Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Malaysia và dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46

(SK&MT) – Chiều 25/5, Thủ tướng Chính phủ Malaysia Anwar Ibrahim và Phu nhân đã chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Malaysia và tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 và các hội nghị cấp cao liên quan, từ ngày 24 đến 28/5.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Malaysia sau 10 năm và là chuyến thăm Malaysia đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào tháng 11/2024. Tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Anwar Ibrahim cũng đã 2 cuộc điện đàm liên tiếp để trao đổi về hợp tác song phương và một số vấn đề khu vực, quốc tế.

Kết thúc Lễ đón trang trọng được tổ chức tại Quảng trường Perdana, trước Phủ Thủ tướng, ở Thủ đô Kuala Lumpur, Thủ tướng Malaysia và Thủ tướng Phạm Minh Chính tiến hành hội đàm. Hai Thủ tướng đã có cuộc hội đàm rất thành công trên mọi khía cạnh, thảo luận những vấn đề bao trùm, toàn diện, thực chất; hai bên đã chia sẻ, thấu hiểu nhau hơn, quyết tâm mạnh hơn thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao mới, tương xứng với mong muốn của hai bên và tương xứng tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của hai đất nước. Sau đó, hai Thủ tướng đã chủ trì họp báo về kết quả hội đàm.

Khi hai Thủ tướng và hai Phu nhân đứng vào vị trí danh dự, dưới quốc kỳ hai nước, quân nhạc cử quốc thiều hai nước - Ảnh: VGP
Khi hai Thủ tướng và hai Phu nhân đứng vào vị trí danh dự, dưới quốc kỳ hai nước, quân nhạc cử quốc thiều hai nước – Ảnh: VGP

Việt Nam là người bạn rất thân thiết với Malaysia

“Như tôi đã nói nhiều lần, Việt Nam có vị trí đặc biệt quan trọng trong trái tim của chúng tôi”, Thủ tướng Malaysia khẳng định và cho biết nước này “đã theo dõi sát sao” công cuộc đấu tranh hết sức anh dũng của nhân dân Việt Nam chống lại chủ nghĩa thực dân, khẳng định mạnh mẽ năng lực tự cường trước sự bá quyền của chủ nghĩa đế quốc, từ đó giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông nhắc lại rằng từ thời trai trẻ, ông đã tập hợp một nhóm trí thức tại Malaysia, phối hợp với những người bạn từ Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore để ủng hộ Việt Nam. “Về mặt cá nhân, tôi vui mừng đón tiếp ngài như một người bạn; cũng như chúng tôi coi Việt Nam là người bạn rất thân thiết với Malaysia”, ông nói.

Thủ tướng Malaysia cho biết tại hội đàm, hai bên đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng. Ông đặc biệt đánh giá cao thỏa thuận về hợp tác lưới điện ASEAN, trong đó, đường dây cáp ngầm truyền tải từ Việt Nam tới Malaysia sẽ là dự án lớn minh chứng cho sự thành công cho ASEAN cũng như hợp tác giữa hai nước, giúp hiện thực hóa, cụ thể hóa những chương trình hợp tác rất phù hợp với chính sách chuyển dịch năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo của hai nước và cả khu vực.

Thủ tướng Malaysia bày tỏ cảm ơn sự ủng hộ của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong lĩnh vực này, cũng như tất cả những cơ chế hợp tác song phương và đa phương khác. Ông đánh giá sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, hai nước đã chứng kiến những bước tiến trong nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, Thủ tướng Malaysia đánh giá Việt Nam đang trải qua những bước tiến lịch sử về kinh tế. Về mặt này, Việt Nam đã làm rất tốt, thế hệ trẻ Malaysia đặc biệt ngưỡng mộ những bước tiến của Việt Nam từ một nước bị tàn phá bởi chiến tranh nhưng đã phát triển vượt bậc chỉ trong vài thập kỷ và những người Malaysia có thể học hỏi nhiều điều từ Việt Nam.

Thủ tướng Malaysia nhắc lại ngay từ năm 1993, Ngân hàng Trung ương Malaysia đã thiết lập hợp tác với Việt Nam, dù khi đó Việt Nam còn rất khó khăn nhưng Malaysia rất tin tưởng vào năng lực tương lai của Việt Nam.

