Sau khi càn quét vào đất liền, bão Noru đã để lại khung cảnh tan hoang, ngập lụt. Người dân các tỉnh miền Trung bị thiệt hại tài sản nặng nề.
|
Ngày 28/9, sau khi bão Noru (hay bão số 4) đổ bộ và gây mưa lớn, tại TP. Tam Kỳ, Quảng Nam nhiều khu dân cư bị ngập. Tại khu vực quanh chợ Tam Kỳ, hàng chục ngôi nhà bị ngập 60-80 cm. Theo các tiểu thương, nước lũ lên nhanh khiến họ không kịp trở tay dọn dẹp hàng hóa lên cao. Nhiều đồ dùng, hàng bị chìm trong nước, gây thiệt hại về kinh tế. |
|
Trận mưa lớn trong đêm cũng khiến một số tuyến đường như Trần Quý Cáp, Trương Chí Cương, Trần Hưng Đạo… ở TP. Tam Kỳ bị ngập cục bộ, gây khó khăn cho người dân qua lại. |
|
Tại biển Cửa Đại (tỉnh Quảng Nam), sóng lớn dữ dội, cao từ 2-3m. Nhiều nhà hàng ven biển bị sóng đánh sạt lở nghiêm trọng, hở hàm ếch, có đoạn ăn sâu vào bờ khoảng 3-4m. Một đoạn bờ kè tại biển Cửa Đại cũng bị phá huỷ do bão. |
|
Trước đó, để đảm bảo an toàn cho người dân, ngay từ sáng 27/9, Quảng Nam đã di chuyển 1.200 hộ với gần 6.000 nhân khẩu ở xã Tam Thanh đến 3 địa điểm tập trung. Hàng trăm hộ dân khác cũng được sơ tán, xen ghép với những nhà kiên cố, an toàn. Trong ảnh, người dân ở nơi tránh trú trước giờ bão Noru đổ bộ. |
|
Báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam tính đến 17h chiều 28/9 cho thấy bão Noru đã khiến 41 người dân địa phương này bị thương. Bão cũng làm 64 nhà bị sập trên 70%, 1.150 nhà bị hư hại, tốc mái, 21 trường học bị tốc mái, hư hỏng, 7 trụ sở làm việc của công an tỉnh và các địa phương bị thiệt hại. Trong ảnh: Tuyến đường tỉnh 611 đoạn qua đèo Le, xã Quế Long (huyện Quế Sơn) bị sạt lở gây ách tắc giao thông. (Nguồn: Báo Quảng Nam) |
|
Cơn bão cũng gây thiệt hại 230 ha lúa, 346 ha hoa màu, 670 ha cây lâu năm, hơn 1.500 ha cây hằng năm, 770 ha rừng, 400 cây xanh bị hư hại, ngã đổ và 1.665 con gia súc, 755 con gia cầm bị thiệt hại. Ngoài ra có 350m bờ sông, 800m bờ biển bị sạt lở, một số tàu cá bị chìm, nhiều tuyến đường bị sạt lở. |
|
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, tính đến ngày 28/9, bão số 4 quét qua tỉnh này đã gây nhiều thiệt hại về nhà cửa, công trình công cộng, làm nhiều người bị thương. Thông tin ban đầu, bão số 4 đã làm 8 người bị thương. Bão đã làm 6 nhà bị sập, hơn 419 nhà dân tốc mái, nhiều nơi mất điện. |
|
Gió mạnh quét qua khu vực huyện Phú Vang khiến 124 nhà ở bị tốc mái. Đây là địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất ở Thừa Thiên Huế sau bão. Bên cạnh đó nhiều cây cối, cột điện cũng bị gió mạnh quật ngã. |
|
Chiều ngày 27/9, trước khi bão đổ bộ, tại thị trấn Cửa Việt, Quảng Trị xuất hiện cơn lốc xoáy khiến hơn 300 nhà dân, gian hàng bị tốc mái, đổ sập và 4 người bị thương. (Nguồn: Tiền Phong) |
|
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương cùng đoàn công tác đi kiểm tra việc phòng chống bão số 4 tại tỉnh Quảng Trị. (Nguồn: VnExpress) |
|
Quảng Trị ghi nhận có 8 người bị thương, 2 nhà bị sập, 137 nhà bị tốc mái, 180 hàng quán ven biển hư hỏng, nhiều đoạn đường bị sạt lở, ngập nước. Không chỉ thế, một cầu sắt ở xã Vĩnh Ô (Vĩnh Linh) bị cuốn trôi, khiến 330 hộ, gần 1.400 người dân bị cô lập hoàn toàn. Trong ảnh: Nước lũ tràn qua đập tràn Nguồn Rào, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. |
|
Do ảnh hưởng của bão Noru, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum xảy ra mưa lớn, nhiều tuyến đường bị sạt lở nhẹ. Trong ảnh: Cầu Đắk Long trên tuyến đường huyết mạch Hồ Chí Minh bị ngập sâu sau trận mưa lớn khiến giao thông trên tuyến chia cắt hoàn toàn, các phương tiện buộc phải dừng hai bên đầu cầu. |
|
Tại huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), nhiều tuyến đường bị ngập, nước tràn qua cầu khiến giao thông bị ách tắc, không thể di chuyển qua lại. Một số xã tại huyện này cũng bị cô lập, bao gồm: Tê Xăng, Măng Ri, Đăk Tờ Kan, Đăk Sao và Đăk Na. (Nguồn: VTC News) |
|
Trong khi đó, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), ảnh hưởng của cơn bão Noru đã khiến hàng loạt cây xanh trên địa bàn bị bật gốc, nằm ngổn ngang. Trên địa bàn thành phố có một nạn nhân tử vong do tông xe vào cột điện bị đổ ra đường do bão. (Nguồn: VTC News) |
|
