Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu đồng chủ trì buổi tọa đàm. (Ảnh: Việt Nguyễn) |
Tọa đàm diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu.
Tham dự toạ đàm có hơn 100 đại biểu và gần 20 điểm cầu, với sự tham gia của Đại sứ và lãnh đạo các cơ quan đại diện Việt Nam, đại diện lãnh đạo các hội đoàn người Việt Nam tại một số nước châu Âu có đông người Việt Nam định cư như Pháp, Đức, Anh, Nga, Czech, Ba Lan, Hungary… và các kiều bào đang làm việc, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Về phía cơ quan chức năng trong nước, có sự tham dự của các đại biểu quốc hội của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Bộ Ngoại giao và các bộ, ban, ngành khác như Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về các vấn đề kiều bào quan tâm, còn vướng mắc, khó khăn.
Về vấn đề quốc tịch, ông Cấn Văn Kiệt – 85 tuổi, đại biểu lớn tuổi nhất, đại diện Hội người Việt Nam tại Pháp – cho biết cộng đồng kiều bào tại Pháp có nhu cầu giữ quốc tịch Việt Nam cho thế hệ thứ hai, thứ ba. Ông Trần Anh Tuấn – Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan – cho rằng cần quy định cụ thể về cơ quan chức năng nào của Việt Nam có thẩm quyền xác nhận các giấy tờ chứng minh điều kiện “có công lao đặc biệt” để được nhập hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.
Ông Nguyễn Phú Bình – Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài – cho rằng kiều bào ta ở nước ngoài chỉ xin thôi quốc tịch Việt Nam để vào quốc tịch nước ngoài ở những nước mà pháp luật sở tại yêu cầu phải thôi quốc tịch gốc.
Theo xu thế pháp luật quốc tịch hiện đại, nhiều nước (Czech, Đức, Nga, Ba Lan…) trước đây theo nguyên tắc một quốc tịch hiện nay đã có sự điều chỉnh, cho phép công dân đồng thời có quốc tịch nước ngoài, không buộc người xin nhập quốc tịch phải thôi quốc tịch gốc, thì các cơ quan chức năng trong nước cần xem xét thuận lợi để bà con được trở lại quốc tịch Việt Nam mà vẫn được giữ quốc tịch nước ngoài. Việc này phù hợp với nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo được quy định tại Luật Quốc tịch năm 2008 và sửa đổi, bổ sung năm 2014, cũng như thực tiễn đời sống.
Tọa đàm diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. (Ảnh: Việt Nguyễn) |
Liên quan đến quốc tịch, hộ tịch, các đại biểu ở hầu hết các địa bàn đều quan tâm đến các vấn đề như: quy định xác định quốc tịch và đăng ký khai sinh cho trẻ em lai Việt Nam sinh ra ở nước ngoài hoặc trẻ em Việt Nam sinh ra ở những nơi xác định quốc tịch theo nơi sinh; việc cấp mã số định danh cá nhân cho công dân Việt Nam sinh ra ở nước ngoài, cấp căn cước cho công dân Việt Nam ở nước ngoài; vấn đề đặt tên Việt Nam cho trẻ em Việt Nam sinh ra ở nước ngoài.
Một số ý kiến đề nghị giảm thiểu thời gian xem xét hồ sơ bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình chuyển hồ sơ giữa các cơ quan trong và ngoài nước khi giải quyết hồ sơ thôi quốc tịch, xác minh cấp hộ chiếu…
Về vấn đề quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất, các đại biểu Hoàng Đình Thắng – Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, Mai Quế Oanh – Chủ tịch Hội trí thức Việt Nam tại Hungary và nhiều đại biểu khác cho rằng cần tháo gỡ hạn chế quyền sử dụng đất ngoài dự án phát triển nhà ở cho người Việt Nam ở nước ngoài. Điều này phù hợp với chủ trương đẩy mạnh thương mại hoá quyền sử dụng đất được nêu trong Nghị quyết 18/NQ-TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương, đồng thời giúp tháo gỡ các vướng mắc trong việc cho tặng, nhận thừa kế, chuyển nhượng…
Tọa đàm về chính sách pháp luật với cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu tại điểm cầu ở Pháp. (Ảnh: Việt Nguyễn) |
Theo TS. Lê Võ Phương Nga – Giám đốc Tài chính và đối tác của Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), để phát huy tốt nguồn vốn đầu tư của kiều bào, cần mở rộng phạm vi quyền sử dụng đất của người Việt Nam ở nước ngoài vào mục đích sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thương mại hóa đất đai, không chỉ giới hạn trong các dự án phát triển nhà ở; cần có cơ chế cởi mở, minh bạch và ưu đãi hơn về quỹ đất cho người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.