Kết thúc phần phát biểu của mình, Thủ tướng Malaysia vui vẻ đề cập tới trận đấu then chốt ngày 10/6 tới đây tại Malaysia giữa đội tuyển bóng đá của hai nước trong khuôn khổ vòng loại Asian Cup 2027. “Việt Nam là đội bóng rất mạnh trong khu vực, đó sẽ là trận đấu rất khó khăn nhưng chúng tôi cũng có quyết tâm rất cao”, Thủ tướng Anwar Ibrahim nói.

Người đứng đầu Chính phủ Malaysia cũng bày tỏ trông đợi trận bóng đá giao hữu giữa các ngôi sao ASEAN và Manchester United mà Malaysia là nước chủ nhà tổ chức vào cuối tháng 5, qua đó thể hiện tinh thần ASEAN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim chủ trì họp báo - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim chủ trì họp báo – Ảnh: VGP

Việt Nam – Malaysia đã trở thành một hình mẫu hợp tác khu vực

Về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, nồng ấm mà Chính phủ và người dân Malaysia dành cho đoàn, khiến cá nhân Thủ tướng và các thành viên đoàn có cảm giác “như đang ở nhà”.

Thủ tướng cho biết, hai bên đã nhanh chóng hoàn thành Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giai đoạn 2025-2030; trong đó một số điểm nổi bật là nhất trí phối hợp tổ chức các cuộc gặp gỡ thường niên giữa hai Thủ tướng; thúc đẩy hợp tác về quốc phòng, an ninh, góp phần vì mục tiêu hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.

Cùng với đó, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, lúa gạo, lương thực, thực phẩm; đặc biệt Việt Nam có nhiều tiềm năng, điều kiện phát triển ngành thực phẩm Halal nhưng cần sự hỗ trợ của Malaysia và thúc đẩy hợp tác với các nước Vùng Vịnh trong lĩnh vực này.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu kết nối 2 nền kinh tế, đặc biệt là hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kết nối dữ liệu giữa hai nước và cả trong ASEAN để phát triển trí tuệ nhân tạo, đây là trụ cột mới hợp tác hết sức quan trọng để 2 nước tăng năng suất lao động, góp phần giữ vững ổn định trong khu vực và phát triển nhanh, bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Hai bên cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao, hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân. Trong lĩnh vực du lịch cũng như nhiều lĩnh vực khác, Việt Nam còn phải cố gắng rất nhiều, đề nghị Malaysia tiếp tục hợp tác, giúp đỡ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng nhân dịp này bày tỏ cảm ơn và mong Chính phủ Malaysia tiếp tục hỗ trợ đối với cộng đồng hơn 30.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Malaysia, phát huy vai trò cầu nối giữa hai nước.

Tại Hội đàm, Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về sự phát triển của quan hệ song phương thời gian qua, đặc biệt sau khi nâng cấp lên Đối tác Chiến lược toàn diện tháng 11/2024 - Ảnh: VGP
Tại Hội đàm, Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về sự phát triển của quan hệ song phương thời gian qua, đặc biệt sau khi nâng cấp lên Đối tác Chiến lược toàn diện tháng 11/2024 – Ảnh: VGP

Về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, Việt Nam và Malaysia tái khẳng định lập trường nhất quán về việc giữ vững đoàn kết, vai trò trung tâm của ASEAN và duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam đánh giá cao, ủng hộ và sát cánh cùng Malaysia trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2025, cùng các thành viên xây dựng ASEAN tự cường, đoàn kết, thống nhất trong đa dạng, phát huy vai trò trung tâm, ứng phó hiệu quả với những diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới.

“Có thể nói, chúng ta đã có những bước tiến dài ngay sau khi tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Hai nước đã chuyển đi những thông điệp rõ ràng về lòng tin, về chiến lược, về quyết tâm chính trị và tổ chức thực hiện để hiện thực hóa các thỏa thuận, thông điệp thành hành động cụ thể, mang lại sản phẩm cụ thể và kết quả cân đong đo đếm được”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.

Thủ tướng khẳng định quan hệ Việt Nam – Malaysia đã trở thành một hình mẫu hợp tác khu vực, “bền về chính trị, mạnh về kinh tế, sâu sắc về văn hóa và rộng về tầm nhìn; nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn”, đóng góp thiết thực vào lợi ích chung của hai nước và vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Trải qua hơn nửa thế kỷ, quan hệ Việt Nam và Malaysia ngày càng phát triển tích cực, tốt đẹp trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là từ khi nâng cấp lên thành quan hệ Đối tác Chiến lược vào tháng 8/2015 và trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện của nhau vào tháng 11/2024.

