Toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Lễ khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32

Báo Thế giới & Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32.
Toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Lễ khai mạc Hội nghị ngoại giao lần thứ 32
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng,

Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo và nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

Thưa các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương,

Thưa toàn thể các đồng chí dự Hội nghị trực tiếp và trực tuyến,

Phát huy truyền thống vẻ vang của ngoại giao cách mạng Việt Nam, hôm nay Bộ Ngoại giao long trọng tổ chức Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”.

Hội nghị vô cùng vinh dự và nhiệt liệt chào mừng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự và phát biểu chỉ đạo công tác đối ngoại và ngoại giao. Thay mặt toàn thể cán bộ, đảng viên ngành ngoại giao, tôi xin gửi đến đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể trung ương và địa phương cùng toàn thể đại biểu dự Hội nghị lời chào trân trọng và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Lễ khai mạc Hội nghị ngoại giao lần thứ 32
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và chỉ đạo tại Lễ khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, ngày 19/12 tại Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh)

Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước,

Thưa toàn thể Hội nghị,

Nhìn lại từ sau Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị Đối ngoại toàn quốc đến nay, tình hình thế giới và khu vực đã trải qua những biến động lớn, bên cạnh cơ hội, thuận lợi, có nhiều diễn biến mới, phức tạp hơn so với dự báo, nhiều khó khăn, thách thức mới xuất hiện và gay gắt hơn. Thế giới đang đứng trước bước ngoặt sang cục diện mới, đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc. Trong đó, cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt hơn, chính trị cường quyền gia tăng, các điểm nóng xung đột ở một số khu vực bùng phát; các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đan xen lẫn nhau ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là mục tiêu chung hướng tới của đại đa số các quốc gia, dân tộc. Bình đẳng, dân chủ, công bằng, tôn trọng pháp luật quốc tế và phát triển bền vững vẫn là giá trị chung của nhân loại. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra những thách thức mới, song cũng mở ra cơ hội lớn cho các quốc gia.

Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại và ngoại giao đã bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, đồng thời phát huy mạnh mẽ bản sắc “ngoại giao cây tre Việt Nam”. Như đồng chí Tổng Bí thư đã đánh giá khái quát tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa XIII vừa qua, “các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật” trong thành tựu chung của đất nước. Cụ thể là:

Các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, diễn ra rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng, nhờ đó củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao vị thế đất nước.Từ sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc đến nay, ngành ngoại giao cùng các ngành, các cấp đã tổ chức thành công 45 chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và gần 50 chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam, trong đó có những chuyến thăm lịch sử như chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden, v.v…, đã tạo nên bước phát triển mới về chất trong cục diện đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta. Cùng với đó, khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác quan trọng được nâng lên tầm cao mới, tin cậy chính trị với nhiều nước được củng cố vững chắc, hợp tác ngày càng mở rộng, thực chất và hiệu quả.

Trước những biến động phức tạp của tình hình quốc tế, đối ngoại cùng quốc phòng, an ninh và các ngành, các cấp đã xử lý đúng đắn quan hệ với các đối tác trên cơ sở kiên định nguyên tắc, linh hoạt trong sách lược và ứng xử, kiên trì thúc đẩy đối thoại; nhờ đó, đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời đạt được những kết quả quan trọng về phân định, giải quyết một số vấn đề biên giới lãnh thổ.

Trên bình diện đa phương, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao. Chúng ta đã và đang đảm nhiệm tốt nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng như ASEAN, Liên hợp quốc, tiểu vùng Mekong, APEC, AIPA, IPU, UNESCO, các Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP), Diễn đàn cấp cao Vành đai và con đường…; đồng thời, đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung của thế giới như chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, gìn giữ hòa bình ở châu Phi, hỗ trợ nhân đạo kịp thời cho các quốc gia chịu thiên tai, xung đột.

Đối ngoại và ngoại giao đã phát huy vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài, đóng góp quan trọng vào kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Các hoạt động ngoại giao kinh tế đã mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với nhiều đối tác, góp phần bảo đảm kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thu hút nhiều nguồn lực mới, bao gồm cả FDI, ODA, khoa học công nghệ… đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.

Ngoại giao văn hóa, thông tin tuyên truyền đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân được triển khai đồng bộ, có nhiều đổi mới, sáng tạo và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, 60 di sản, địa danh, danh nhân của Việt Nam được UNESCO công nhận, trong đó riêng 3 năm qua có thêm 13 danh hiệu được UNESCO công nhận. Chúng ta đã tích cực, kịp thời chăm lo cho đồng bào ta ở nước ngoài, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, doanh nghiệp Việt Nam, đưa hàng nghìn công dân về nước an toàn từ các nước có xung đột, thiên tại…

Công tác nghiên cứu, tham mưu và dự báo chiến lược về đối ngoại đã đạt nhiều tiến bộ. Ngành ngoại giao cùng các ngành, các cấp đã kịp thời tham mưu cho Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, xử lý nhiều vấn đề đối ngoại trước những biến động nhanh, phức tạp của tình hình quốc tế, cũng như ban hành nghị nhiều quyết, kết luận, chỉ thị để cụ thể hóa đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng thành các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và biện pháp triển khai trước mắt và lâu dài.

