Bậc thầy về lý luận
Theo quan điểm của tôi, những đánh giá về con người, sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện nay chưa thể tổng kết hết công lao và những tựu ông để một cách toàn diện, sâu sắc. Có thể nói, con người và sự nghiệp chính trị của Tổng Bí thư là một đề tài rất rộng lớn. Đã có không ít bài thơ, bài hát… viết về ông với những lời thương nhớ, nghẹn ngào. Phải thấy rằng, đã rất lâu rồi chúng ta mới chứng kiến những cảm xúc chân thật, dung dị của công chúng, của nhân dân dành cho một vị lãnh đạo cấp cao như thế.
Có lẽ, ông xứng danh là lãnh tụ trong thời kỳ mới, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lý luận sắc sảo trong thời kỳ đổi mới của Đảng ta. Ông đã “đánh trống, giong cờ” trong một “cuộc chiến” rất được lòng dân, đó là công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hơn một thập niên qua.
Những quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại, an ninh quốc phòng… toàn diện và đa dạng. Trên lĩnh vực nào ông cũng có những định hướng, tầm nhìn cho từng khu vực, lĩnh vực cụ thể. Là bậc thầy về lý luận CNXH và con đường đi lên CNXH, quan điểm của Tổng Bí thư về đường lối đối ngoại và trường phái ngoại giao mang bản sắc cây tre Việt Nam cũng vô cùng đặc sắc. Rất đưa ra nhiều vấn đề lý luận mới về cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng nhà nước pháp quyền, kiểm soát quyền lực, xây dựng nền quốc phòng an ninh trong thời kỳ mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà chính trị biết quán xuyến việc chính trị. Ông xử lý tài hoa nhiều vấn đề đối nội, đối ngoại của đất nước nhưng trên hành trình ấy, chất trữ tình, lãng mạn và thi ca vẫn được ông ngân nga, ca tụng. Vốn là cử nhân văn, chịu ảnh hưởng của ca dao, tục ngữ và thơ ca Tố Hữu, Tổng Bí thư như một người chèo lái dân tộc đi qua những thác ghềnh khó khăn, thử thách một cách đầy trí tuệ nhưng cũng rất nghệ thuật, tài hoa.
Ở ông, chất văn, chất thơ hòa cùng màu sắc lý luận trong các bài viết, bài nói, do đó những quan điểm chỉ đạo dễ đi vào lòng người, dễ thẩm thấu cho số đông. Tổng Bí thư nói những lẽ phải của cuộc sống, những điều hợp với đạo lý và nhân cách con người Việt Nam, là nguồn cảm hứng cho nhiều tầng lớp, cán bộ và nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những biểu tượng đẹp đẽ nhất của con người Việt Nam hiện đại. Ông kết tinh được các giá trị cao quý của truyền thống dân tộc, cũng là người vận dụng nó một cách rất giản dị, tự nhiên. Lời nói của ông đi kèm với hành động, không gượng ép, không hình thức. Người dân ủng hộ và tin tưởng vào người đứng đầu Đảng vì ở ông hội tụ được những điều mọi người mong đợi.
Chúng ta thấy, phòng làm việc của Tổng Bí thư gọn gàng, đơn giản, xe công vụ ông đi, quần áo ông mặc, gia cảnh ông sống… đều không khác người thường là mấy. Đấy chính là sức mạnh tinh thần, là sự hấp dẫn trong con người Tổng Bí thư. Vì vậy, có thể khẳng định, cuộc đời và sự nghiệp của ông tự nhiên đã có sức lan tỏa, tạo ra nguồn cảm hứng rất lớn cho rất nhiều người, nhiều ngành, lĩnh vực và nó còn tiếp nối rất lâu nữa sau khi ông từ trần.
Dù muốn hay không thì để trở thành một nhà chính trị có tầm cỡ, ắt hẳn mỗi lãnh đạo cấp cao đều phải thông hiểu và xử lý thật hài hòa những vấn đề liên quan đến công tác đối nội và đối ngoại của đất nước. Có thể khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có thể quán xuyến rất tài hoa hai khía cạnh này. Vì sao ông có thể xử lý một cách rất đều tay, thạo việc đến như vậy? Ấy chính là ông có thời gian nghiên cứu về lý luận chính trị một cách khoa học, bài bản. Quá trình vừa nghiên cứu, vừa tham chính của ông được thực hiện một cách song song.