Trong bối cảnh hợp đó, chuyến thăm được kỳ vọng sẽ tạo xung lực mới đưa quan hệ hai nước ngày càng sâu sắc hơn; đồng thời, gửi đi thông điệp về quyết tâm mạnh mẽ của hai nước cùng hợp tác và phát triển tự cường, bền vững, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.

*

Trước đó, sáng 25/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Chương trình “Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Malaysia”, do Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Malaysia tổ chức. Đây là cơ hội để hai bên cùng chia sẻ những định hướng, chiến lược phát triển; thúc đẩy hợp tác, khai mở các cơ hội đầu tư, kinh doanh mới giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước; góp phần làm sâu sắc, thực chất, hiệu quả quan hệ Việt Nam – Malaysia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Malaysia và dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Chương trình “Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Malaysia” – Ảnh: VGP

Các ý kiến tại cuộc gặp đánh giá, sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2025) và 10 năm Đối tác Chiến lược (2015-2025) và hiện nay là Đối tác Chiến lược toàn diện, quan hệ Việt Nam – Malaysia không ngừng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực và đạt nhiều thành tựu đáng tự hào, trong đó hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữ vị trí quan trọng và luôn được quan tâm thúc đẩy.

Về thương mại, Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong ASEAN (sau Thái Lan) và thứ 9 trên thế giới. Malaysia cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN (sau Thái Lan và Campuchia). Thương mại song phương Malaysia – Việt Nam năm 2024 đạt 18,14 tỷ USD, tăng 4,4% so với năm 2023.

Về đầu tư, Malaysia là nhà đầu tư lớn thứ 3 trong ASEAN tại Việt Nam (sau Singapore và Thái Lan), đứng thứ 10/150 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 770 dự án còn hiệu lực và tổng số vốn 13,6 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam hiện có 27 dự án đầu tư sang Malaysia với tổng vốn đăng ký đạt 855 triệu USD.

Hai bên còn là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn, hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng ở khu vực (FTA ASEAN +, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực – RCEP, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP…).

Các đại biểu đánh giá môi trường đầu tư – kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện, được cộng đồng quốc tế, nhà đầu tư đánh giá tích cực; nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lựa chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất chiến lược, kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong 4 tháng đầu năm 2025, vốn FDI thực hiện đạt trên 6,7 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2020-2025, cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Ông Tan Sri Dato’ Soh Thian La, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Malaysia, hiện là Chủ tịch Liên đoàn Nhà sản xuất Malaysia; ông Nivas Ragavan, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Kuala Lumpur và Selangor; ông Datuk Ng Yih Pyng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hoa kiều… đều đánh giá quan hệ giữa hai nước ngày càng gần gũi, phát triển năng động và hai bên còn nhiều cơ hội mở rộng hợp tác trong các ngành chiến lược, như năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Các đại biểu nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia rất quan trọng trong khu vực; sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam mang lại niềm vui cho cộng đồng doanh nghiệp Malaysia và môi trường đầu tư của Việt Nam ngày càng đổi mới và an toàn. Đặc biệt, các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ của Việt Nam đang rất nổi trội trên thị trường hiện nay.

Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp, không có cách nào khác là càng phải đoàn kết hơn, đoàn kết giữa các dân tộc, giữa các doanh nghiệp, đề cao chủ nghĩa đa phương để cùng tham gia giải quyết các vấn đề của thế giới, trong đó có vấn đề của nước mình, doanh nghiệp mình, góp phần thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển bình đẳng giữa các dân tộc, với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng cho biết, năm 2024, mặc dù bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành điểm sáng về tăng trưởng của khu vực và thế giới (trên 7%); quy mô kinh tế đạt 476,3 tỷ USD; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của được bảo đảm. Những tháng đầu năm 2025, trước tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng.

Về định hướng phát triển thời gian tới, Thủ tướng cho biết năm 2025 là năm Việt Nam thực hiện “tăng tốc, bứt phá, về đích” để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025, tạo tiền bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.