Tại Quảng Ngãi, tính đến 10h30 trưa 28/9, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 633 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái, 3 nhà sập đổ hoàn toàn. Bên cạnh đó, bão Noru còn gây tốc mái, hư hỏng một số cơ quan, trường học, trạm y tế bị hư hỏng trên địa bàn tỉnh. Rất may không có thiệt hại về người. Về hệ thống lưới điện, toàn tỉnh có 1.718/3.318 trạm bị mất điện với 216.574 hộ mất điện. Đối với diện tích hoa màu bị thiệt hại, hư hỏng gần 200ha. Trong đó, hoa màu, rau bị hư hỏng 172,5 ha và cây trồng hằng năm hơn 18 ha. Trong ảnh: Gió bão cuốn bay bức tường nhà bên cạnh gây sụp đổ ngôi nhà 2 tầng của gia đình anh Kiều Hà, huyện Bình Sơn. (Nguồn: VTC News) |
|
Huyện Lý Sơn và Bình Sơn, hai địa phương được xác định là vùng chịu ảnh hưởng nặng nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, nhiều cây xanh bị ngã đổ, nhà bị tốc mái. Toàn huyện Lý Sơn có khoảng 250 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng. Các cơ sở thờ tự, công trình văn hoá bị tốc mái hư hại, ước thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng. Đối với hoạt động nông nghiệp có khoảng 70 ha hành thiệt hại hoàn toàn ước tính khoảng 37,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, bão số 4 và mưa lớn còn khiến khoảng 30 ha đất canh tác của nhân dân bị bồi lấp, chảy siết khó có thể sản xuất được ngay, mất nhiều thời gian khắc phục. Trong ành: Một tàu cá ở đảo Lý Sơn bị bão phá huỷ. |
|
Theo Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh, hiện trên địa bàn chưa ghi nhận thiệt hại về người. Trong đêm có một trường hợp phụ nữ trở dạ, được xe quân sự chở đến bệnh viện. Về thiệt hại tài sản, có 228 nhà tốc mái, 172 trạm biến áp mất điện (đã khôi phục lại 89 trạm), ngã đổ 75 cây xanh và một số biển hiệu. |
|
Trên địa bàn TP. Đà Nẵng không có hiện tượng sạt lở, tuy nhiên, nhiều cây ngã đổ nhiều chắn lối đi; có một số đá lăn nhỏ đơn vị quản lý đường đã dọn dẹp. |
|
Tại Hà Tĩnh, quốc lộ 1A bị ngập nhiều đoạn; nhiều tuyến đường huyện miền núi bị chia cắt. Tại huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, do mưa lớn nên nhiều tuyến đường bị chia cắt, ngập sâu; có nhiều điểm sạt mái taluy dương… Tại tuyến đường tuần tra ven biển đoanh qua địa bàn xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, mưa lớn trong tốì và sáng nay cũng khiến tuyến đường này tiếp tục xuất hiện 10 điểm sạt lở kéo dài khoảng 1Km; hiện có 15 hộ dân, 40 nhân khẩu xã Cẩm Lĩnh bị ảnh hưởng. |
|
Tại tỉnh Bình Định, cơn bão Noru vừa xảy ra trên địa bàn được đánh giá là không mạnh nhưng toàn tỉnh đã có 42 xã, phường của 6 huyện, thị xã bị mất điện. Trong ảnh: Bộ Chỉ huy quân sự và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đã triển khai các phương án, lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó với bão. (Nguồn: Báo QĐND) |
|
Tại Quảng Bình, có 1 người bị thương do ảnh hưởng của bão Noru. toàn tỉnh Quảng Bình có 17 điểm ngập, 1 điểm sạt lở ảnh hưởng đến tình hình giao thông trên địa bàn. Hiện toàn tỉnh có 11 thôn, bản bị chia cắt .Trong ảnh: Nước lũ đang chia cắt nhiều địa bàn tại Quảng Bình. |
|
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân “giải cứu” tài sản sau khi bão đi qua. |
|
Sáng 28/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác ứng phó với bão Noru – một trong những cơn bão lớn nhất ảnh hưởng tới nước ta những năm qua. Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đến giờ này hôm nay, chúng ta đỡ căng thẳng hơn giờ này ngày hôm qua. Kết quả ứng phó bão là khả quan và tích cực. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, khen ngợi, cảm ơn sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cơ quan khí tượng, thủy văn, quân đội, công an, báo chí truyền thông trong công tác phòng chống bão. Nhờ đó, giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của người dân và Nhà nước. (Nguồn: VGP) |
|
Thủ tướng bày tỏ chia sẻ với những người bị thương và các gia đình bị thiệt hại về tài sản. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương cần khẩn trương đánh giá thiệt hại, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, nhanh chóng ổn định đời sống vật chất và tinh thần của người dân, kịp thời động viên, thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, tạo điều kiện cho học sinh sớm trở lại trường ngay trong ngày mai. Tuyệt đối không để dân đói, dân rét, không có chỗ ở, không để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau bão, lũ. (Nguồn: VGP) |
Nguồn tin: Baoquocte.vn