Tại họp báo, giới thiệu nội dung dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn nêu, về thời gian, Quốc hội họp phiên trù bị vào chiều 19/7, khai mạc sáng 20/7 và sẽ kết thúc vào ngày 31/7. Quốc hội có 11,5 ngày làm việc, trong đó, thời gian cho công tác nhân sự chiếm 3 ngày, thời gian dành cho việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác là 8,5 ngày.
Vì sao kỳ họp này không thể thực hiện trực tuyến?
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, Quốc hội đã chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho kỳ họp.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh bối cảnh kỳ họp thứ nhất diễn ra khi dịch bệnh Covid-19 trong đợt bùng phát thứ 4 đang diễn ra phức tạp trên nhiều địa bàn khắp cả nước, đặc biệt tại TPCHM và một số tỉnh phía Nam, số ca mắc tăng rất cao hàng ngày. Ông Cường khái quát, dù nhiều địa phương trong cả nước phải đang tập trung chống dịch nhưng theo quy định của Hiến pháp, chậm nhất 60 ngày sau bầu cử, Quốc hội phải tiến hành họp kỳ họp thứ nhất nên UB Thường vụ Quốc hội vẫn quyết định triệu tập kỳ họp từ 20/7.
Kỳ họp đầu tiên, Quốc hội phải tập trung làm công tác nhân sự, ông Cường lý giải, nội dung này không thể họp trực tuyến vì có hoạt động bỏ phiếu kín. Vậy nên cơ quan tổ chức cũng đã cố gắng để tổ chức kỳ họp nhanh, gọn, hiệu quả. Cụ thể, UB Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sắp xếp lịch để có thể giảm bớt 5 ngày làm việc (theo dự kiến ban đầu, kỳ họp thứ nhất kéo dài đến 5/8, nay đã được thu gọn lại, kết thúc vào 31/7).
“Cuộc bầu cử có tới gần 70 triệu cử tri đi bỏ phiếu cuối tháng 5 vừa qua cả nước còn tổ chức được thành công thì không có lý gì kỳ họp Quốc hội với chỉ 499 đại biểu không thể tổ chức thành công” – Tổng Thư ký Quốc hội nói.
Tại kỳ họp, theo ông Vũ Minh Tuấn, Quốc hội nghe báo cáo tổng kết cuộc bầu cử vừa qua, nghe báo cáo xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV.
Công tác nhân sự, quyết định số Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên UB Thường vụ Quốc hội, bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các UB của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước.
Quốc hội cũng bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao.
Theo quy định, ngay sau khi được bầu, các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án TAND tối cao sẽ tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội.
Ngoài ra, Quốc hội còn tiến hành phê chuẩn bổ nhiệm các thành viên Chính phủ theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ (sau khi được bầu).
Vấn đề đặt ra trong nội dung công tác nhân sự, theo cơ cấu hiện tại, số lượng các cơ cấu lãnh đạo nhà nước gồm 51 vị trí. Tuy nhiên, tại Hội nghị Trung ương 3 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chỉ giới thiệu 50 vị trí.
Trao đổi về việc này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, kỳ họp này, Quốc hội tiến hành kiện toàn tất cả các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật, cụ thể là 50 vị trí.
Khối Quốc hội, Quốc hội kiện toàn toàn bộ các chức danh lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, của UB Thường vụ Quốc hội.
Khối cơ quan Chính phủ, Tổng Thư ký Bùi Văn Cường cho biết: “Trước đây, theo thông lệ, Chính phủ có 5 Phó Thủ tướng nhưng kỳ họp này, Quốc hội sẽ chỉ kiện toàn 4 vị trí, đều là các Phó Thủ tướng tái cử. Theo đó, một vị trí chức danh lãnh đạo nhà nước được rút đợt này chính là một Phó Thủ tướng Chính phủ”.
Bộ máy Chính phủ sẽ kiện toàn 27 chức danh
Trình bày thêm về việc thực hiện quy trình công tác nhân sự tại kỳ họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu của UB Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhận định, theo quy định của luật Tổ chức Quốc hội, Tổ chức Chính phủ, công tác nhân sự là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Quốc hội phải thực hiện trong kỳ họp đầu nhiệm kỳ, để bắt đầu cho hoạt động của cả khóa.
Về các chức danh được kiện toàn trong kỳ họp lần này, bà Thanh giải thích, sau Đại hội XIII của Đảng, để đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, liên thông về công tác cán bộ, tại kỳ họp 11 khóa XIV, Quốc hội đã kiện toàn một bước công tác nhân sự. Do cách thức tổ chức, các cơ quan nhà nước hoạt động theo nhiệm kỳ nên đến kỳ họp thứ nhất đầu nhiệm kỳ mới, Quốc hội khóa XV, việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước cần thực hiện theo đúng quy trình, quy định của Hiến pháp, pháp luật.
“Các nhân sự được kiện toàn lần này không thay đổi so với kỳ họp 11 của Quốc hội khóa XIV thì đây vẫn là việc phải làm theo quy định. Việc thực hiện quy trình bầu, phê chuẩn, thực hiện tuyên thệ với các chức danh lãnh đạo chủ chốt tại Quốc hội kỳ này sẽ càng thể hiện trách nhiệm của các chức danh trước Quốc hội và cử tri, nhân dân cả nước” – bà Thanh phát biểu.
Cũng theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, các chức danh được kiện toàn kỳ này đã được báo cáo Bộ Chính trị, ban chấp hành Trung ương, liên quan đến cơ cấu tổ chức của các khối cơ quan. Với khối Chính phủ, bà Thanh cho biết, Bộ máy Chính phủ kỳ này sẽ kiện toàn 27 chức danh, gồm Thủ tướng, 4 Phó Thủ tướng, 18 Bộ trưởng và 4 Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
“Đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ đã được xem xét cụ thể cẩn thận trên cơ sở cân nhắc tổng thể về công tác cán bộ. Theo đó, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến về cơ cấu Chính phủ, trước mắt có 4 Phó Thủ tướng” – Trưởng Ban Công tác đại biểu thông tin.
Bà Nguyễn Thị Thanh cũng nói thêm, trước đây, Chính phủ có một Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Đến nay, vị trí này được tách ra, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh không còn kiêm nhiệm chức danh Bộ trưởng Ngoại giao, ông Bùi Thanh Sơn đã được phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa trước. Theo đó, cơ cấu Chính phủ kỳ này sẽ được kiện toàn theo hướng này.