Trên tinh thần đó, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Để đạt mục tiêu này, Việt Nam đang tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều nhóm giải pháp để thực hiện 3 đột phá chiến lược, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, theo hướng “thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh”. Trong đó, hoàn thiện thể chế theo hướng vượt trội, đồng thời hài hòa hóa với khu vực ASEAN cũng như thế giới; đẩy mạnh kết nối hạ tầng thông suốt giữa các tỉnh, các vùng, kết nối quốc gia, quốc tế theo hướng đồng bộ, hiện đại; đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Malaysia và dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “3 cùng” gồm: Cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển nhanh và bền vững; cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển; cùng chung niềm vui, hạnh phúc và sự tự hào – Ảnh: VGP

Cùng với đó, thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài, cắt giảm ít nhất 30% thủ tục và thời gian, chi phí tuân thủ; chuyển trạng thái từ thụ động xử lý sang chủ động phục vụ công việc cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, phát động phong trào toàn dân làm giàu; thúc đẩy hội nhập quốc tế trong tình hình mới, mở rộng quan hệ với các quốc gia và đối tác quốc tế; dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới và quốc tế hóa các giá trị, bản sắc văn hóa Việt Nam.

Nhấn mạnh quan hệ chính trị – ngoại giao rất tốt đẹp giữa hai nước, Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước chủ động, tích cực để góp phần thúc đẩy, cụ thể hóa quan hệ tốt đẹp này, tạo ra ngày càng nhiều của cải vật chất.

Thủ tướng mong các doanh nghiệp Malaysia tiếp tục mở rộng đầu tư, tin tưởng và gắn bó với Việt Nam trong quá trình phát triển; không ngừng đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng của hai quốc gia, hạnh phúc, ấm no của người dân cũng như mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Malaysia vì hòa bình và thịnh vượng.

Đề nghị các doanh nghiệp đẩy mạnh kết nối trong ASEAN, trong đó có kết nối giữa Việt Nam và Malaysia, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, kết nối số, chia sẻ dữ liệu, kinh tế sáng tạo…; đồng thời làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, Thủ tướng nhấn mạnh đây đều là sứ mệnh của doanh nghiệp để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng, theo hướng bổ sung, hỗ trợ cho nhau.

Chính phủ Việt Nam cam kết bảo đảm quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, tiếp cận bình đẳng các nguồn lực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, bảo đảm các quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư; không hình sự hóa các quan hệ dân sự – kinh tế, ưu tiên biện pháp kinh tế trong xử lý các vụ việc.

Với quan điểm “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là có sản phẩm cụ thể, hiệu quả cân đong đo đếm được, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “3 cùng”, gồm: Cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển nhanh và bền vững; cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển; cùng chung niềm vui, hạnh phúc và sự tự hào.

*

Gặp kiều bào tại Malaysia, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đang đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Quốc tịch với tinh thần thông thoáng hơn, tạo thuận lợi nhất cho kiều bào, cho tất cả mọi người yêu nước cùng đóng góp xây dựng đất nước và chia sẻ niềm tự hào về đất nước.

Thủ tướng và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao thăm, gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia - Ảnh: VGP
Thủ tướng và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao thăm, gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia – Ảnh: VGP

Báo cáo tại cuộc gặp, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Đinh Ngọc Linh cho biết, hiện tại địa bàn có trên 30.000 người Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia tương đối “trẻ”, mới hình thành chưa lâu, nhưng nhìn chung đoàn kết, chịu khó làm ăn, có tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, chấp hành tốt luật pháp Việt Nam và Malaysia, hòa nhập tốt với xã hội sở tại.

Bà con đã xây dựng được một cộng đồng vững mạnh, là điểm tựa tinh thần cho mỗi người con xa xứ; nhiều bà con đã vượt qua khó khăn, thành lập doanh nghiệp, nhà hàng và kinh doanh phát đạt. Nhiều doanh nhân, trí thức người Việt đã đạt được thành công.

Bà con luôn hướng về quê hương, tích cực đóng góp ủng hộ đồng bào trong nước bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; các hội đoàn, tổ chức doanh nghiệp của người Việt đã phát huy tốt vai trò kết nối, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của bà con, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như lớp học tiếng Việt…

Các ý kiến bày tỏ vui mừng, tự hào trước sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, quyết liệt của Đảng và Nhà nước, đất nước đang vươn mình phát triển mạnh mẽ, đạt những thành tựu nổi bật thời gian qua và đang chuẩn bị sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới.

Đây là yếu tố quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đối ngoại của cơ quan đại diện và thúc đẩy cộng đồng tại địa bàn luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, hướng về quê hương đất nước.

