“Yes! We can end TB” (Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao) là Chủ đề của Ngày Thế giới Phòng chống lao 24/3/2023 trên toàn cầu. Chủ đề năm nay mang đến niềm hy vọng và niềm tin của tất cả chúng ta rằng việc chấm dứt bệnh lao là hoàn toàn có thể.
Trong bối cảnh cuộc chiến chống bệnh lao toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức sau đại dịch COVID-19, Ngày thế giới phòng chống lao 24/3 năm nay có chủ đề “Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao” (Yes! We can end TB), như một lời khẳng định mạnh mẽ rằng việc “thanh toán” bệnh lao là hoàn toàn có thể.
Bệnh lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới. Mỗi ngày, gần 4.400 người tử vong vì bệnh lao và gần 30.000 người mắc bệnh. Lao là bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao thứ hai sau COVID-19, trước cả bệnh HIV/AIDS. Khoảng 25% dân số thế giới mắc lao tiềm ẩn. Những người khỏe mạnh nhiễm vi khuẩn lao có khoảng 5 – 10% nguy cơ chuyển thành thể hoạt động. Bên cạnh đó, những người mắc lao thể hoạt động có thể lây truyền cho 10-15 người khác thông qua tiếp xúc gần. Tuy nhiên, bệnh lao có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, điều trị đúng phương pháp và đủ thời gian.
Đại dịch COVID-19 đã làm đảo ngược nhiều năm tiến bộ đạt được trong cuộc chiến chấm dứt bệnh lao. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), toàn bộ những tiến độ từng đạt được tính đến năm 2019 đã bị đình trệ hoặc là hoàn toàn đảo ngược, mục tiêu thanh toán bệnh lao toàn cầu đã bị trệch hướng. Rõ nhất là số bệnh nhân lao được phát hiện trên toàn cầu giảm mạnh. Từ mức cao nhất là phát hiện 7,1 triệu người bệnh năm 2019, con số này đã giảm 18% xuống 5,8 triệu vào năm 2020, trở lại mức phát hiện của năm 2012. Năm 2021, số bệnh nhân lao được phát hiện tăng trở lại lên 6,4 triệu trường hợp (mức phát hiện của năm 2016-2017).
Khoảng 10,6 triệu người mắc lao trên toàn cầu vào năm 2021, tăng 4,5% so với năm 2020 (10,1 triệu). Tỷ lệ mắc mới lao cũng tăng 3,6% trong năm 2021 so với năm 2020, đảo ngược mức giảm 2% mỗi năm trong 2 thập niên. Số trường hợp mắc lao kháng thuốc cũng tăng lên trong năm 2021, với 450.000 ca mắc mới.
Ngoài COVID-19, có mối liên quan chặt chẽ giữa tỷ lệ mắc bệnh lao trên đầu người và các chỉ số phát triển như thu nhập trung bình và tình trạng suy dinh dưỡng. Các rào cản kinh tế và tài chính có thể ảnh hưởng tới việc tiếp cận chẩn đoán, chăm sóc và điều trị bệnh lao. Khoảng 50% số bệnh nhân lao và gia đình của họ phải đối mặt với tổng chi phí “khổng lồ” do bệnh lao.
Những dữ liệu này cho thấy sự cần thiết phải giảm nhẹ và đảo ngược tác động tiêu cực của COVID-19 đối với công tác phòng chống lao. Hành động càng trở nên cấp bách hơn trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, rủi ro an ninh lương thực, xung đột Nga-Ukraine, cũng như nhiều cuộc xung đột khác trên thế giới, làm trầm trọng hơn các yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh lao.
Trong Chiến lược chấm dứt bệnh lao đến năm 2025, WHO đã đưa ra mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trên toàn cầu đến năm 2020 là giảm 20% số người bệnh lao mới mắc và 35% số người tử vong vì lao so với năm 2015, đến năm 2025 sẽ giảm tương ứng là 50% và 75%. Đa số các mục tiêu chấm dứt bệnh lao hiện chưa đạt được, song tiến bộ đã được ghi nhận tại một số khu vực trên thế giới. Theo Chủ tịch Liên minh toàn cầu phát triển thuốc chữa trị bệnh lao (TB Alliance) Mel Spigelman, nếu có nhiều nguồn lực như chiến dịch chống COVID-19, thế giới hoàn toàn có thể xóa bỏ bệnh lao.
“Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao”, chủ đề của Ngày thế giới phòng chống lao năm nay mang đến niềm hy vọng và nguồn năng lượng tích cực, thôi thúc và thể hiện tinh thần quyết tâm cao độ trong công tác phòng chống lao.
Việt Nam chiến thắng bệnh lao
Là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người người mắc bệnh và 12.000 người tử vong do lao (số liệu năm 2021), Việt Nam cũng chọn chủ đề “Việt Nam chiến thắng bệnh lao” cho Ngày thế giới phòng chống bệnh lao năm 2023. Đây là một chủ đề dễ nhớ, như một lời khẳng định, thể hiện quyết tâm cao của cả mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh lao.
Bệnh nhân lao thường, đặc biệt là bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình phải đối mặt với những chi phí thảm họa – nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề lớn, ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người mỗi năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.
Chủ đề lạc quan này được đưa ra dựa trên những kết quả phục hồi công tác phòng chống lao tại các nước có gánh nặng bệnh lao cao sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và việc đảm bảo tiếp cận với phương pháp chẩn đoán mới, phác đồ điều trị mới, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo trong phòng chống bệnh lao, giúp cứu sống thêm hàng triệu người.
WHO nhấn mạnh việc huy động sức mạnh tổng thể, thu hút sự quan tâm, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao, bởi 2023 cũng là năm rất quan trọng với các cơ hội nâng cao tầm nhìn và cam kết chính trị tại cuộc họp cấp cao của Liên hợp quốc về bệnh lao vào tháng 9 tới.
Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo. Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, xấp xỉ 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc.
Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính trong 2 năm 2020-2021, số lượng và tỷ lệ từ vong do lao tăng trở lại so với giai đoạn trước đây, cụ thể, số lượng bệnh nhân tử vong do lao trong năm 2021 được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020. Nếu không được phát hiện và điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân lao rất cao, khoảng 50%.
Trước tình hình bệnh lao đổi mặt với nhiều thách thức sau đại dịch COVID-19, Chương trình Chống lao quốc gia dự kiến điều chỉnh thời gian chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, phù hợp với Chiến lược Chấm dứt bệnh lao toàn cầu. Chương trình chống lao quốc gia cũng cần được đầu tư rất nhiều nguồn lực để bảo đảm tất cả bệnh nhân lao được khám, phát hiện và điều trị, ưu tiên tăng cường phát hiện bệnh lao trên toàn quốc.
Trong đó đặc biệt chú trọng phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, kết hợp phát hiện thường quy. Tiếp sau đó là đảm bảo chất lượng quản lý điều trị, mở rộng hệ thống xét nghiệm nhanh, chính xác để kịp thời phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao và ngăn chặn nguồn lây.
Chương trình Chống lao quốc gia có sự đồng hành của nhiều tổ chức quốc tế trong việc áp dụng các sáng kiến và mô hình tiếp cận mới, hướng đến mục tiêu tăng cường phát hiện bệnh lao và tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.
Đại Phong (T/h)
Nguồn tin:Ngày Thế giới Phòng chống Lao năm 2023 (moitruongvadothi.vn)