Điểm đến hấp dẫn
Thanh Hóa không chỉ là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa mà còn được biết đến với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hấp dẫn làm say đắm lòng người. Để phát huy những tiềm năng, xây dựng thương hiệu du lịch xứ Thanh vươn tầm khu vực, thế giới, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả.
Đi sâu khám phá đất và người xứ Thanh, chúng ta thấy một hình hài Việt Nam thu nhỏ, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi mạch ngầm truyền thống đang chảy không ngừng. Với những thuận lợi đó, Thanh Hóa giữ vai trò quan trọng trong kết nối du lịch liên vùng Bắc Trung Bộ, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Đặc biệt, Thanh Hóa được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho 102km đường bờ biển, với nhiều bãi tắm bằng phẳng, môi trường trong lành, cảnh quan thiên nhiên đẹp, trong đó phải kể đến Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa…
Cùng với đó, dọc bờ biển có nhiều dãy núi đâm ra tạo nên các vũng như vũng Gầm, vũng Thủy, vũng Biện xen kẽ là các cửa lạch như Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Bạng và Lạch Ghép, tạo nên hệ cảnh quan tự nhiên hết sức đa dạng.
Ngoài ra, vùng biển Thanh Hóa còn được tô điểm bởi hệ thống đảo lớn, nhỏ như Hòn Mê, Hòn Nẹ, Nghi Sơn… rất giàu tiềm năng khai thác, phát triển thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Có thể khẳng định, Thanh Hóa là điểm đến với nhiều tài nguyên du lịch đa dạng, du lịch sinh thái, du lịch biển, có các khu nghỉ dưỡng, khách sạn đẳng cấp, hệ thống nhà hàng, hạ tầng phục vụ khách du lịch được đầu tư đồng bộ.
Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, du lịch nghỉ dưỡng biển được xác định là thế mạnh hay sản phẩm mũi nhọn của du lịch Thanh Hóa. Do vậy, trong định hướng phát triển, đây là sản phẩm được ưu tiên đầu tư, nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thanh Hóa trở thành điểm đến hấp dẫn, với những khu nghỉ dưỡng biển hiện đại, cao cấp.
Nhờ sự định hướng và đầu tư của tỉnh và các địa phương, đến nay, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển Thanh Hóa đã từng bước tạo dựng được thương hiệu tại khu vực phía Bắc và Bắc miền Trung, đồng thời, cơ bản đáp ứng nhu cầu đa dạng của các phân khúc thị trường khách du lịch từ trung đến cao cấp.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh ước đón khoảng hơn 8,3 triệu lượt khách du lịch, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022, với tổng thu từ du lịch ước đạt hơn 15.000 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 63,2% kế hoạch năm 2023.
Dịp lễ dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay, Thanh Hóa cũng đón được lượng du khách cao nhất cả nước với gần 1,2 triệu lượt. Năm 2022, tỉnh ước đón 11,01 triệu lượt khách du lịch; trong đó khách quốc tế ước đạt 245 nghìn lượt, gấp 11,47 lần so với năm 2021. Năm 2023, Thanh Hóa đặt mục tiêu đón 12 triệu lượt khách du lịch.
Từ đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, Thanh Hóa tập trung đẩy mạnh các hoạt động liên kết, xúc tiến, quảng bá du lịch đến các địa phương, doanh nghiệp lữ hành trong cả nước; phát triển tour, tuyến du lịch mới.
Xác định rõ vai trò quan trọng của công nghệ đối với sự phát triển ngành du lịch, trong vài năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa tích cực ứng dụng công nghệ số trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch, nhất là phát triển du lịch thông minh.
Ngày 22/2/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 688/QĐ-UBND về việc công nhận biểu trưng và khẩu hiệu “Du lịch Thanh Hóa – Hương sắc bốn mùa”. Việc ban hành Bộ nhận diện thương hiệu du lịch Thanh Hóa chính thức ghi dấu du lịch Thanh Hóa trên bản đồ du lịch Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung, đồng thời, góp phần xây dựng và nâng tầm thương hiệu du lịch Thanh Hóa trong giai đoạn mới, tạo sự đồng bộ trong quảng bá hình ảnh du lịch, qua đó thu hút du khách.
Cần có các sản phẩm du lịch mới
Dù đạt được kết quả ấn tượng, nhưng sự phát triển của sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Thanh Hóa vẫn đang thiếu những sản phẩm du lịch cao cấp, trong khi sản phẩm du lịch mới còn rất khiêm tốn.
Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết, để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện các chiến lược xây dựng Thanh Hóa thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch xanh, du lịch biển… Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng phát triển du lịch từ số lượng sang chất lượng, có trọng tâm, theo hướng chủ động hội nhập, nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp, đảm bảo sản phẩm du lịch có thương hiệu và tính cạnh tranh cao.
Thanh Hóa đang hướng đến mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn, với những khu nghỉ dưỡng biển hiện đại, cao cấp. Để hiện thực hóa được điều đó, các chuyên gia, nhà quản lý du lịch cho rằng, tỉnh cần có chiến lược phát triển tổng thể, dài hạn của ngành du lịch nói chung, du lịch biển nói riêng, tập trung vào các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, có khả năng cạnh tranh và đáp ứng được thị hiếu, xu hướng tiêu dùng của khách du lịch. Trong đó, tỉnh cần chú trọng đến những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, chuyên nghiệp, văn minh, đảm bảo phát triển bền vững; kết hợp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao, vui chơi giải trí truyền thống và hiện đại, du lịch MICE…
Đồng thời, tỉnh cũng cần quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch đường sông, du lịch nông nghiệp, nhằm kết nối và bổ trợ đắc lực cho sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển. Ngoài ra, trên cơ sở tài nguyên hiện có, cần khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới, các loại hình dịch vụ độc đáo, mang dấu ấn riêng, hấp dẫn khách du lịch.
Tại Hội nghị liên kết, hợp tác phát triển du lịch, kết nối tour, tuyến giữa tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố năm 2023, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, tỉnh Thanh Hóa cần chú trọng khai thác giá trị văn hoá trong phát triển du lịch; tìm ra những giá trị văn hoá khác biệt dựa trên những sản phẩm tương đồng giữa các địa phương để liên kết đi vào chiều sâu. Ngoài ra, cần quan tâm hơn nữa đến cảnh quan thiên nhiên, môi trường du lịch… hướng đến thu hút đa dạng thị trường khách, trong đó có khách quốc tế.
Nguồn tin: Du lịch Thanh Hóa “mở cửa” ra thế giới (baoquocte.vn)