Kiều bào nêu một số đề xuất, kiến nghị với mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và Malaysia nói riêng, tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài góp phần xây dựng phát triển đất nước.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, trong không khí đầm ấm, thắm tình đồng bào, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và với tình cảm cá nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới các đại biểu và qua bà con tới toàn thể kiều bào Việt Nam tại Malaysia lời thăm hỏi chân tình, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành công và tình cảm ấm áp nhất từ quê nhà.

Thủ tướng cho biết rất xúc động khi trong ngày hôm qua (24/5), đoàn công tác tới Kuala Lumpur lúc đã nửa đêm nhưng vẫn nhận được sự chào đón thắm tình đồng bào của bà con người Việt Nam tại Malaysia; bày tỏ sự vui mừng, tự hào trước sự phát triển, lớn mạnh, trưởng thành của cộng đồng người Việt Nam.

Cộng đồng luôn hướng về quê hương đất nước với khát vọng cống hiến trong kỷ nguyên mới của dân tộc. Hội Hữu nghị Việt Nam – Malaysia được thành lập, có địa vị pháp lý được thừa nhận. Cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia nói riêng và trên thế giới nói chung được tôn trọng.

Thủ tướng nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam – Malaysia chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay và ngày càng tốt hơn. Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước vừa được thiết lập trong chuyến thăm Malasia của Tổng Bí thư Tô Lâm vào cuối năm 2024. Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi. Phía Malaysia rất coi trọng quan hệ với Việt Nam. Quan hệ thương mại song phương tăng nhanh, kim ngạch hai chiều năm 2024 đạt gần 18 tỷ USD. Hai nền văn hóa Việt Nam – Malaysia có sự kết nối, đáng chú ý là đã hình thành cộng đồng người Chăm Việt Nam tại Malaysia.

Thủ tướng biểu dương những nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán đã khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao phó; đề nghị tiếp tục quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Đại sứ quán và cộng đồng phải là điểm tựa cho đồng bào xa xứ, nhất là trong những lúc khó khăn, hoạn nạn. - Ảnh: VGP
Thủ tướng biểu dương những nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán đã khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao phó; đề nghị tiếp tục quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Đại sứ quán và cộng đồng phải là điểm tựa cho đồng bào xa xứ, nhất là trong những lúc khó khăn, hoạn nạn. – Ảnh: VGP

Theo Thủ tướng, cộng đồng kiều bào ta ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia có đóng góp quan trọng và cùng chia sẻ niềm tự hào về điều này.

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia nói riêng; coi cộng đồng là bộ phận không tách rời, là máu thịt, là nguồn lực quan trọng của dân tộc.

Thời gian qua, một số chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được cụ thể hóa vào các dự thảo luật, đưa ra Quốc hội xem xét, trong đó có 3 luật sửa đổi được thông qua, gồm Luật Căn cước, Luật Nhà ở, Luật Đất đai. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội sửa đổi Luật Quốc tịch, với tinh thần thông thoáng hơn, tạo thuận lợi nhất cho tất cả những ai yêu nước về xây dựng, giúp đỡ đất nước.

Theo Thủ tướng, có nhiều cách để giúp đỡ đất nước, ở lại sở tại cũng tốt và về nước cũng tốt. Trước hết là mỗi người tự lo được cho chính mình, gia đình mình, khi có điều kiện thì đóng góp cho đất nước với tấm lòng mình, phát huy tình dân tộc, nghĩa đồng bào, “ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”.

Đối với những nguyện vọng, đề xuất của bà con, Thủ tướng chia sẻ, ghi nhận các ý kiến và cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan trong nước triển khai các biện pháp quyết liệt hơn nữa để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đồng bào ta ở nước ngoài.

Trong đó, Thủ tướng cho biết, trong “bộ tứ chiến lược” theo 4 Nghị quyết của Bộ Chính trị (về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; về phát triển kinh tế tư nhân) đều kêu gọi sự đóng góp và có chính sách với người Việt Nam ở nước ngoài.

Trong khuôn khổ các cuộc hội đàm với lãnh đạo Malaysia tới đây, Thủ tướng sẽ đề nghị phía Malaysia tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng ta sinh sống, học tập và làm việc ổn định, trong đó có vấn đề visa.

Thủ tướng giao Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài có kế hoạch bài bản để triển khai các trung tâm đào tạo tiếng Việt ở nước ngoài.

Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa mong cộng đồng người Việt Nam luôn đoàn kết một lòng, sát cánh bên nhau, ổn định, phát triển, hướng tới tương lai, bền vững.

