Mang nước sạch về cho dân
Ở tuổi gần 70, cựu chiến binh Lê Đức Vinh ở thôn Đam Khê Ngoài, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư không bao giờ quên những ngày tháng cùng động đội chiến đấu trên chiến trường bảo vệ Tổ quốc. Theo ông Vinh kể lại, năm 1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Vinh tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau một thời gian sát cánh cùng đồng đội trong những trận đánh ác liệt trên đất bạn Lào, năm 1972, ông bị thương nặng và được đưa về tuyến sau điều trị dài ngày. Do vết thương nặng không thể tiếp tục chiến đấu, ông đã xuất ngũ vào năm 1975 với mức thương tật mất 81% sức khỏe.
Trở về địa phương lập gia đình, phải đối mặt với nhiều khó khăn do đông con, bản thân sức khỏe yếu, vết thương cũ thường xuyên tái phát lúc trái gió trở trời song với ý chí, nghị lực của người lính Cụ Hồ, ông Vinh luôn tìm tòi, thử sức mình ở nhiều ngành nghề. Năm 1999, nhận thấy tại xã Ninh Hải rất khan hiếm nước sạch sinh hoạt, người dân thường phải dùng nước giếng khoan hoặc nước mưa trữ trong bể, chất lượng nước không đảm bảo. Bản thân gia đình ông Vinh cũng phải đào giếng sâu hàng chục mét nhưng vẫn không có nước để dùng.
Năm 1999, cơ duyên đến với ông Vinh khi Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho ông triển khai Dự án xây dựng trạm cấp nước sạch với công suất 3m3/h. Năm 2009, ông Vinh thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư Xây dựng Phú Vinh, sau đó được UBND tỉnh Ninh Bình cho phép, ông Vinh quyết định đầu tư trên 10 tỷ đồng xây dựng Trạm cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn xã Ninh Hải với công suất ban đầu 30m3/giờ. Công trình hoàn thành đã cung cấp nước cho bà con thôn Bích Động và thôn Đam Khê Trong.
Trước nhu cầu ngày một lớn của bà con trong xã và các vùng lân cận, những năm tiếp theo, ông cùng với gia đình tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cấp Trạm cấp nước sạch lên công suất 100m3/giờ đủ để cung cấp nước sạch cho cả 5 thôn trong xã Ninh Hải. Tiếp đó, UBND tỉnh lại giao Công ty phục vụ nước sạch cho Trại giam Ninh Khánh, khu vực làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân và một số thôn của các xã lân cận. Không ngừng mở rộng phạm vi hoạt động, đến nay Công ty đã tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên và 25 đến 27 lao động thời vụ với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ mạnh dạn trên lĩnh vực kinh tế, ông Lê Đức Vinh còn là một trưởng thôn gương mẫu trong các hoạt động của địa phương. Trong 10 năm làm trưởng thôn (từ 2004-2014), ông Vinh luôn sâu sát, quan tâm tới đời sống của người dân, đồng thời biết khơi dậy tinh thần đoàn kết, nhất trí, đồng lòng của người dân trong thôn. Ông cùng chi bộ, Ban công tác mặt trận làm tốt công tác dân vận khéo, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới.
Năm 2020, với mong muốn sửa chữa, nâng cấp Nghĩa trang liệt sỹ xã Ninh Hải, ông Vinh đã đứng lên kêu gọi các doanh nghiệp quyên góp ủng hộ xây dựng, tôn tạo lại Nghĩa trang liệt sỹ xã. Kết quả, ông Vinh đã kêu gọi người dân, các doanh nghiệp cùng chung tay, ủng hộ với số tiền 3 tỷ đồng, trong đó, ông Vinh ủng hộ 250 triệu đồng làm mới 90 ngôi mộ đá, lát nền đá, sửa chữa các hạng mục tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Ninh Hải. Đến nay, công trình đã cơ bản được hoàn thành.
Ông Lê Đức Vinh cho biết: “Lúc kinh tế còn khó khăn, tôi không nề hà bất cứ công việc gì để có thêm thu nhập. Để làm tốt công việc đều phải do bản thân mày mò học hỏi và cần có đam mê, quyết tâm thì mọi nhọc nhằn, trở ngại lại càng là động lực để tôi nỗ lực vươn lên. Mỗi thương, bệnh binh là một cuộc đời, một hoàn cảnh. Những việc làm của tôi chỉ là góp một phần nhỏ bé trong công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, làm cho diện mạo quê hương ngày càng khởi sắc”.
Làm giàu từ làng nghề truyền thống quê hương
Bệnh binh Trương Ngọc Thận, xã Hùng Tiến, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình là tấm gương thương bệnh binh “tàn nhưng không phế”. Năm 1970, ông nhập ngũ thuộc biên chế của đơn vị trinh sát, Quân đoàn 3, tham gia chiến đấu ở các chiến trường miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Trong quá trình chiến đấu, năm 1973 ông bị thương do bom B52 khi đơn vị đang đóng quân tại Quảng Bình. Ông xuất ngũ năm 1977, hưởng chế độ bệnh binh 61%.
Trở về quê hương, với mong muốn phát triển nghề thủ công truyền thống, năm 1993, ông Thận bắt đầu tham gia sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Ban đầu, gia đình tự làm, lấy công làm lãi, chủ yếu buôn bán, gia công hàng. Thời gian sau, ông đã mạnh dạn thuê mặt bằng, thuê nhân công mở rộng sản xuất. Năm 1999, ông thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vina Ngọc Sơn. Từ doanh số khởi đầu chỉ đạt 40 triệu đồng/năm, năm thứ hai doanh số tăng lên 100 triệu đồng và tăng dần theo các năm. Với cách làm ăn coi trọng chữ tín với khách hàng, năm 2021 dù chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19, công ty vẫn được các đối tác tin tưởng đặt hàng với doanh số lên đến 80 tỷ đồng/năm. Đến nay, doanh nghiệp tạo việc làm ổn định cho gần 50 lao động với mức thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Ông Trương Ngọc Thận chia sẻ: “Công việc kinh doanh dù bận rộn nhưng tôi vẫn luôn tích cực trong công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho người lao động và thường xuyên ủng hộ các hoạt động từ thiện, nhân đạo, các phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Hàng năm, doanh nghiệp đều trích lợi nhuận thu được để ủng hộ Quỹ vì người nghèo, Quỹ vì nạn nhân chất độc da cam với số tiền hàng trăm triệu đồng. Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, doanh nghiệp đã ủng hộ các tổ chức thiện nguyện 30 triệu đồng ủng hộ các gia đình nghèo gặp khó khăn trong đại dịch”.
Ông Trần Tiên Sinh, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình đánh giá, phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, trong những năm qua, nhiều thương binh, bệnh binh tại địa phương đã vượt lên khó khăn, thương tật, bệnh tật, cần cù, sáng tạo trong học tập, công tác, lao động sản xuất bằng ý chí và nghị lực để làm giàu cho gia đình và xã hội. Trong năm 2022, ông Lê Đức Vinh và ông Trương Ngọc Thận là 2 trong những đại biểu được lựa chọn đi dự buổi gặp mặt đại biểu người có công với cách mạng toàn quốc năm 2022, họ đều là những đại diện điển hình trong phong trào phát triển kinh tế.
Những tấm gương sáng như ông Vinh, ông Thận không chỉ là những chiến sĩ quả cảm, anh dũng trong chiến đấu mà còn là các chiến sỹ tiên phong chống lại đói nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và là tấm gương sáng để các thế hệ trẻ noi theo.