Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; lãnh đạo các bộ Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội; các ngân hàng, tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực xây dựng.
Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, nước ta đang xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuyên suốt trong quá trình đó lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 trở thành nước phát triển. Trong phát triển nền công nghiệp, yếu tố con người là đặc biệt quan trọng.
Cũng theo Thủ tướng, một trong những trăn trở lớn của Đảng, Nhà nước là chăm lo đời sống của công nhân lao động, người thu nhập thấp và đã có rất nhiều chương trình cho các đối tượng này, trong đó có chăm lo về nhà ở cho người dân. Do đó, Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách về nhà ở. Vì đây cũng là yêu cầu đáp ứng các quyền của mỗi công dân, gồm quyền có công ăn, việc làm, có chỗ ở, được mưu cầu hạnh phúc… Tuy nhiên, do xuất phát điểm của đất nước thấp, là nước đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, bị tàn phá trong chiến tranh nên chưa thể đáp ứng ngay các nhu cầu của người dân.
Thực hiện các chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến nay có 7,8 triệu m2 nhà ở xã hội được xây dựng, giúp lo chỗ ở cho hàng trăm ngàn công nhân, người thu nhập thấp. Tuy nhiên chưa đạt được mục tiêu đặt ra, mới đáp ứng một phần nhu cầu của người dân; nhu cầu về nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp rất cấp bách.
Thủ tướng mong muốn tại hội nghị này, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cùng thảo luận, nhận diện những kết quả, nhất là hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội; tìm ra nguyên nhân; đề xuất các giải pháp để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.
Nhân hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ cảm ơn, biểu dương các doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng làm tốt công tác anh sinh xã hội, tham gia cùng Đảng, Nhà nước chăm lo đời sống cho người dân, nhất là trong phòng chống dịch COVID-19 trong hơn 2 năm vừa qua. Các doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ vì mình, mà vì trách nhiệm xã hội, đó cũng là phẩm chất, đạo đức, trí tuệ, năng lực của con người Việt Nam; đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục phát huy tinh thần đó, đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong thời gian tới.
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, cố gắng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp, các chính sách về nhà ở xã hội đã giúp cho hàng triệu hộ gia đình thuộc đối tượng chính sách đã được cải thiện nhà ở.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội.
Đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.790.000 m2; đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22.718.000 m2.
Việc phát triển nhà ở xã hội còn có một số tồn tại, khó khăn cả về các quy định pháp luật như trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng, mua – bán nhà; việc xác định giá; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; xác định đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; về thực hiện miễn tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư; đặc biệt có nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện như liên quan bố trí vốn, nhiều địa phương chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội; nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế – xã hội, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
Bộ Xây dựng đề xuất một số nhiệm vụ, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành các dự án đã triển khai đầu tư xây dựng (156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ) và các dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư (245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ); tiếp tục khởi công các dự án mới; đến năm 2030, hoàn thành đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, công nhân khu công nghiệp.
Báo Tin tức tiếp tục cập nhật thông tin về hội nghị.