Đại biểu Quốc hội: Sửa đổi, bổ sung tiêu chí nông thôn mới bảo đảm phù hợp với thực tiễn

Chiều 30/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận về các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp chiều 30/10.

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, các đại biểu sẽ thảo luận về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn khẳng định, trong những năm qua, việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia đã đạt được những kết quả quan trọng, song cũng còn nhiều hạn chế, bất cập.

Đại biểu Thái đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã có nhiều cố gắng tìm các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Điều này được thể hiện trong việc Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ đã ban hành rất nhiều văn bản hướng dẫn, và tại kỳ họp này, Chính phủ đã ban hành Tờ trình số 557/TT-CP ngày 16/10/2023 về các cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho rằng, tỷ lệ đối ứng của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới cao, trong khi nguồn thu ngân sách một số địa phương còn hạn chế nên khó khăn trong việc cân đối ngân sách địa phương để đảm bảo đối ứng theo quy định.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi theo hướng giảm tỷ lệ đối ứng đối với các tỉnh nhận hỗ trợ lớn từ ngân sách Trung ương, để tỉnh có thể cân đối được nguồn vốn của địa phương mà không mất đi nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.

Bên cạnh đó, bà Thái đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng nguồn vốn đầu tư cho các tỉnh miền núi, các tỉnh nhận hỗ trợ lớn ngân sách từ Trung ương để thực hiện các công trình giao thông, nhất là ở khu vực miền núi.

Về thực hiện tín dụng chính sách xã hội, đại biểu nhất trí với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội là quan tâm bố trí tăng nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách xã hội từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội, mở rộng phạm vi, đối tượng thụ hưởng, nâng định mức cho vay để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét giảm lãi suất đối với một số chương trình hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất.

Đối với mức hỗ trợ hộ nghèo trong xây dựng nhà ở, đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho rằng, mức hỗ trợ xây mới 40 triệu đồng/hộ, sửa chữa 20 triệu đồng/hộ là chưa đủ để có thể đảm bảo được yêu cầu 3 “cứng” về chất lượng sau khi được hỗ trợ.

Bà Thái kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét tăng mức hỗ trợ xây nhà lên 70% đến 80% giá trị nhà ở đạt tiêu chí cho hộ nghèo.

Đề xuất cho phép chuyển nguồn thực hiện hết giai đoạn chương trình

Tại phiên họp, nêu ý kiến về giải ngân vốn chương trình mục tiêu đối với vốn sự nghiệp, đại biểu Nguyễn Thành Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép chuyển nguồn vốn này năm 2022 và 2023 đến hết giai đoạn của Chương trình 2021-2025.

Lý giải cho đề xuất này, đại biểu Nguyễn Thành Nam cho biết, việc giải ngân nguồn vốn này chậm là do vướng mắc về cơ chế, chính sách chậm được tháo gỡ, nhất là quy định về đối tượng thụ hưởng nội dung hỗ trợ, quy trình thanh quyết toán. Thực tế, việc tổ chức triển khai cơ bản mới được triển khai từ giữa tháng 8/2023. Trong khi đó, nguồn vốn còn lại của chương trình chưa giải ngân được rất lớn.

Cùng với đó, các văn bản sửa đổi, mặc dù đã tháo gỡ được nhiều nhưng trong thực tế vẫn còn rất nhiều vướng mắc.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét việc xác định đối tượng thụ hưởng đối với các tổ chức do Nhà nước thành lập nên căn cứ vào tiêu chí, chức năng, nhiệm vụ là chủ yếu. Còn khi xét theo tiêu chí tên gọi thì cần xem xét đến bối cảnh trường hợp cụ thể như sáp nhập, bổ sung chức năng nhiệm vụ.

 

 

Qua đó, cho phép Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên tại các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sau sáp nhập thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách của Chương trình để tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam cũng cho biết, hiện việc thực hiện bố trí vốn đối ứng đối với các địa phương còn nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương là rất khó khăn. Do vậy, đề nghị Chính phủ xem xét, bố trí đủ 100% vốn cho các chương trình đối với các địa phương còn khó khăn về ngân sách.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam nhất trí cao với kiến nghị của Chính phủ về cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và đề nghị Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết để tổ chức triển khai thực hiện đúng tiến độ đề ra và đạt mục tiêu của Chương trình.

Sửa đổi, bổ sung tiêu chí nông thôn mới bảo đảm phù hợp với thực tiễn

Đại biểu Hoàng Thị Đôi, đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La cho hay, ngay sau khi Quốc hội ban hành các nghị quyết về ba Chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương nỗ lực tập trung triển khai thực hiện.

Sau 2 năm, bước đầu ba chương trình đã tạo ra sự đổi mới, hương sắc mới rất đáng kể trong đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Việc Quốc hội tổ chức giám sát triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia rất có ý nghĩa và nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri và nhân dân cả nước. Đây là cuộc giám sát có nhiều điểm mới, giám sát giữa kỳ đồng thời cả ba chương trình mục tiêu quốc gia, ngay khi các chương trình đang triển khai thực hiện.

Đại biểu bày tỏ thống nhất cao với báo cáo của Đoàn giám sát, báo cáo giám sát đã nhận định, đánh giá rất kỹ lưỡng về kết quả triển khai ba chương trình với hơn 100 trang và hệ thống phụ lục đầy đủ.

Về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đại biểu Hoàng Thị Đôi cho biết, thực hiện các Quyết định 318, Quyết định 319 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó có một số tiêu chí phân cấp cho địa phương quy định để phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Thị Đôi bày tỏ: “Một số tiêu chí như thu nhập nghèo đa chiều vẫn quy định khá cao, tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của các xã khó bắt kịp so với chỉ tiêu của bộ tiêu chí. Một số chỉ tiêu khi áp dụng thực tiễn khó triển khai như chỉ tiêu xã phải có vùng nguyên liệu tập trung để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trên thực tế, nhiều xã vùng III của các tỉnh không có vùng nguyên liệu tập trung, các sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản quy mô nhỏ chủ yếu theo mùa vụ.

Mặt khác, chỉ tiêu cũng quy định diện tích sân bóng đá thể thao, quy định tỷ lệ phần trăm phải hỏa táng chưa phù hợp với vùng miền dân tộc… Vì vậy, đại biểu đề nghị phải có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, chỉ tiêu phù hợp với thực tiễn nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra”.

Nguồn tin: https://baoquocte.vn/dai-bieu-quoc-hoi-sua-doi-bo-sung-tieu-chi-nong-thon-moi-bao-dam-phu-hop-voi-thuc-tien-248032.html

Trả lời