Công tác xây dựng và phát triển ngành ngoại giao theo hướng toàn diện, hiện đại đạt nhiều kết quả tích cực. Tổ chức bộ máy được sắp xếp, kiện toàn tinh gọn, hiệu quả hơn. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống được tăng cường; phong cách, lề lối làm việc từng bước được đổi mới theo hướng chuyên nghiệp; phẩm chất, năng lực và trình độ cán bộ ngoại giao được rèn luyện ngày càng trưởng thành hơn.

Những thành tựu nói trên của đối ngoại và ngoại giao đã đóng góp vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử là “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”; là minh chứng sinh động cho đường lối đối ngoại đúng đắn của Đại hội XIII, gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trước những biến động lớn, phức tạp trên thế giới và khu vực, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, bước đi chủ động, sáng tạo, đột phá mang tính lịch sử trong triển khai đối ngoại.

Những kết quả to lớn đó cũng khẳng định nền đối ngoại và ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bản sắc văn hóa và truyền thống ngoại giao hòa hiếu, nhân văn nhưng quật cường của dân tộc hoàn toàn phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước,

Thưa các đồng chí,

Cả nước đang nỗ lực với quyết tâm cao thực hiện tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Dù còn nhiều khó khăn, thử thách, song sự nghiệp đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đang mở ra thời cơ và cơ hội lớn để tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ và kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại phục vụ phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Trên tinh thần bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII và quán triệt sâu sắc, đầy đủ các nghị quyết, kết luận, chỉ thị về đối ngoại của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 sẽ tập trung thảo luận những vấn đề sau đây:

Thứ nhất, về đánh giá và dự báo tình hình quốc tế. Đặc trưng của môi trường quốc tế hiện và những năm tới là tính bất định cao, diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, đòi hỏi tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, dự báo và tham mưu chiến lược phải tốt hơn, năng lực thích ứng phải cao hơn, phản ứng mau lẹ, sáng tạo và chính xác hơn. Hội nghị Ngoại giao sẽ thảo luận, làm rõ các chuyển động mang tính bước ngoặt, các xu hướng và đặc điểm của cục diện thế giới mới; nhìn nhận thấu đáo các vấn đề cơ bản của quan hệ quốc tế hiện đại; từ đó, nhận diện đúng tác động, thời cơ cũng như thách thức đối với đất nước ta trong tình hình mới.

Thứ hai, về công tác. Hội nghị nhìn lại, đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu về đối ngoại và ngoại giao đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII, rút ra các bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, Hội nghị sẽ thảo luận, đề ra nhiệm vụ trọng tâm, biện pháp đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương, ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân. Đặc biệt, Hội nghị sẽ thảo luận kỹ lưỡng việc tổ chức triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn về đối ngoại mà Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa XIII, nhất là các chủ trương, định hướng về phát triển quan hệ với các đối tác quan trọng, cụ thể hóa các khuôn khổ hệ mới thành các nhiệm vụ, chương trình, đề án cụ thể.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng dành thời gian thảo luận sâu rộng các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và phát triển nền ngoại giao vững mạnh toàn diện, hiện đại. Trong đó, trọng tâm là các biện pháp tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; gìn giữ và phát huy bản sắc ngoại giao Việt Nam; đổi mới mạnh mẽ phương pháp, lề lối làm việc, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí cán bộ, cơ sở vật chất, cơ chế, chính sách cho hoạt động đối ngoại và ngoại giao nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao Việt Nam trung thành, tận tụy, tin cậy về phẩm chất, nhạy bén về thời thế, sâu sắc về chiến lược, sáng tạo về sách lược, tinh thông về nghiệp vụ, chuyên nghiệp về phong cách.

Đặc biệt, Hội nghị sẽ lĩnh hội các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước để thảo luận, đề ra các chương trình, đề án, biện pháp triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả công tác đối ngoại và xây dựng, phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.

Thưa các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước,

Thưa toàn thể các đồng chí,

Chủ đề và nội dung của Hội nghị Ngoại giao lần này gồm những vấn đề rất quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành ngoại giao từ nay đến hết nhiệm kỳ khóa XIII. Kết quả của Hội nghị không chỉ định hướng cho công tác của ngành ngoại giao trong 2-3 năm tới, mà còn là một bước chuẩn bị cho tổng kết 40 năm triển khai đường lối đối ngoại của thời kỳ đổi mới và xây dựng nội dung đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIV.

Đề nghị cán bộ, đảng viên ngành ngoại giao quán triệt sâu sắc các chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhất là của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, phát huy trí tuệ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, thực chất và bám sát chủ đề Hội nghị để đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp sáng tạo, khả thi, đưa ngành ngoại giao tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo hướng vững mạnh toàn diện, hiện đại, đóng góp xứng đáng vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. Xin kính chúc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn thể các đồng chí dự Hội nghị sức khỏe, hạnh phúc và nhiều thành công trên cương vị trọng trách của mình.

Chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí.

Nguồn tin: https://baoquocte.vn/toan-van-phat-bieu-cua-bo-truong-ngoai-giao-bui-thanh-son-tai-le-khai-mac-hoi-nghi-ngoai-giao-lan-thu-32-254431.html

Trả lời