Cùng với đó là nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc đường phố, vẽ ký họa, thư pháp, nhảy zumba, nhảy hiện đại… và các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, ẩm thực đường phố… trở thành điểm hẹn của du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch đêm vẫn thiếu các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển.
Sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, chủ yếu diễn ra dưới hình thức khu phố đi bộ, khu mua sắm, khu ẩm thực đêm, chợ đêm, một số hoạt động nghệ thuật, giải trí trong và ngoài đường phố.
Ngoài ra, quy hoạch không gian riêng cho du lịch đêm, nhận thức về phát triển du lịch đêm còn hạn chế; các địa phương chưa có chiến lược hoặc kế hoạch riêng cho phát triển kinh tế đêm; chưa có cơ chế đặc thù hơn cho các hoạt động mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí vào ban đêm.
Thời gian tới, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các tỉnh, thành thực hiện thí điểm mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương là địa bàn trọng điểm phát triển du lịch. Trong đó, trọng tâm là xây dựng quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định khu vực, địa bàn cụ thể để định hướng phát triển tập trung mô hình sản phẩm du lịch đêm; xây dựng mô hình phát triển, loại hình sản phẩm du lịch đêm đảm bảo khai thác tối đa được tiềm năng, lợi thế…
Bộ và các địa phương sẽ nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách phát triển sản phẩm du lịch đêm theo hướng rà soát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, thời gian cung cấp dịch vụ, chính sách đối với lao động làm việc đêm; tổ chức đội ngũ an ninh, trật tự nhằm hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho du khách.