Cao Bằng nỗ lực phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Là “phên giậu vững chắc” nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc, với các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo gắn với lịch sử, truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa dân tộc và môi trường tự nhiên, Cao Bằng đã và đang nỗ lực phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Cao Bằng nỗ lực phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Núi mắt thần (núi thủng) ở xã Quốc Toản, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng điểm đến của nhiều khách du lịch. (Nguồn: Báo Cao Bằng)

Tập trung phát triển các loại hình du lịch độc đáo

Cao Bằng là tỉnh miền núi, vùng cao biên giới thuộc phía Đông Bắc của Tổ quốc. Tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh 6.700,26 km2, bằng 2,12% diện tích tự nhiên toàn quốc. Dân số toàn tỉnh hiện có khoảng 540.000 người; có 35 thành phần dân tộc trên địa bàn tỉnh, trong đó, dân tộc Tày chiếm 40,84%; Nùng 29,81%; Mông 11,65%; Dao 10,36%; Kinh 5,12%; Sán Chỉ 1,49%; Lô Lô 0,54%; Hoa 0,02%; dân tộc khác 0,17%. Là tỉnh có tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên tổng dân số cao nhất cả nước (94,88%).

Được thiên nhiên ưu ái, tỉnh Cao Bằng sở hữu tài nguyên du lịch phong phú với nhiều danh thắng nổi tiếng như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thăng Hen, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, hang Ngườm Pục… và có nhiều di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng như di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu rừng Trần Hưng Đạo, Địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An… và nhiều di tích xếp hạng cấp Quốc gia, cấp tỉnh, thời gian qua, ngành Du lịch Cao Bằng đã có những chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả nổi bật.

Phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, tài nguyên sẵn có về văn hóa, thiên nhiên, thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo, lãnh đạo công tác gìn giữ, phát huy những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số, tạo tiền đề, cơ sở cho phát triển du lịch.

Chỉ đạo ngành văn hóa và các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp thiết thực để các di sản văn hóa trở thành nguồn lực góp phần phát triển kinh tế – xã hội, tiêu biểu như duy trì và phục dựng các làng nghề truyền thống (nghề rèn thủ công truyền thống của đồng bào Nùng An; nghề đan lát mây tre của người Tày, Nùng; nghề dệt thổ cẩm, làm hương…). Đặc biệt, di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Từ năm 2021 – 2022, tỉnh Cao Bằng tập trung xây dựng và phát triển các loại hình sản phẩm du lịch độc đáo, có giá trị kinh tế cao, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc và phù hợp với thị trường, gồm: Du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh, lễ hội, du lịch cộng đồng trải nghiệm văn hóa bản địa.

Năm 2022 và đầu năm 2023, các huyện, Thành phố khởi động trở lại hoạt động lễ hội với nhiều đổi mới, như: Lễ hội về nguồn Pác Bó, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông tại các huyện Hà Quảng, Bảo Lâm, Hòa An… Lễ hội tranh đầu pháo, Lễ hội Nàng Hai (Quảng Hòa)… Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô, Lễ hội du lịch thác Bản Giốc (Trùng Khánh)…

Mỗi lễ hội là một sự kiện văn hóa đặc sắc từng vùng, miền với nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Tày, Nùng, Mông, Lô Lô… Đặc biệt, khai thác và phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp… Đưa vào hoạt động nhiều điểm du lịch cộng đồng như: du lịch cộng đồng ở bản Hoài Khao dân tộc Dao Tiền, xã Quang Thành (Nguyên Bình), du lịch cộng đồng bản Khuổi Khon dân tộc Lô Lô, xã Kim Cúc (Bảo Lạc); Homestay Mộc, xã Cao Chương, du lịch cộng đồng Làng đá Khuổi Ky, Lan’s Nùng, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh)… Nhiều điểm thắng cảnh thiên nhiên đẹp được khai thác du lịch mạo hiểm, khám phá trải nghiệm hang động, cảnh núi rừng, ruộng bậc thang, điểm checkin đẹp… mở ra nhiều điểm hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh.

Đến năm 2025 đón khoảng 3 triệu khách du lịch

Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Cao Bằng không ngừng tăng cao, đặc biệt từ khi công viên địa chất non nước Cao Bằng được công nhận là công viên địa chất toàn cầu UNESCO vào tháng 4/2018, đã thu hút hàng nghìn du khách tới thăm quan, du lịch Cao Bằng tăng trưởng mạnh đạt trên 90%, góp phần phát huy giá trị của di sản địa chất và phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Với sự nỗ lực của toàn ngành Du lịch, các chỉ tiêu về du lịch năm 2022 của tỉnh Cao Bằng đã đạt và vượt so với Kế hoạch đề ra. Tổng lượt khách du lịch đạt trên 1,1 triệu lượt, tăng 165% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu du lịch đạt 622 tỷ đồng, tăng 762,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định du lịch – dịch vụ là một trong ba đột phá chiến lược, với mục tiêu từng bước đưa du lịch Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng tỉnh Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc.

Cao Bằng nỗ lực phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Công viên địa chất non nước Cao Bằng thu hút nhiều khách du lịch đến thăm quan. (Nguồn: Báo Cao Bằng)

Để hoàn thành mục tiêu trên, ông Trịnh Trường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết: “Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn để khai thác và phát triển, tỉnh Cao Bằng chú trọng đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch; phát huy có hiệu quả các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, các giá trị văn hóa dân tộc độc đáo, khác biệt mang đậm bản sắc Cao Bằng; đẩy mạnh hoàn thiện các điều kiện vận hành Khu cảnh quan Thác Bản Giốc, xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành Khu du lịch trọng điểm quốc gia.

Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Cao Bằng đón khoảng 3 triệu khách du lịch, trong đó đạt 2,7 triệu lượt khách du lịch nội địa. Thu nhập xã hội từ du lịch đạt trên 3.000 tỷ đồng. Phấn đấu Khu du lịch thác Bản Giốc đạt tiêu chí trở thành Khu du lịch quốc gia”.

Với tiềm năng sẵn có, cùng sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, vào cuộc của người dân, hy vọng Cao Bằng sẽ là điểm đến lý tưởng của nhiều du khách trong nước và quốc tế.

Nguồn tin: https://baoquocte.vn/cao-bang-no-luc-phat-trien-du-lich-tro-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-255002.html

Trả lời