Đặc biệt, nhiều sự kiện, hoạt động đang được tích cực chuẩn bị để đón những đoàn khách quốc tế lớn đến từ các quốc gia Đông Nam Á tham gia SEA Games 31, diễn ra vào giữa tháng 5 tới. Nhân dịp này, HNMO đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang về sự chuẩn bị của ngành Du lịch Hà Nội trước những sự kiện lớn.
– Ngay khi Chính phủ đồng ý mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch, Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động, sự kiện để kích cầu, quảng bá du lịch. Hệu quả từ những sự kiện này đối với du lịch Thủ đô như thế nào, thưa bà?
– Trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở Du lịch Hà Nội đã tham mưu với UBND thành phố Hà Nội xây dựng các kế hoạch, kịch bản phục hồi, phát triển du lịch trong từng giai đoạn cụ thể, phù hợp với diễn biến dịch. Từ đầu năm, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển năm 2022, trong đó đặt mục tiêu phấn đấu đón và phục vụ 9 – 10 triệu lượt khách trong năm nay, bao gồm 1,2-2 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 27,8-35,8 nghìn tỷ đồng.
Ngay sau khi Chính phủ đồng ý mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch, Hà Nội đã triển khai nhiều sự kiện. Mở đầu là sự kiện “Du lịch Hà Nội chào 2022 – Get on Ha Noi” với nhiều hoạt động sôi nổi, thu hút nhiều du khách. Bên cạnh đó, các điểm đến, cơ sở lưu trú, đơn vị lữ hành của Hà Nội có nhiều chính sách kích cầu, tích cực xây dựng, giới thiệu sản phẩm mới. Những nỗ lực này cũng mang lại kết quả đáng kể về lượng khách. Trong quý I-2022, khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng 2,8 triệu lượt, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021.
– Thời điểm này, Hà Nội đang triển khai Lễ hội quà tặng Hà Nội 2022, tổ chức vào dịp nghỉ lễ 30-4 , 1-5 và cũng là sự kiện hướng tới SEA Games 31. Lễ hội này có gì khác biệt so với những lễ hội du lịch kích cầu và lễ hội làng nghề mà Hà Nội từng tổ chức trước đây, thưa bà?
– Đây là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức Lễ hội quà tặng nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm quà tặng du lịch Hà Nội, kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và khôi phục thị trường khách du lịch đến Hà Nội sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đồng thời xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô Hà Nội là điểm đến “An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn”. Vì thế, những món đồ mang đến lễ hội sẽ đậm tinh thần là “quà tặng” với tiêu chí nhỏ, gọn, tinh tế, có tính biểu tượng cao về Hà Nội, gắn kết với điểm đến của Thủ đô, như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám… Chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị chú ý đến các thiết kế mẫu mã của những hộp quà.
Hiện nay, các khu, điểm du lịch còn yếu trong việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm quà tặng nên khách chi tiêu, mua sắm còn ít. Mục đích đặt ra trong lễ hội là giúp các đơn vị điểm đến và các làng nghề có sự gắn kết hơn, từ đó tạo ra được những sản phẩm đặc trưng, gần gũi, gắn với các khu, điểm du lịch của Hà Nội. Trong lễ hội, Sở Du lịch sẽ phát động cuộc thi thiết kế mẫu quà tặng nhằm tăng thêm tính sáng tạo trong sản phẩm quà tặng của Thủ đô.
Bên cạnh đó, sự khác biệt của Lễ hội quà tặng với những lễ hội làng nghề là sẽ có sự tham gia của nhiều đơn vị điểm đến, doanh nghiệp du lịch. Họ cũng sẽ có quà tặng đặc trưng của du lịch, đó là những combo dịch vụ, phiếu giảm giá (voucher) các dịch vụ du lịch. Chúng tôi kỳ vọng, lễ hội này sẽ thu hút được nhiều người dân, du khách trong kỳ nghỉ lễ 30-4.
– Trong Lễ hội quà tặng Hà Nội 2022, Ban tổ chức còn quảng bá những sản phẩm du lịch mới nào để giới thiệu tới khách quốc tế, đặc biệt là dòng khách đến Hà Nội nhân sự kiện SEA Games 31?
– Hiện nay, rất nhiều đơn vị đã đăng ký giới thiệu những sản phẩm du lịch mới, hướng tới phục vụ các đoàn khách là vận động viên, chuyên gia, cổ động viên đến từ các nước ASEAN. Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội sẽ mở lại tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” với phiên bản mới, trong đó có phần biểu diễn piano của hai nghệ sĩ Lưu Hồng Quang và Lưu Đức Anh. Công ty lữ hành Hanoitourist (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) cùng UBND xã Bát Tràng sẽ khai trương tour xe đạp khám phá Bát Tràng với tên gọi “Dấu chân làng cổ Bát Tràng”. Được biết, nhiều điểm đến khác ở khu vực nội thành và ngoại thành cũng đã khởi động lại, kích hoạt các dịch vụ để sẵn sàng đón khách.
Sau Lễ hội quà tặng Hà Nội 2022, trong tháng 5, Sở Du lịch tiếp tục phối hợp với các đơn vị khác như Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội, các sở, ngành khác tổ chức Lễ hội du lịch Hà Nội (từ ngày 13-5 đến 15-5), Liên hoan ẩm thực và du lịch làng nghề Hà Nội (từ ngày 18 đến 22-5)…
– Còn những công việc khác liên quan đến đón khách SEA Games 31, Sở Du lịch Hà Nội đã chuẩn bị như thế nào, thưa bà?
– SEA Games 31 dự kiến sẽ thu hút gần 1 vạn vận động viên, huấn luyện viên, cán bộ, quan chức từ các quốc gia ASEAN tham dự và hàng chục nghìn khách du lịch đến Hà Nội để cổ động, tham quan. Để bảo đảm mọi công tác chuẩn bị chu đáo nhất, Sở Du lịch Hà Nội đã chuẩn bị hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chất lượng cao phục vụ các đoàn đại biểu, vận động viên và phóng viên quốc tế tại 14 khách sạn với hơn 3.000 phòng.
Ngoài việc xây dựng các sản phẩm du lịch mới, khai thác du lịch văn hóa nội đô, tour tiêu biểu tham quan danh lam thắng cảnh, Sở cũng phối hợp các đơn vị liên quan chuẩn bị “thực đơn” ẩm thực độc đáo của Hà Nội để giới thiệu tới các đoàn. Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu du lịch Thủ đô thông qua các kênh truyền thông, truyền hình trong nước (VTV, HanoiTV…) và quốc tế.
Sở Du lịch cũng tổ chức lớp tập huấn cho hơn 160 cán bộ quản lý văn hóa, du lịch tại các quận, huyện, thị xã, những điểm đến tổ chức các môn thi đấu SEA Games để nâng cao kỹ năng tuyên truyền, tổ chức, chất lượng phục vụ sẵn sàng đón khách.
– Trân trọng cảm ơn bà!