*

Trưa 25/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Lãnh đạo và Đối tác ASEAN. Tại Diễn đàn, Viện Nghiên cứu chiến lược châu Á – Thái Bình Dương (KSI) đã vinh danh Thủ tướng là Nhà Lãnh đạo ASEAN tiêu biểu năm 2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Lãnh đạo và Đối tác ASEAN - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Lãnh đạo và Đối tác ASEAN – Ảnh: VGP

Diễn đàn Lãnh đạo và Đối tác ASEAN (ALPF) là sự kiện thường niên mang ý nghĩa chiến lược quan trọng, do KSI – một tổ chức tư vấn chính sách và nghiên cứu quốc tế hàng đầu tại Malaysia, cùng các đối tác, như Câu lạc bộ Kinh tế ASEAN phối hợp tổ chức.

Cùng tham dự Diễn đàn năm nay có đại diện các nước và Hiệp hội ASEAN, cộng đồng doanh nghiệp ASEAN và khu vực. Diễn đàn không chỉ là nơi các đại biểu nhìn nhận lại những thách thức toàn cầu mà còn là cơ hội để cùng nhau định hình một tương lai ASEAN thịnh vượng, tự cường và bền vững hơn.

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch KSI, ông Michael Yeoh và cùng các diễn giả đánh giá Việt Nam đang là nền tăng trưởng nhanh nhất và là một ngôi sao sáng của ASEAN.

Các đại biểu cho rằng ASEAN là khu vực kinh tế năng động hàng đầu thế giới, vừa hội nhập sâu rộng giữa các nước thành viên, vừa mở rộng quan hệ với các đối tác quan trọng, trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, GCC…

Sau 30 năm tích cực và chủ động tham gia ASEAN, Việt Nam đã đồng hành cùng các quốc gia thành viên xây dựng một Cộng đồng ASEAN tự chủ và tự cường. Việt Nam không chỉ đóng góp vào sự phát triển chung của ASEAN mà còn tận dụng hiệu quả các cơ hội từ không gian hợp tác này để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững trong nước.

Viện KSI vinh danh Thủ tướng Phạm Minh Chính là Nhà Lãnh đạo ASEAN tiêu biểu năm 2025 - Ảnh: VGP
Viện KSI vinh danh Thủ tướng Phạm Minh Chính là Nhà Lãnh đạo ASEAN tiêu biểu năm 2025 – Ảnh: VGP

Với vai trò trung tâm trong mạng lưới liên kết kinh tế khu vực và các hiệp định thương mại tự do đa phương, Việt Nam mang đến cho các nhà đầu tư lợi thế tiếp cận đa dạng thị trường và chuỗi cung ứng toàn ASEAN. Vì thế, đầu tư vào Việt Nam không chỉ là đầu tư vào một nền kinh tế năng động, ổn định và đang phát triển nhanh chóng, mà còn là bước đi chiến lược để kết nối với một khu vực hơn 700 triệu dân – một trong những động lực tăng trưởng hàng đầu của kinh tế khu vực và thế giới.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng nêu rõ, hiện tình hình thế giới diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều nước thay đổi chính sách, nhiều vấn đề mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu mà không nước nào tự giải quyết được một mình.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh không có cách nào khác là càng phải đoàn kết hơn, đoàn kết giữa các nước, các doanh nghiệp, đề cao chủ nghĩa đa phương để cùng chung tay, chung sức, đồng lòng, tham gia giải quyết các vấn đề của thế giới, trong đó có vấn đề của nước mình, doanh nghiệp mình, góp phần thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển bình đẳng giữa các dân tộc, với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng nhấn mạnh sứ mệnh quan trọng, tiên phong của doanh nghiệp góp phần thực hiện mục tiêu chung là xây dựng ASEAN tự cường, phát triển nhanh, bền vững, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân ASEAN, không ai bị bỏ lại phía sau.

Về những việc phải làm, Thủ tướng cho rằng các doanh nghiệp phải tăng cường kết nối với nhau, qua đó kết nối các nền kinh tế ASEAN và ASEAN với thế giới; góp phần xây dựng thể chế, chính sách theo hướng hài hòa hóa giữa các nước ASEAN và với các nước trên thế giới; kết nối các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất bị đứt gãy, ảnh hưởng trong thời gian qua; kết nối đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng để ứng phó tình hình, tránh việc phụ thuộc vào một thị trường hay một địa bàn; kết nối đẩy mạnh hợp tác công tư; kết nối phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, số là trụ đỡ của nền kinh tế.

