Liên kết phát huy giá trị di sản văn hóa danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang ở vùng Tây Bắc

Hội thảo ‘Phát huy giá trị di sản văn hóa danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang các tỉnh vùng Tây Bắc trong liên kết phát triển du lịch’ gắn với công bố sản phẩm du lịch Tây Bắc mở rộng năm 2023 vừa được tổ chức tại Hà Giang.

Hội thảo do nhóm hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh tổ chức có sự tham dự của ông Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang; Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; lãnh đạo UBND và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; các doanh nghiệp lữ hành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu du lịch trong và ngoài nước…

Liên kết phát huy giá trị di sản văn hóa danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang ở vùng Tây Bắc
Các đại biểu thực hiện nghi thức công bố hai sản phẩm du lịch liên kết vùng Tây Bắc mở rộng năm 2023. (Nguồn: Trung tâm Thông tin du lịch)

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long nhấn mạnh, vùng Tây Bắc mở rộng gồm 8 tỉnh: Hà Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La và Yên Bái sở hữu tiềm năng du lịch lớn với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng.

Những năm qua, thực hiện Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh, du lịch của các tỉnh khu vực có nhiều khởi sắc, góp phần bảo tồn văn hóa bản địa, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương.

Đặc biệt, các tỉnh trong khu vực có hàng chục nghìn ha ruộng bậc thang, trong đó 3 địa danh là huyện Mù Cang Chải có gần 2.200 ha, huyện Hoàng Su Phì gần 765 ha và Sa Pa gần 1.000 ha được công nhận là Danh thắng cấp quốc gia. Đây là tiềm năng rất lớn để các tỉnh liên kết, phát triển du lịch.

Tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc cho biết, vùng Tây Bắc mở rộng có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng cả về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn với cảnh quan thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, riêng có về địa hình, địa chất, khí hậu, hệ sinh thái, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng.

Nhiều điểm du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng được các tạp chí du lịch trong nước và thế giới bình chọn là điểm đến hấp dẫn du khách như: Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ); đỉnh Fansipan được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, Sapa thành phố trong mây (tỉnh Lào Cai); Ruộng bậc thang Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái); cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang)…

Gần đây nhất, Hà Giang vừa được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards – WTA) trao giải Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023 (Asia’s Leading Emerging Tourism Destination 2023).

Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc, hội thảo gắn với công bố sản phẩm du lịch Tây Bắc mở rộng năm 2023 là hoạt động quan trọng của vùng nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo hướng “Sản phẩm đặc sắc – Dịch vụ chuyên nghiệp – Thủ tục thuận tiện, đơn giản – Giá cả cạnh tranh – Môi trường vệ sinh sạch, đẹp – Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc tin tưởng rằng các tỉnh Tây Bắc mở rộng tiếp tục phát huy sức mạnh của chương trình liên kết, tranh thủ cơ hội tiếp tục phát triển các dịch vụ, sản phẩm du lịch mới, chất lượng, có giá trị gia tăng cao, mang bản sắc đặc trưng của vùng, trong đó tập trung khai thác hệ thống Ruộng bậc thang trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, có thương hiệu riêng, gắn với các “câu chuyện văn hóa” trên cơ sở khai thác các giá trị truyền thống của cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc.

Tại hội thảo, các đại biểu đều nhận định ruộng bậc thang khu vực Tây Bắc có vẻ đẹp độc đáo, kỳ vỹ, kết tinh từ văn hóa và lao động của con người vùng cao.

Các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy liên kết phát triển du lịch từ danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang như: xây dựng các tour, tuyến kết nối giữa các địa điểm có ruộng bậc thang đẹp; chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như đường giao thông, dịch vụ viễn thông, cơ sở lưu trú, ăn uống; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bản địa, tăng cường hoạt động phục dựng và trình diễn các lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc, tạo điểm nhấn thu hút du khách; đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch, danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang tới du khách trong và ngoài nước…

Trong khuôn khổ hội thảo diễn ra lễ công bố hai sản phẩm du lịch liên kết vùng Tây Bắc mở rộng năm 2023: tour “Hành trình kết nối vùng di sản ruộng bậc thang quốc gia Tây Bắc” (Hà Nội – Phú Thọ – Nghĩa Lộ – Mù Cang Chải (Yên Bái) – Than Uyên, Tam Đường, Phong Thổ (Lai Châu) – Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai) – Xín Mần, Hoàng Su Phì (Hà Giang) – Hà Nội) và tour “Hùng vĩ Tây Bắc” (Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên – Lai Châu – Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai) – Xín Mần, Hoàng Su Phì (Hà Giang) – Hà Nội).

Nguồn tin: Liên kết phát huy giá trị di sản văn hóa danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang ở vùng Tây Bắc (baoquocte.vn)

Trả lời