Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quỹ vắc xin là quỹ của sự nhân ái, niềm tin, tinh thần đoàn kết

Việc thành lập Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 nhằm kêu gọi đồng bào chung tay đóng góp nguồn tiền để sớm có vắc xin phòng chống dịch COVID-19 có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quỹ vắc xin là quỹ của sự nhân ái, niềm tin, tinh thần đoàn kết - Ảnh 1.

Thủ tướng kêu gọi toàn thể nhân dân đồng lòng chống dịch, đóng góp vào quỹ vắc xin – Ảnh: HÀ QUÂN

Tối 5-6, Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 chính thức ra mắt tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Mở đầu sự kiện, các đại biểu tham dự đã soạn cú pháp “COVID NK” gửi 1408 (trong đó, N là số tiền đóng góp (ví dụ: đóng góp “COVID 20K” tương đương 20.000 đồng).

Phát biểu tại lễ ra mắt quỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, sự hưởng ứng và nỗ lực của toàn thể nhân dân, Việt Nam đã là điểm sáng thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch và phát triển kinh tế – xã hội.

Trong đó, về chống dịch, Việt Nam là nước với tỉ lệ ca nhiễm và tử vong thấp nhất. Về kinh tế, Việt Nam là nước hiếm hoi tăng trưởng dương.

Trong phương pháp chống dịch, ta không được lựa chọn giải pháp dễ làm mà ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và phát triển kinh tế – xã hội, mà chỉ phong tỏa những vùng bị dịch và giãn cách ở vùng có nguy cơ, duy trì cuộc sống bình thường bằng cách khoanh vùng, cách ly, truy vết.

Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, với các chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, đòi hỏi giải pháp chống dịch theo phương châm mới 5K + vắc xin và ứng dụng công nghệ.

“Trong phương pháp chống dịch, ta không được lựa chọn giải pháp dễ làm mà ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và phát triển kinh tế – xã hội, mà chỉ phong tỏa những vùng bị dịch và giãn cách ở vùng có nguy cơ, duy trì cuộc sống bình thường bằng cách khoanh vùng, cách ly, truy vết” – Thủ tướng nói.

Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh tiêm vắc xin là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược để thoát khỏi đại dịch COVID-19, thể hiện sự đoàn kết, là tinh thần quý báu của nhân dân ta với phương châm Bác Hồ đã nêu “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Nêu lại thực tiễn năm 1945 trước tình thế “ngàn cân treo sợ tóc”, hưởng ứng kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào ta đã cùng đóng góp cho Quỹ độc lập, góp phần thiết thực cho cuộc kháng chiến kiến quốc thành công.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quỹ vắc xin là quỹ của sự nhân ái, niềm tin, tinh thần đoàn kết - Ảnh 3.

Thủ tướng cho rằng cuộc chiến với COVID-19 bằng vắc xin là cuộc chiến đi đường dài để tiêm cho nhân dân – Ảnh: HÀ QUÂN

“Với tinh thần thương người như thể thương thân, sự chia sẻ, cảm thông, trách nhiệm của nhân dân với Nhà nước, chúng tôi tin tưởng Quỹ phòng chống COVID-19 sẽ nhận được sự ủng hộ của nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài” – Thủ tướng bày tỏ.

Nhấn mạnh chủ trương của Nhà nước là sẽ nỗ lực gỡ bỏ mọi khó khăn vướng mắc, sử dụng cơ chế và tổng hợp nguồn lực có vắc xin sớm nhất, tiêm miễn phí cho toàn dân, song Thủ tướng cho hay nguồn vắc xin thế giới hạn chế, ưu tiên hơn cho các nước có dịch bệnh phức tạp hơn, nên việc huy động nguồn lực cho Quỹ vắc xin là thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng cho rằng cuộc chiến với COVID-19 bằng vắc xin là cuộc chiến đi đường dài để tiêm cho nhân dân hằng năm. Điều đó là sự xuất phát từ trách nhiệm, chia sẻ nên cần đảm bảo quản lý, giám sát hoạt động của quỹ đúng tôn chỉ, mục đích, phục vụ sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân là trên hết, trước hết.

Trong bối cảnh đất nước ta còn khó khăn, sự chung tay góp sức bằng tấm lòng là cần thiết, Thủ tướng kêu gọi toàn thể nhân dân cùng đồng lòng chống dịch, với đóng góp ý nghĩa cho sự an toàn bản thân, cộng đồng, gia đình và cho cả xã hội. Đây sẽ là quỹ của tinh thần đoàn kết, sự nhân ái, niềm tin, trái tim, kết nối trái tim cùng nhau vượt qua khó khăn góp phần tạo nên Việt Nam chiến thắng, ghi danh vào lịch sử về một chiến thắng đại dịch COVID-19.

Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới toàn thể nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, đồng bào trong và ngoài nước cùng đồng lòng, đồng hành, chia sẻ để cùng chiến thắng đại dịch, xây dựng Việt Nam an toàn, mạnh khỏe, thịnh vượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quỹ vắc xin là quỹ của sự nhân ái, niềm tin, tinh thần đoàn kết - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ sử dụng quỹ công khai, minh bạch – Ảnh: HÀ QUÂN

Thông tin về Quỹ vắc xin, ông Hồ Đức Phớc, bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết từ năm 2020 đến nay, Bộ Tài chính chi ngân sách phòng chống dịch hơn 21.000 tỉ đồng, ngân sách trung ương dành 14.500 tỉ đồng mua vắc xin. Để tiêm cho 70% người dân với 150 triệu liều, cần phải có nguồn ngân sách là 25.000 tỉ đồng.

Với việc thành lập Quỹ vắc xin, Bộ Tài chính đã lập ban quản lý và mở tài khoản, hướng dẫn tổ chức quản lý, chế độ kế toán, hạch toán, công khai sử dụng Quỹ vắc xin. Đến nay quỹ đã thu được 1.026 tỉ đồng. Ông Phớc cho rằng đây là nguồn lực quý báu và vô cùng quan trọng

“Đồng tiền trong quỹ là kết tinh sự yêu thương, tinh thần trách nhiệm, nên chúng tôi phải có tinh thần sử dụng hiệu quả trong phòng chống dịch nhân dân. Bộ Tài chính cam kết công khai, minh bạch sử dụng số tiền này” – ông Phớc nhấn mạnh.

Ngay sau lễ ra mắt Quỹ vắc xin, nhiều cá nhân, tổ chức và đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn, công ty trong và ngoài nước tham gia đóng góp với số tiền lên tới hàng nghìn tỉ đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quỹ vắc xin là quỹ của sự nhân ái, niềm tin, tinh thần đoàn kết - Ảnh 5.

Infographic cách đóng góp vào Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 – Đồ họa: NGỌC THÀNH

Ngày 26-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định thành lập Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vắc xin của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước, các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng chống COVID-19 cho người dân.

Theo các tính toán, để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần có khoảng 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng hơn 25.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, dịch bệnh được dự báo chưa thể kết thúc sớm, “sống chung với dịch bệnh” trở thành yêu cầu thường trực, hiệu lực của vắc xin lại không kéo dài, phải tiêm vắc xin định kỳ, nên đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn trong khi Việt Nam còn nhiều khó khăn, ngân sách nhà nước hạn hẹp.

Nguồn: https://tuoitre.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-quy-vac-xin-la-quy-cua-su-nhan-ai-niem-tin-tinh-than-doan-ket-20210605213717662.htm

Trả lời