Để doanh nghiệp làm những việc trên, Thủ tướng nêu rõ, các nhà nước, chính phủ các nước phải phát huy vai trò kiến tạo, thiết kế và thực thi chính sách để bảo đảm ổn định, tạo môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển; từ đó tạo điều kiện cho phát triển nhanh, bền vững, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng nhấn mạnh trước khó khăn, thách thức, phải giữ vững bình tĩnh, kiên trì, kiên định, bản lĩnh, phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, vừa làm vừa mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, coi khó khăn, thách thức là một cơ hội để tái cấu trúc lại các doanh nghiệp, tái cấu trúc nền kinh tế các nước và kinh tế ASEAN, tái cơ cấu lại thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng.

Về đẩy mạnh hợp tác công tư, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp.

Về kết nối nông nghiệp, người đứng đầu Chính phủ cho biết Việt Nam chủ trương phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; nông dân là trung tâm, nông nghiệp là động lực, nông dân là nền tảng.

Thủ tướng cũng dành nhiều thời gian chia sẻ về những thành tựu quan trọng, nổi bật mà Việt Nam đạt được sau 40 năm đổi mới và trong thời gian vừa qua; đồng thời chia sẻ về những định hướng lớn của Việt Nam trong thời gian tới để phát triển nhanh, bứt phá, bền vững, tăng trưởng GDP từ 8% trong năm 2025 và đạt mức 2 con số trong những năm tới.

Với quan điểm “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là có sản phẩm cụ thể, hiệu quả cân đong đo đếm được”, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “3 cùng” gồm: Cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển nhanh và bền vững; cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển; cùng chung niềm vui, hạnh phúc và sự tự hào.

Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Diễn đàn - Ảnh: VGP
Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Diễn đàn – Ảnh: VGP

Tại Diễn đàn, Viện Nghiên cứu chiến lược châu Á – Thái Bình Dương (KSI) đã vinh danh Thủ tướng là Nhà Lãnh đạo ASEAN tiêu biểu năm 2025. Thủ tướng trân trọng cảm ơn và cho rằng đây là giải thưởng dành cho nhân dân, đất nước Việt Nam mà ông là người thay mặt để đón nhận.

*

Sáng 26/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các nhà lãnh đạo bắt đầu các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 và các hội nghị cấp cao liên quan được tổ chức tại Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Malaysia và dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 và các hội nghị cấp cao liên quan sẽ diễn ra từ ngày 26-27/5 tại Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur, với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN, Timor-Leste, các nước Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và Trung Quốc.

Với khoảng 10 phiên họp, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận sâu rộng các phương hướng, biện pháp tăng cường hợp tác nội khối, mở rộng kết nối với các đối tác, nâng cao tự cường kinh tế và tìm kiếm những động lực hợp tác mới trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế nhiều biến động.

Một trong những điểm nhấn nổi bật của các hội nghị cấp cao lần này là việc lãnh đạo các nước ASEAN ký Tuyên bố Kuala Lumpur về “ASEAN 2045: Tương lai chung của chúng ta” và thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 cùng các chiến lược chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và kết nối.

Dự kiến trong ngày 26/5, Thủ tướng Chính phủ sẽ tham dự các sự kiện: Phiên Toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN 46, Phiên họp hẹp Hội nghị Cấp cao ASEAN 46, Đối thoại với Đại diện Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), Đối thoại với Đại diện Thanh niên ASEAN, Đối thoại với Đại diện Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC); cùng một số hoạt động song phương, đa phương quan trọng khác.

Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự các hội nghị cấp cao lần này với thông điệp xuyên suốt là chủ động, trách nhiệm và sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa cho công việc chung của ASEAN. Việt Nam mong muốn cùng các nước thành viên định hình các định hướng chiến lược và biện pháp cụ thể để củng cố vững chắc hơn nữa nền tảng hợp tác khu vực, đồng thời nâng tầm vị thế của Cộng đồng ASEAN trong giai đoạn tới.

Với chủ đề “Bao trùm và Bền vững”, các hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều định hướng mới, góp phần củng cố tiến trình xây dựng Cộng đồng và tiếp thêm động lực cho quan hệ giữa ASEAN với các đối tác.

Nguồn tin: Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Malaysia và dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46

Trả lời