Học sinh Hà Nội tham dự ngày hội tư vấn hướng nghiệp 2022. Ảnh: Sỹ Điền |
Khai thác thông tin hữu ích
“Các em tạm gác lại những tiếc nuối về bài thi tốt nghiệp để tập trung tìm hiểu thông tin về trường, ngành học mà mình yêu thích. Thời điểm này, các em hãy tận dụng những thông tin hữu ích để tìm được ngành đào tạo phù hợp với năng lực và mong muốn của bản thân nhất” – GS.TS Phạm Hồng Chương chia sẻ.
Mới đây, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tổ chức Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp – NEU Open Day 2022, nhằm giải đáp các băn khoăn, thắc mắc của phụ huynh và thí sinh. GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng nhà trường – khẳng định: Ngày hội là hoạt động thường niên và trở thành thương hiệu của trường.
Trường ĐH Gia Định (TP Hồ Chí Minh) cũng mở các kênh tư vấn tuyển sinh trực tuyến và công bố công khai số điện thoại, Zalo và Messenger… sẵn sàng giải đáp cho thí sinh và phụ huynh. Phó Hiệu trưởng Trịnh Hữu Chung cho hay, đội ngũ tư vấn viên của nhà trường luôn nhiệt tình giải đáp thắc mắc của thí sinh bất cứ lúc nào, thậm chí là 24 giờ/7 ngày.
Ông Trịnh Hữu Chung thông tin: Năm 2022, Trường ĐH Gia Định tuyển sinh thêm 3 ngành mới bao gồm: Thương mại điện tử, Quan hệ công chúng, Quản trị du lịch và lữ hành, nâng tổng số ngành đào tạo chương trình đại trà lên 17 ngành. Trường ĐH Gia Định có mức học phí từ 7,5 – 12,5 triệu/học kỳ đối với chương trình đại trà và 25 triệu/học kỳ đối với chương trình tài năng. Đặc biệt, trường cam kết không tăng học phí trong suốt quá trình học.
“Hơn 200 doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nhà trường, tham gia cố vấn, xây dựng chương trình đào tạo cũng như tạo môi trường thực tập, kiến tập cho sinh viên. Việc này giúp các em sau khi ra trường sẽ thích nghi nhanh với môi trường lao động, đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trường cũng có quỹ học bổng 9 tỷ đồng cho tân sinh viên xuất sắc. Điều này giúp gia đình và thí sinh an tâm về vấn đề tài chính khi nhập học” – Phó Hiệu trưởng Trịnh Hữu Chung nhấn mạnh.
Phụ huynh đặt câu hỏi trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. |
Giải mã những băn khoăn
PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân – tư vấn: Với những thí sinh đạt nhiều tiêu chí xét tuyển của trường nên tham gia xét tuyển tất cả phương thức. Nếu trúng tuyển ở nhiều phương thức, khi đó, thí sinh cần lựa chọn ngành yêu thích nhất để đưa lên nguyện vọng cao nhất (nguyện vọng 1) khi đăng ký trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT theo thời gian quy định.
Trong Ngày hội Open Day của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, một phụ huynh có con đoạt giải Nhì cuộc thi HS giỏi cấp thành phố, điểm thi SAT đạt 1.530 điểm, IELTS đạt 8.0, học trường chuyên, ba năm học sinh giỏi nhưng không biết lựa chọn phương thức xét tuyển nào để có cơ hội trúng tuyển cao nhất.
Với các thí sinh tham gia xét tuyển năm nay, TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) – lưu ý: Thí sinh tham gia xét tuyển phương thức riêng của các trường đã được thông báo trúng tuyển (có điều kiện) cần đăng ký nguyện vọng này trên Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT theo lịch từ 22/7 – 20/8.
Nếu bỏ qua bước này, dù đã được các trường xác nhận nhưng thí sinh vẫn không được công nhận đã trúng tuyển và mất cơ hội học ĐH. Ngoài ra, các em phải nhớ mã đối với từng phương thức xét tuyển khi đăng ký nguyện vọng lên hệ thống chung. Cùng một ngành đào tạo nếu có nhiều phương thức xét tuyển thì sẽ có số mã tương ứng.
Chia sẻ về cách sắp xếp nguyện vọng đăng ký xét tuyển, TS Nguyễn Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội – thông tin: Trước tiên, thí sinh cần ưu tiên lựa chọn các ngành mà mình yêu thích và đặt làm nguyện vọng cao nhất. VD: Ngành A của Trường ĐH X là ngành yêu thích nhất thì đặt làm nguyện vọng 1. Thứ tự các nguyện vọng tiếp theo có thể dành cho ngành có điểm trúng tuyển 3 năm trở lại đây, nằm trong khả năng của mình. Để bảo đảm khả năng trúng tuyển, các em nên lựa chọn thêm một vài ngành có số điểm trúng tuyển các năm trước thấp hơn so với điểm số dự kiến.
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, các trường ĐH được xét tuyển sớm với những phương thức không dùng đến kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022, nhưng lịch xét tuyển phải theo kế hoạch chung, nghĩa là không xác nhận nhập học sớm hơn ngày 15/9.
Bà Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) – cho hay, để hỗ trợ thí sinh trong đợt đăng ký xét tuyển sớm, Bộ đã yêu cầu các sở GD&ĐT chỉ đạo trường THPT xác nhận kết quả học tập cho thí sinh. Năm nay, cơ sở GD ĐH có thể tải kết quả học tập của những thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường cùng với thời gian tải kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, lọc ảo trên Hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Bà Nguyễn Thu Thủy nhắc lại, Quy chế tuyển sinh 2022 quy định các cơ sở giáo dục được xét tuyển sớm, nhưng không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung; đặc biệt không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào (nộp tiền giữ chỗ hoặc cam kết phải đăng ký nguyện vọng 1 trên hệ thống…) làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người học. Các trường cần hướng dẫn thí sinh đăng ký xét tuyển đúng ngành, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển… (đã đăng ký xét tuyển sớm tại trường) lên hệ thống đăng ký nguyện vọng xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT.
Với thí sinh đăng ký các phương thức xét tuyển sớm, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học lưu ý, phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT. Trường hợp đã được trường thông báo đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) một nguyện vọng nhất định, thí sinh phải tự quyết định việc đặt thứ tự ưu tiên nguyện vọng khi đăng ký trên hệ thống. Trường hợp không đủ điều kiện trúng tuyển vào một ngành đào tạo theo nguyện vọng, sĩ tử vẫn có thể đăng ký ngành đào tạo đó theo phương thức tuyển sinh khác trên hệ thống.
Trường đại học phải xét và chỉ đưa danh sách thí sinh trúng tuyển có điều kiện lên hệ thống. Danh sách này sẽ trở thành chính thức nếu thí sinh đăng ký trên hệ thống và kết quả sau lọc ảo đủ điều kiện vào trường. Các trường bắt buộc phải nhập học nếu các em xác nhận nhập học.