Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỉ đồng theo Nghị định 31 và Thông tư 03 của NHNN là giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn tăng lên của nền kinh tế, nhiều ngân hàng đã được giao kế hoạch vốn và bắt đầu triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, trong đó, Agribank đã được NHNN phê duyệt hạn mức hỗ trợ lãi suất này với quy mô dự kiến 2.500 tỷ đồng trong năm 2022.
Ngân hàng Agribank cũng được NHNN duyệt kế hoạch 500 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Cho đến thời điểm hiện tại, Agribank là ngân hàng đầu tiên và duy nhất công bố thông tin về việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%.
Theo ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank, trong khoảng thời gian từ 1/1 đến 31/5, chỉ tính riêng các khoản vay đã cam kết giải ngân, đã có tới gần 100.000 tỷ đồng thuộc nhóm 11 đối tượng được ưu tiên.
Dự kiến từ nay đến cuối năm 2023, ngân hàng sẽ hỗ trợ khách hàng khoảng 6.000 tỷ đồng trong gói 40.000 tỷ đồng này.
Agribank đã huy động 15.000 lượt cán bộ trực tiếp tham gia và triển khai chương trình, đồng thời rà soát lại các khách hàng đã giải ngân và dự kiến giải ngân.
Trả lời phỏng vấn Doanh nghiệp Việt Nam về điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp trong chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết: Ngoài điều kiện để ngân hàng cấp tín dụng như quy định, các khách hàng phải được đánh giá là có khả năng phục hồi.
“Doanh nghiệp phục hồi là doanh nghiệp kinh doanh có lãi, có khả năng trả nợ. Tiêu chí này phụ thuộc vào từng ngân hàng, hoặc là tiêu chí chung có khả năng trả nợ”, bà Phượng nhấn mạnh.
Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết Agribank được phân bổ chỉ tiêu 5.000 tỷ đồng trong năm 2022 và 2023. Với con số khá hạn chế nói trên, sẽ chỉ có số khách hàng với khoảng 10% dư nợ của Agribank được hỗ trợ lãi suất 2%.
Các đối tượng thuộc ngành nghề được vay vốn hỗ trợ lãi suất là: Du lịch, vận tải, nông nghiệp nông thôn, xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp…
Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, theo bà Phượng, các doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm nuôi trồng, chế biến, kinh doanh thương mại các hàng hóa thuộc lĩnh vực nông sản, xuất khẩu nông sản, các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho chế biến nông sản chính là đối tượng cho vay.
“Agribank sẽ chỉ đạo các chi nhánh đánh giá tích cực, nhanh chóng để nguồn lực từ ngân sách nhà nước tới đúng đối tượng”, bà Phượng khẳng định.
Hiện quá trình triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% của các ngân hàng thương mại, trong đó có có Agribank đang được cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm.
Vấn đề được đặt ra là làm sao gói hỗ trợ đến với những doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhiều nhất do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 là câu hỏi không dễ trả lời bởi theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp và ngân hàng thương mại, việc tiếp cận gói hỗ trợ đang gặp những vướng mắc liên quan đến việc kiểm soát hạn mức (room) tín dụng nên một số khoản vay của các doanh nghiệp đã đáp ứng được điều kiện vay nhưng chưa thể giải quyết, chưa thể giải ngân.
Cùng với đó, để tiếp cận hỗ trợ, doanh nghiệp phải không có nợ xấu, có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản bảo đảm, điều này rất khó cho các doanh nghiệp vốn chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19.