ông Biden là người ủng hộ sở hữu năng lực răn đe hạt nhân. Khi còn là Phó Tổng thống năm 2017, ông Biden từng gọi vũ khí hạt nhân là “nền tảng của phòng thủ quốc gia [Mỹ]”.
Trên trang web chiến dịch năm 2020, ông Biden khẳng định “mục đích duy nhất của kho vũ khí hạt nhân Mỹ là răn đe và nếu cần, sẽ trả đũa bằng 1 cuộc tấn công hạt nhân”. Sau khi nhậm chức ngày 20/1, ông Joe Biden có thể sẽ tiếp tục phản đối hiệp ước mới như ông Donald Trump.
Lập luận sai lầm và bài học đắt giá
Tuy nhiên, các lập luận sử dụng sức răn đe từ vũ khí hạt nhân nhằm đảm bảo an ninh không có nhiều sức thuyết phục. Chuyên gia vũ khí hạt nhân người Pháp Benoît Pelopidas đã nhấn mạnh rằng vũ khí hạt nhân không ngăn cản chiến tranh giữa các quốc gia trang bị hạt nhân hay duy trì hòa bình quốc tế.
Ví dụ tiêu biểu có thể kể đến đụng độ biên giới Trung-Nga cuối những năm 1960, hay xung đột trực tiếp Ấn Độ-Pakistan vào những năm 1990.
Quan trọng hơn, vũ khí hạt nhân đã không thể “làm nguội” Chiến tranh Lạnh. Căng thẳng thông qua các cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Nam Bán cầu đã dẫn đến cái chết của hàng triệu người. Chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô đã đến rất gần trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Thậm chí, theo các nhà sử học, trong thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh, vũ khí hạt nhân đã góp phần làm leo thang căng thẳng giữa các quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Vũ khí hạt nhân không chỉ có giá trị răn đe, mà chúng còn là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người và môi trường. Các vụ ném bom của Mỹ xuống Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8/1945 đã dẫn đến cái chết của khoảng 230.000 người vì phóng xạ, bỏng và bị thương trầm trọng.
Bức xạ cũng làm tăng nguy cơ bệnh tật thời gian dài, tạo ra chấn thương tâm lý khó bình phục và dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử với những người sống sót.
Cảnh tượng hoang tàn tại Hiroshima, Nhật Bản sau khi bị Mỹ thả bom ngyuên tử vào năm 1945. (Nguồn: AP) |
Kể từ năm 1945, các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Mỹ ở Quần đảo Marshall và Nevada, của Pháp tại Algeria và Polynesia, của Liên Xô ở Kazakhstan, của Anh ở Australia và của Trung Quốc tại khu vực Tân Cương đã để lại hậu quả nghiêm trọng, khiến người dân trong khu vực phải đối mặt với tỷ lệ ung thư, dị tật bẩm sinh cao và ô nhiễm môi trường sống.
Thống kê cho thấy, kể từ năm 1945, thử nghiệm hạt nhân trong khí quyển đã dẫn đến ít nhất 2 triệu ca tử vong do ung thư trên toàn cầu.
Điều này càng khiến cho Hiệp ước Cấm sử dụng Vũ khí hạt nhân quan trọng hơn bao giờ hết, nhằm bổ sung cho một số thỏa thuận quốc tế khác như Hiệp ước Cấm phổ biến Vũ khí hạt nhân năm 1968. Hiệp ước năm 1968 này cho phép Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga, những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khi đó, bảo toàn kho vũ khí của mình và cấm các quốc gia còn lại nghiên cứu và phát triển chúng. Tuy nhiên sau đó Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel đều đã phát triển và duy trì loại vũ khí này.
Thêm vào đó, thỏa thuận này cũng đòi hỏi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là thành viên tiến hành giải trừ vũ khí hạt nhân, song nỗ lực từ cả năm quốc gia trên vẫn còn khiêm tốn, thậm chí họ còn đẩy mạnh quá trình thu nhỏ và hiện đại hóa các loại vũ khí hạt nhân.
Những thay đổi mới
Mặc dù ông Joe Biden có khả năng sẽ tiếp tục từ chối Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, nhưng không có nghĩa là chính sách vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ duy trì hiện trạng như hiện nay. Giống như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Barack Obama, ông Joe Biden là người ủng hộ việc kiểm soát vũ khí hoàn toàn, bao gồm cả Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện năm 1996.
Thỏa thuận cấm tất cả các vụ thử hạt nhân từng được ký bởi cựu Tổng thống Bill Clinton, song lại chưa được Thượng viện phê chuẩn vì không đủ 2/3 số phiếu cần thiết.
Ông Joe Biden rõ ràng không muốn lặp lại điều tương tự. Do đó, ông nhiều khả năng sẽ duy trì chính sách trì hoãn thử vũ khí hạt nhân, điều được duy trì dưới thời cựu Tổng thống George H.W. Bush và từng đứng trước nguy cơ bị phá vỡ dưới thời ông Donald Trump. Tuy nhiên, ông Biden cũng được cho là sẽ mang đến một số thay đổi đáng kể thời gian tới.
Đầu tiên, ông cam kết gia hạn 5 năm Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) giữa Mỹ và Nga, giới hạn số lượng vũ khí hạt nhân được triển khai của cả hai lên 1.550. Đây là bước chuyển đáng kể nhằm bảo vệ hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất còn lại giữa hai bên, sau khi ông Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) năm 2019 và từ chối gia hạn START mới sẽ hết hạn tháng 2/2021.
Thứ hai, trong chiến dịch tranh cử, ông Biden đã đề ra chính sách “không sử dụng trước”. Theo đó, Mỹ sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân.
Ông Biden không phải là Tổng thống Dân chủ đầu tiên với ý tưởng “không sử dụng trước” vũ khí hạt nhân. Trước đây, cựu Tổng thống Barack Obama từng suy tính về chính sách này, song cuối cùng phải từ bỏ vì sự phản đối kịch liệt của một bộ phận đảng Dân chủ.
Cựu Tổng thống Barack Obama từng suy tính về triển khai chính sách “không sử dụng trước” vũ khí hạt nhân, xong đã buộc phải từ bỏ do sự phản đối của một bộ phận thành viên đảng Dân chủ. (Nguồn: AFP) |
Tổng thống đắc cử Joe Biden nhiều khả năng sẽ phải đối mặt tình cảnh tương tự. Tuy nhiên, nếu thành công, đây sẽ là thành tích đặc biệt quan trọng của ông, cũng như toàn thế giới, khi chỉ có Mỹ dành quyền định đoạt sử dụng vũ khí hạt nhân cho duy nhất một cá nhân là Tổng thống.
Thêm vào đó, không có chính quyền Mỹ nào theo đuổi chính sách này và trên thế giới, hiện chỉ có Ấn Độ và Trung Quốc áp dụng chính sách “không sử dụng trước”.
Trong phát biểu nổi tiếng tại Prague năm 2009, cựu Tổng thống Obama từng khẳng định Mỹ “sẽ thực hiện các bước cụ thể hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân”. Tuy nhiên, những cam kết không đạt nhiều tiến triển dưới thời ông Obama và ông Trump. Liệu ông Joe Biden có thể mang đến thay đổi cần thiết? Chỉ thời gian mới có thể trả lời.
Nguồn: https://baoquocte.vn/tuong-lai-vu-khi-hat-nhan-my-duoi-thoi-ong-joe-biden-133711.html