“Đòn bẩy” cho Vùng Thủ đô phát triển
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô thuộc nhóm Dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội quyết định đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ- CP ngày 18/8/2022 để triển khai nghị quyết của Quốc hội.
Không gian quy hoạch của Vùng Thủ đô Hà Nội hiện nay bao trùm TP. Hà Nội và 9 tỉnh là Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên. Đây là một trong những vùng trọng điểm kinh tế – xã hội, chính trị của cả nước. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng lại chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Từ những hạn chế về kết nối hạ tầng đó, Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội đặt ra mục tiêu đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung của Vùng Thủ đô, với Hà Nội là hạt nhân trung tâm, được thiết kế với bộ khung chính gồm 7 tuyến đường cao tốc: Hà Nội-Lào Cai; Hòa Lạc-Hòa Bình; Hà Nội-Thái Nguyên; Hà Nội-Hải Phòng; Cầu Giẽ-Ninh Bình; Đại lộ Thăng Long; Nội Bài-Bắc Ninh. Đặc biệt, cả 7 tuyến huyết mạch chính này đều được kết nối xuyên suốt bởi đường Vành đai 4.
“Vành đai 4 mới là tuyến xương sống chính của mạng lưới giao thông Vùng Thủ đô. Trong bối cảnh chưa được đầu tư xây dựng, toàn bộ áp lực đổ dồn lên Vành đai 3-tuyến đường vốn chỉ là vành đai thuộc đô thị trung tâm, bất đắc dĩ phải gánh vác thay vai trò đặc biệt này”, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, Thành phố đã và đang tập trung triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đã khởi công ngày 25/6/2023, phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác, sử dụng năm 2027.
Phó Chủ tịch Hà Minh Hải cho biết thêm: “TP. Hà Nội xác định đây là một bước cụ thể hóa việc tập trung vào 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược (phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trước mắt ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối)”.
Đồng thời, ông Hà Minh Hải cũng chia sẻ 3 bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội. Thành phố đã ủy quyền cho các quận, huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải nêu rõ, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, xác định xây dựng, phát triển Thủ đô trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; mục tiêu đến năm 2030, trở thành thành phố có sức cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Mở rộng không gian phát triển
Theo các chuyên gia, việc đầu tư xây dựng Vành đai 4 sẽ giúp mở rộng không gian phát triển, phân bổ áp lực đô thị cho Hà Nội, góp phần hình thành nên chuỗi đô thị mới rất tiềm năng. Quỹ đất khoảng 6.500ha phía Tây đường Vành đai 4 đang được nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch. Các đô thị vệ tinh tại huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức cũng như nhiều khu đô thị, công nghiệp dọc tuyến trên địa phận tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh… sẽ phát triển rất nhanh khi dự án Vành đai 4 được triển khai. Đồng thời, giải quyết hàng loạt điểm ùn tắc giao thông như cửa ngõ phía Nam, cầu Thanh Trì, Quốc lộ 2, Quốc lộ 5…
Đáng chú ý, sân bay Nội Bài – cửa ngõ hàng không quốc tế của cả Vùng Thủ đô sẽ được kết nối trực tiếp đến các tỉnh, thành lân cận, giảm thiểu chi phí logistics cho doanh nghiệp vận tải, giảm áp lực giao thông cho các cửa ngõ Hà Nội, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh không chỉ của TP. Hà Nội mà còn của các tỉnh, thành phố liên quan trong Vùng Thủ đô và cả nước nói chung.
Bày tỏ quan điểm của mình, ông Đào Huy Hoàng, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải cho rằng, Vành đai 4 về bản chất là tuyến đường vòng cung với chức năng chính là kết nối liên vùng. Đồng thời, đây cũng là con đường nằm ở vòng ngoài thành phố.
Do vậy, theo ông Đào Huy Hoàng, cần tập trung làm bài bản các đường trục chính, hướng tâm. Các trục này nếu được quy hoạch bài bản, mặt cắt ngang rộng và khoảng cách phù hợp sẽ là yếu tố cốt lõi giúp hút dân cư khỏi nội đô, phát triển đô thị, đồng thời giải quyết tình trạng ùn tắc hiện nay.
Đề cập vấn đề này, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội nhận định, sau khi Vành đai 4 hoàn thành sẽ thu hút dân cư giúp giãn dân nội đô. Theo ông Ánh, đây là cơ hội, nhưng cũng đồng thời là thách thức, bởi phải đối diện với nguy cơ đô thị phát triển tự phát, xây dựng trái phép theo kiểu “vệt dầu loang”. Ông Huy Ánh cũng nhấn mạnh, Thành phố cần sớm có quy hoạch cụ thể đồng thời quản lý chặt quỹ đất xung quanh tuyến đường.
Nguồn tin: Xây dựng Vành đai 4: Thúc đẩy Vùng Thủ đô “cất cánh” (baoquocte.vn)