Sau khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ, chính quyền sở tại vừa tiến hành cấp Giấy khai sinh cho anh Lê Quốc Dũng (tự khai SN 1991), người 30 năm sống ở Hà Nội nhưng chưa từng được khai sinh.
Sáng 16/3, anh Lê Quốc Dũng (SN 1991, hiện trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) háo hức đạp xe đến trụ sở UBND phường Bồ Đề. Đối với anh, ngày hôm nay là một ngày đặc biệt trong cuộc đời, ngày mà anh được cấp Giấy khai sinh sau hơn 30 năm sống ở Hà Nội.
Tại bộ phận một cửa, sau khi nộp tiền phí và hoàn tất thủ tục, anh Dũng được cán bộ UBND phường Bồ Đề trao Giấy khai sinh, tờ giấy mà anh mong mỏi sẽ có được trong nhiều năm dài.
Chia sẻ với PV Dân trí sáng cùng ngày, anh Dũng cho biết bản thân cảm thấy rất vui và phấn khởi khi đã được cấp Giấy khai sinh.
“Ngày hôm nay là 1 ngày ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi. Ngày mà tôi được khai sinh. Tờ giấy này có ý nghĩa rằng tôi đã tồn tại trên đời này” – anh Dũng chia sẻ.
Theo anh Dũng, trong thời gian tới, bản thân sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng để được cấp Căn cước công dân và giấy tờ pháp lý khác. Sau đó, anh sẽ học 1 nghề nào đó để có được một cuộc sống tốt hơn.
Trước đó, căn cứ vào kết quả xác minh từ các cơ quan liên quan Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết đủ cơ sở xác định anh Dũng là trẻ bị bỏ rơi, được gia đình bà K.T.M. (trú tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội; đã mất) nhận về nuôi vào năm 1991…
Sau khi Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực ra văn bản hướng dẫn cụ thể, ngày 11/3, anh Dũng đã nộp hồ sơ đăng ký khai sinh tại cổng dịch vụ công của UBND phường Bồ Đề. Sau vài ngày tiếp nhận hồ sơ, UBND phường Bồ Đề đã tiến hành khai sinh cho công dân này.
30 năm tồn tại “vô hình” giữa Hà Nội
Anh Lê Quốc Dũng là nhân vật đã sống 30 năm ở Hà Nội nhưng chưa từng được khai sinh nên không có bất cứ một giấy tờ tùy thân nào.
“Tôi là trẻ bị bỏ rơi trên phố Cửa Bắc, phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) vào ngày 17/11/1991 khi vừa được 1 ngày tuổi. Sau đó, tôi được gia đình bà K.T.M. đưa về nuôi dưỡng nhưng ở thời điểm đó, tôi không được làm giấy khai sinh”- Dũng kể.
Trong suốt mấy chục năm sống ở nhà bà M., anh Dũng chỉ được đi học dự thính hết lớp 5. Sau khi bà M. mất, năm 2014, anh rời đi và không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào.
Hơn 6 năm qua, anh Dũng đã cố gắng tìm mọi cách để xin được cấp giấy khai sinh, chứng minh thư nhân dân nhưng không giải quyết được.
Cụ thể, theo hướng dẫn của Sở Tư pháp Hà Nội, anh Dũng tìm đến UBND phường Bồ Đề để đăng ký khai sinh. Tại đây, UBND phường yêu cầu anh Dũng khẳng định một số thông tin và yêu cầu xác minh thêm các nội dung khác ở phường Trúc Bạch, phường Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội) – nơi anh từng cư trú.
Mặc dù đã được chính quyền sở tại ở 2 phường nêu trên xác nhận việc anh Dũng thường trú tại địa phương trong khoảng thời gian từ năm 1991 – 2009 nhưng UBND phường Bồ Đề vẫn không thể tiến hành đăng ký khai sinh cho người đàn ông này.
Nguyên nhân vì sau khi thẩm tra, thẩm định, xác minh và đối chiếu các quy định, UBND phường Bồ Đề không xác định được nguồn gốc sinh ra và lớn lên; không có bản ảnh để xác định bản thân anh Dũng.
Đón nhận thông tin này, Dũng cảm thấy buồn bã, chán nản. Đã có lúc, Dũng muốn buông xuôi việc làm giấy tờ tùy thân, muốn phó mặc số phận.
“Nỗi khổ tâm về việc là một con người bình thường nhưng không có giấy tờ tùy thân thì nhiều lắm. Việc không làm được giấy khai sinh giống như mình chưa từng sinh ra thì khi mất đi khác gì một người vô hình” – Dũng tâm sự.
Sau khi vụ việc được Báo điện tử Dân trí phản ánh, ông Nguyễn Công Khanh – Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực – đã chỉ đạo và tham gia đoàn công tác đến làm việc trực tiếp tại UBND quận Long Biên để tìm giải pháp đăng ký khai sinh cho anh Dũng.