Trước đây, trong Đại hội Đảng X, XI, XII, XIII, ông đều giữ chức vụ Trưởng Ban soạn thảo văn kiện Đại hội – một vị trí có vai trò lớn trong việc tập hợp, xây dựng dự thảo về các nội dung của đường lối phát triển đất nước. Chính điều này giúp ông thông hiểu, thành thạo các vấn đề lý luận trên cả hai khía cạnh đối nội và đối ngoại.
Có thể thấy, giữ chức vụ Tổng Bí thư gần 3 nhiệm kỳ, ông đã xử lý hàng loạt bài toán về chính sách đối ngoại và quan hệ chính trị quốc tế vô cùng uyển chuyển, khéo léo và linh hoạt. Đặc biệt, trong quan hệ với các nước lớn, chúng ta không những đạt được các mục tiêu của mình mà còn nâng cấp, xây dựng được vị thế và niềm tin với họ. Những hoạt động đối ngoại và quan điểm chỉ đạo về công tác ngoại giao của Tổng Bí thư là sự kế thừa, phát huy các quan điểm của bậc thầy vĩ đại – Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quan sát gần 15 năm qua kể từ khi lên lãnh đạo đất nước, các sự kiện, các diễn biến trong quan hệ chính trị quốc tế và những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được cho thấy sự đúng đắn và trí tuệ của Đảng ta mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trước bối cảnh của tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động phức tạp trong một số giai đoạn và thời điểm khác nhau, người dân thấy được sự nhất quán trong quan điểm chỉ đạo của người đứng đầu Đảng ta, kiên quyết, kiên trì, công khai, đấu tranh, hợp tác, tranh thủ sự tin tưởng và ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Là một quốc gia nhỏ, đang phát triển, Việt Nam gặp không ít thách thức, khó khăn. Nhưng thật may mắn cho đất nước khi có nhà lãnh đạo có tầm. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với bản lĩnh, trí tuệ và tài năng, là một trong những chính trị gia có sức thuyết phục khiến các quốc gia láng giềng, các nước lớn và nhiều thể chế chính trị trên thế giới yêu quý, kính trọng và cảm mến Việt Nam hơn.
Ngoại giao mang bản sắc cây tre Việt Nam
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm, chăm lo cho lĩnh vực đối ngoại và ngành ngoại giao. Ông nắm vững nghệ thuật ngoại giao của thế hệ đi trước, đặc biệt là của bậc thầy – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các hoạt động thực tiễn của Tổng Bí thư để lại nhiều bài học quý giá cho ngành Ngoại giao. Thời kỳ ông còn là Chủ tịch Quốc hội, trong một lần công tác nước ngoài, khi trả lời phóng viên quốc tế về những câu hỏi rất khó liên quan đường lối, thể chế chính trị và sự lãnh đạo của Đảng ta, ông luôn thể hiện sự tự tin, khéo léo, thông tuệ và sáng suốt.
Đặc biệt, Tổng Bí thư luôn tin tưởng và đánh giá cao thành công của ngành Ngoại giao. Các phát biểu của ông tại các kỳ Hội nghị Ngoại giao đã thể hiện điều đó. Với sự am tường về ngành Ngoại giao, Tổng Bí thư vừa chỉ đạo rất sát sao, chặt chẽ nhưng cũng vừa chỉ dẫn, là người thầy có nhiều kinh nghiệm. Người đứng đầu Đảng ta khẳng định, công tác đối ngoại góp phần nâng cao vị thế của đất nước, tranh thủ nguồn lực để phát triển và đặc biệt là góp phần vào vấn đề xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Có thể thấy đó là yêu cầu về sự chủ động, nhìn xa trông rộng cần có trong công tác đối ngoại mà Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh. Trong bối cảnh mới, thực hiện tốt vấn đề này chính là một trong những động lực mạnh mẽ tạo tiền đề cho Việt Nam bứt phá. Những chỉ dẫn về trường phái ngoại giao mang bản sắc cây tre Việt Nam và những ứng xử trong quan hệ quốc tế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là cẩm nang, bài học quý giá cho ngành Ngoại giao khai thác, nghiên cứu và vận dụng trong thời gian tới.
Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo đất nước trong một giai đoạn quan trọng. Thực tế đã minh chứng những vận dụng sáng tạo và đúng đắn của ông với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Bác Hồ và quan điểm về trường phái ngoại giao mang bản sắc cây tre Việt Nam.
