Nhìn và định hướng đến ASIAD và Olympic
SEA Games 31 với thông điệp “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn” chính là kỳ Đại hội thể thao được chủ nhà Việt Nam tâm đắc, với chủ trương “chơi đẹp, không dùng kỹ xảo để đứng nhất”. Đây là kỳ SEA Games tập trung vào các môn Olympic để cả Đông Nam Á cùng nâng cao năng lực chuyên môn, thay vì tranh giành vị trí về số lượng huy chương – vấn đề đã khiến thể thao Đông Nam Á tụt xa so với Châu Á và thế giới. Điều này đi đúng với tuyên bố chung của Bộ trưởng thể thao ASEAN và cũng đúng với năng lực của Đoàn thể thao Việt Nam (khi số lượng huy chương giành được của các nhóm môn Olympic tăng qua từng kỳ đại hội).
Như lời khẳng định của ông Trần Đức Phấn – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao – hướng đi này sẽ góp phần định hướng lại xem khả năng của Việt Nam hướng đến ASIAD và Olympic như thế nào. Và nói như nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh, đây là sự chuyển biến sau 20 năm đấu tranh, và 10 năm nỗ lực không ngừng của những nhà quản lý thể thao Việt Nam.
“Trong 10 năm qua, các nhà quản lý thể thao Việt Nam đã chú trọng rất nhiều vào các môn thể thao trong chương trình Olympic. Chúng ta có sự tập trung, phấn đấu nâng cao trình độ vận động viên để hướng tới châu lục. Đó là cuộc đấu tranh đã kéo dài 20 năm nhưng 10 năm qua mang về nhiều chuyển biến tích cực.
Nhờ những chuyển biến đó, ở SEA Games 2015, chúng ta đã thể hiện ưu thế ở nhiều môn Olympic, ví dụ như điền kinh, cử tạ, đấu kiếm, bắn súng, đua thuyền,… Sự tiến bộ cần được ghi nhận nhưng tư tưởng sử dụng đấu trường khu vực như SEA Games để làm “địa hạt” chính ít nhiều vẫn còn tồn tại. Theo tôi, Việt Nam nên phấn đấu để dẫn đầu ở các môn trong chương trình Olympic, sẽ hơn là tranh nhất nhì toàn đoàn.
Một điểm tích cực nữa là những năm qua, thể thao Việt Nam đã có rất nhiều vận động viên thể hiện xuất sắc ở đấu trường châu lục như Quách Thị Lan (điền kinh), Nguyễn Huy Hoàng (bơi lội) và Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ) đạt thành tích cao tại ASIAD hay Hoàng Xuân Vinh (bắn súng) giành huy chương vàng Olympic. Đó là những cá nhân điển hình chứng minh cho sự tiến bộ”, ông Nguyễn Hồng Minh chia sẻ với Lao Động.
Thực tế, theo đúng điều lệ của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á quy định môn thi đấu SEA Games: Nhóm thứ nhất có 2 nội dung bắt buộc, bao gồm: Điền kinh và các môn thể thao dưới nước (bơi, nhảy cầu, bơi nghệ thuật); nhóm thứ hai là tổ chức tối thiểu 4 trong tổng số 28 môn của Olympic (Thể dục dụng cụ, đua thuyền, bắn súng,…); nhóm thứ ba là các bộ môn phát triển ở Đông Nam Á, tùy từng kỳ đại hội có thể từ 2 đến 8 môn (bi sắt, vovinam,…).
Chuyện các nước chủ nhà dùng đặc thù ở nhóm 3 để “vơ vét” huy chương đang có sự giảm thiểu nhưng vẫn chưa thể hoàn toàn loại bỏ. Tuy nhiên, sự tiên phong của Việt Nam trong việc tăng cường tổ chức các nhóm môn Olympic sẽ giúp phản ánh đúng thực chất sự phát triển của các nền thể thao Đông Nam Á, tránh hiện tượng “hụt hơi’ khi tham dự các đấu trường lớn như ASIAD hay Olympic.
Theo ông Phấn, về lâu dài, đó có thể là tiền đề để SEA Games có thể biến thành ASIAD, Olympic thu nhỏ. Các quốc gia trong khu vực sẽ đầu tư đúng hướng vào thể thao đỉnh cao nhằm bám đuổi thành tích của thể thao thế giới. Đó cũng cơ sở để các đội tuyển thể thao của Việt Nam hướng tới thành tích cao trong các môn thuộc nhóm Olympic và ASIAD tại SEA Games 31 – ông Phấn chia sẻ với tư các Trưởng đoàn thể thao Việt Nam.
Rào cản
Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, dù công nhận sự tiến bộ trong tầm nhìn của thể thao Việt Nam ở kỳ SEA Games 31, nhưng cũng nên nhìn nhận vào thực tế: Kỳ đại hội vẫn còn nhiều môn thể thao khu vực chưa thực sự phổ biến. “Jujitsu là một môn võ tự vệ của Brazil, Kurash cũng chưa phổ biến, Muay là môn võ xuất thân từ Thái Lan, Vovinam là môn võ đặc trưng của Việt Nam. Những môn này thực tế mang đặc trưng khu vực nhiều hơn”.
Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề của thể thao toàn khu vực. Bởi, điều lệ của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á quy định môn thi đấu SEA Games có nhóm 3 gồm các môn thể thao mang tính địa phương. Muốn thay đổi để vươn xa hơn thì cần phải làm mới từ gốc rễ, nhưng đó sẽ là cuộc đấu tranh không hề dễ dàng khi tất cả phải cùng gạt bỏ tâm lý “bệnh thành tích” để hướng tới tầm châu lục và thế giới.
“Đối với thể thao Đông Nam Á, sự thay đổi này là cuộc đấu tranh để hướng đến các môn thể thao Olympic. Cuộc đấu tranh để giúp SEA Games trở thành một đấu trường để trải nghiệm và phát triển thể thao khu vực.
Chỉ riêng việc đặt nặng thứ hạng của các đoàn thể thao trong thi đấu SEA Games 2 năm/lần, với việc hướng lên phát triển thể thao chính thống Olympic đã là một cuộc đấu tranh. Và ở Việt Nam, đội ngũ quản lý cũng đã phải đấu tranh, suy xét điều này 15-20 năm.
Và cho đến bây giờ, những người đại diện thể thao Việt Nam 10-15 năm trước đây đã đề nghị sửa đổi điều lệ của thi đấu của Đông Nam Á về 3 nhóm bộ môn vẫn chưa thành công. Thực tế, điều lệ ấy không hợp lý, không tạo điều kiện cho sự phát triển mà chỉ tạo điều kiện cho các nước xếp hạng và phân chia bình thường”, ông Nguyễn Hồng Minh – nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao nêu quan điểm.