Nhiều kiều bào đề xuất việc cần có lộ trình cho phép công dân Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện quyền bầu cử và từng bước tiến tới quyền ứng cử đại biểu quốc hội. Ông Hoàng Đình Thắng (Czech), ông Nguyễn Đức Thắng (Đức), ông Nguyễn Quốc Hùng (Nga) cho rằng trong điều kiện phát triển của đất nước hiện nay, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, quyền bầu cử của công dân Việt Nam ở nước ngoài, bao gồm các cán bộ cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, có thể thực hiện được nếu được tháo gỡ về mặt chủ trương.
Về việc tăng cường nhân sự, chức năng nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, ông Nguyễn Hải Nam – Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp, ông Hoàng Đình Thắng, ông Phạm Trung Kiên – Phó Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Anh, cho rằng cần tăng cường nhân sự và củng cố bộ máy, chức năng của cơ quan chuyên trách công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, để đáp ứng các nội dung công việc ngày càng tăng do sự phát triển của cộng đồng hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hàng ngàn hội đoàn.
Bên cạnh đó là các ý kiến nêu về sự cần thiết xây dựng cơ sở dữ liệu về người Việt Nam ở nước ngoài, chính sách đối với thanh niên Việt Nam ở nước ngoài trong Luật Thanh niên, các quy định bảo vệ người lao động ở nước ngoài khi ký kết trực tiếp với chủ lao động nước ngoài, quy định về đầu tư của người Việt Nam ở sở tại được coi là đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài…
Các ý kiến, đóng góp, trao đổi của kiều bào về chính sách pháp luật với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một trong những cơ sở quan trọng để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật trong nước liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, với mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của kiều bào, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động của kiều bào tại nước ngoài.
Ông Nguyễn Mạnh Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho biết Ủy ban đã đề ra chương trình giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, trong hai năm 2022-2023, sẽ tổ chức giám sát ở các địa phương, tổ chức lấy ý kiến và tiếp xúc trực tiếp với kiều bào tại một số nước. Thời gian tới, dự kiến Ủy ban Đối ngoại Quốc hội sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tọa đàm với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tại các địa bàn khác như Đông Bắc Á, châu Mỹ, châu Úc.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu – Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – cho rằng trong thời gian qua, nhiều văn bản pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài đã được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoàitrong các lĩnh vực; tuy nhiên, công tác thể chế hoá các chủ trương chính sách, phổ biến pháp luật, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp là việc làm cần tiến hành thường xuyên, đây là nhiệm vụ đã được nhấn mạnh trong Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Là cơ quan quản lý nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban đã kết hợp nhiều hình thức để lấy ý kiến của bà con kiều bào, trong đó có chương trình khảo sát trực tuyến ý kiến người Việt Nam ở nước ngoài về chính sách pháp luật và thủ tục hành chính được đặt trên trang thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao, Ủy ban và các cơ quan đại diện.
Những ý kiến đóng góp của kiều bào là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nguyện vọng chính đáng của bà con kiều bào.
Cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu hiện có khoảng 1 triệu người, đa phần bà con có cuộc sống ổn định, hội nhập và đóng góp tích cực cho xã hội sở tại, có nhiều trí thức và doanh nhân thành đạt. Nhiều người thường xuyên về Việt Nam, tham gia mọi mặt của đời sống xã hội trong nước như đầu tư, kinh doanh, mua nhà ở, làm việc, tham gia vào các hoạt động khoa học công nghệ, từ thiện, nhân đạo… góp phần vào sự nghiệp chung xây dựng và phát triển đất nước.
Đây là cuộc toạ đàm thứ 2 trong chuỗi các toạ đàm sẽ được tổ chức để lấy ý kiến kiều bào về chính sách pháp luật. Trước đó, ngày 12/7, Tọa đàm với cộng đồng người Việt Nam tại CH Czech về chính sách pháp luật quốc tịch đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Nguồn: baoquocte.vn |