Bằng chất tài hoa, thơ ca vốn có, Tổng Bí thư đã truyền tải một thông điệp vốn khô cứng thành nhận thức rất mềm mại để dễ đi vào lòng người. Sâu xa hơn, luận điểm ấy chính là bài học cho ngành Ngoại giao và công tác đối ngoại. Dù có phát triển đến đâu, tình hình đất nước và khu vực có như thế nào thì đấy chính là kim chỉ nam cho những người làm công tác này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một số thời khắc nào đó của gần ba nhiệm kỳ cũng đã phải giải quyết rất nhiều thách thức trong bài toán xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đặc biệt là công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, dịch bệnh Covid-19, kinh tế lạm phát… nhưng bằng bản lĩnh và trí tuệ, ông đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban chấp hành TW Đảng… đưa nước ta vượt qua rất nhiều chông gai, thác ghềnh.
Trong tương lai và kể cả sau này, vị thế địa chính trị, con người, đất nước Việt Nam ngàn đời đã chịu sự va đập, tương tác qua lại của rất nhiều lực lượng, các yếu tố khách quan… Vì thế, luận điểm trên có thể coi là một những phương pháp áp dụng trong quan hệ chính trị quốc tế cho chúng ta được nâng lên từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đặc biệt, chúng ta còn được chứng kiến sự thư thái, thưởng trà, đàm luận, thân tình của Tổng Bí thư với lãnh đạo các nước lớn Nga, Mỹ, Trung Quốc… Đấy là trí tuệ, bản lĩnh của con người Việt Nam được kết tinh những gì tài hoa, sắc sảo trong con người ông. Vị thế, uy tín và tiềm lực của quốc gia dân tộc còn được thể hiện một cách trông thấy thông qua thái độ, phong cách và tiếng nói của lãnh đạo cấp cao Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Chúng ta có một Tổng Bí thư với năng lực hòa hợp khiến cộng đồng quốc tế thiện cảm, các nước lớn chú tâm. Ở đó, người ta thấy sự hợp tác, tính an toàn của một dân tộc đã trải qua lịch sử hào húng, can trường.
Do vậy, tôi cho rằng, cộng đồng quốc tế ấn tượng nhất về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là ở một quốc gia bé nhỏ, nền kinh tế đang phát triển nhưng đã xuất hiện những nhân vật có trí tuệ, nhân cách cao thượng để có thể tham gia vào việc hóa giải những vấn đề của thế giới và khu vực.
Văn hóa liêm chính
Tất cả những gì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu lộ đều ở tầm văn hóa rất cao, không chỉ là văn hóa công vụ, văn hóa công sở hay văn hóa liêm chính mà còn là văn hóa con người. Trước hết có thể thấy, lối hành xử văn hóa ấy, thói quen văn hóa ấy tồn tại như một thực tế, một bản lĩnh, bản năng trong con người ông, sau đó mới đi vào các lĩnh vực và ngành nghề cụ thể. Do vậy, tôi khẳng định, tầm văn hóa đó có trước văn hóa liêm chính mà Tổng Bí thư biểu hiện ra bên ngoài. Một khi văn hóa con người được định hình và vững vàng thì dù có ở môi trường nào nó cũng giữ nguyên bản chất.
Con người và những việc làm cụ thể của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là minh chứng rõ ràng và sinh động nhất cho tầm văn hóa của ông. Tổng Bí thư không dùng xe công khi đi làm việc riêng, không thay ô tô khác khi giữ chức Chủ tịch Quốc hội mà dùng lại chiếc xe của người tiền nhiệm…
Tôi cho rằng, những hành động như thế có sức lan tỏa, khiến người dân cảm động, đánh thức lương tri, sự cảnh giác về những cám dỗ quyền lực, vật chất cho một bộ phận cán bộ công chức lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay. Như chúng ta đều biết “một tấm gương sáng hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Ông không học tập ở đâu xa xôi mà lấy từ những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh để noi theo và giáo dục cán bộ của mình. Từ hành động, việc làm và lời nói của ông luôn có sự nhất quán, tự nhiên nên tạo ra sức mạnh, hấp dẫn, lôi cuốn mọi thành phần trong xã hội.
Đó là một trong những điều rất đáng suy ngẫm khi giáo dục về văn hóa liêm chính. Chúng ta cần nhân lên, khơi dậy tính lý tưởng, đức tính cao đẹp của con người Việt Nam. Khi con người sống có lý tưởng, yêu cái thiện, quý trọng tình nghĩa, đoàn kết một lòng giữ gìn hình ảnh tốt đẹp của người cộng sản chân chính thì đó chính là sống đẹp. Phát huy và đẩy mạnh “văn hóa liêm chính” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng góp phần hình thành tiêu chí, chuẩn mực cho đông đảo cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.
Nguyệt Anh (ghi)