Hậu Giang: Từ nỗ lực đến thành quả, hướng đến tỉnh khá vào năm 2025

Năm 2022 được xác định là giai đoạn phục hồi sau thời gian dài Hậu Giang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của các cấp chính quyền và nhân dân, tỉnh đã đạt những thành quả rất tích cực.

Hậu Giang – nằm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi sở hữu vùng nguyên liệu nông, thủy sản lớn nhất của cả nước – là trung tâm kết nối giao thông, vận tải thủy bộ, thương mại, dịch vụ, logistics của vùng Nam Sông Hậu thông qua các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 61, Quốc lộ 61B, Quốc lộ 61C, Quản Lộ – Phụng Hiệp, Quốc lộ Nam Sông Hậu, tuyến giao thông Bốn Tổng – Một Ngàn.

Tỉnh cũng sở hữu hệ thống giao thông đường thủy thuận tiện (qua địa bàn tỉnh có tuyến Sông Hậu, đây là tuyến vận tải thủy quốc tế và quốc gia, là nhánh chính của sông Mekong; tuyến Kênh Xà No, Kênh Quản lộ – Phụng Hiệp, Sông Cái Tư… nằm trên tuyến vận tải thủy quốc gia TP. Hồ Chí Minh – Cà Mau) góp phần kết nối giao thông thông suốt.

Tượng đài Chiến Thắng - tỉnh Hậu Giang nhìn từ trên cao.
Tượng đài Chiến Thắng, tỉnh Hậu Giang nhìn từ trên cao. (Nguồn: Sở VH, TT và DL Hậu Giang)

Đặc biệt, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận nối với Cà Mau và tuyến An Giang – Cần Thơ – Sóc Trăng đi qua Hậu Giang đều được kỳ vọng hoàn thành đúng tiến độ. Trong đó, tuyến cao tốc qua Kinh Cùng được hoàn thành trong giai đoạn từ 2030 – 2035.

Hậu Giang hiện có hai khu công nghiệp và tám cụm công nghiệp tập trung, với tổng diện tích 1.269 ha. Trong đó, hai khu công nghiệp đã được lấp đầy khoảng 80%, tám cụm công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy trên 60%.

Từ tiềm năng và nỗ lực đến thành quả

Năm 2022 được xác định là giai đoạn phục hồi sau thời gian dài Hậu Giang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang đã tăng hơn 14% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp tăng trưởng đột phá 38,78%, tăng gần 10%, GRDP bình quân đầu người đạt 65,41 triệu đồng/người (kế hoạch 60,26 triệu đồng), tăng 19,45% so cùng kỳ, vượt 8,55% kế hoạch; thu ngân sách đạt khả quan 5.976 tỉ đồng, tăng 20,49% so với cùng kỳ, vượt 24,5% kế hoạch.

5 năm liên tiếp, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Hậu Giang ghi nhận tăng điểm, trong đó chỉ số tiếp cận đất đai đứng thứ 5 cả nước dẫn đầu đồng bằng sông Cửu Long.

Đặc biệt, Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang được tổ chức thành công vào tháng 7/2022 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, tạo ra nhiều tiền đề, cơ hội trong thu hút đầu tư của tỉnh, thu hút 35 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn là 8.000 tỉ đồng, tăng 1.637 tỉ đồng so với cùng kỳ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang vào tháng 7/2022.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang vào tháng 7/2022. (Nguồn: VGP News)

Đến nay, nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đã đến đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh tại Hậu Giang. Một số doanh nghiệp có thể kể đến như Tập đoàn chế biến thủy sản xuất khẩu Minh Phú, Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Masan Group, Vingroup, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu…

Kết quả này đạt được nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của lãnh đạo địa phương trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến với Hậu Giang. Mặc dù là địa phương mới chia tách, xuất phát điểm thấp, song Hậu Giang lại nằm ở vị trí trung tâm vùng, có thế mạnh về nguồn nguyên liệu nông thuỷ sản, cùng với đó là điều kiện thuận lợi về giao thông, sân bay, cảng biển và lực lượng lao động dồi dào.

Hậu Giang có mức ưu đãi đầu tư có thể nói là cao nhất trong vùng, với các chính sách miễn và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn, giảm tiền thuê đất, thuế suất, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật…

Quan trọng hơn, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng như các cấp, các ngành đã thay đổi kiểu tư duy “quản lý” sang tư duy “hỗ trợ”, thay đổi phương thức làm việc và tiếp cận doanh nghiệp, nhà đầu tư để có giải pháp hiệu quả nhất. Theo đó, bốn nỗ lực chính Hậu Giang đã thực hiện gồm:

Thứ nhất, tập trung tổ chức rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thành lập trung tâm phục vụ hành chính công, áp dụng nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; công khai, minh bạch danh mục các dự án thu hút đầu tư; tiếp cận đất đai rất dễ dàng…

Thứ hai, Hậu Giang là một trong các tỉnh trong vùng đi đầu trong việc đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị, thành phố (DDCI); lập các tổ chuyên môn giải quyết và hỗ trợ các vấn đề liên quan đến xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa…

Thứ ba, đưa ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư với đãi ngộ theo hướng: nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định.

Thứ tư, tổ chức các buổi đối thoại doanh nghiệp để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, từ đó có hướng giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân.

Định hướng tỉnh khá vào năm 2025

Trong thời gian tới, tỉnh Hậu Giang quyết tâm thực hiện ba nhiệm vụ đột phá nhằm phát triển kinh tế – xã hội nói chung và thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nhằm định hướng xây dựng quy hoạch phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030 theo các trục: “1 tâm, 2 tuyến, 3 thành, 4 trụ, 5 nhiệm vụ trọng tâm”.

Đây sẽ là những tiền đề, định hướng đột phá để địa phương phấn đấu nỗ lực, tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi cơ cấu tích cực, tranh thủ các ngoại lực, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 là 7 – 7,5%/năm, hướng đến đạt tỉnh khá vào năm 2025.

Bên cạnh đó, Hậu Giang đặt mục tiêu đa dạng hóa, gia tăng nhanh bền vững nguồn thu ngân sách địa phương để tăng nguồn lực đầu tư phát triển. Tỉnh phấn đấu tăng thu nội địa tối thiểu 1.000 tỉ đồng hàng năm và giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2022, qua đó nằm trong nhóm 3 tỉnh, thành phố có các chỉ số về môi trường cạnh tranh tốt nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan các gian hàng OCOP tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan các gian hàng OCOP tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang. (Nguồn: VGP News)

Đồng thời, Hậu Giang có kế hoạch đầu tư 10 công trình trọng điểm về đường bộ, với tổng kinh phí hơn 10.700 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) các dự án giao thông đi qua đô thị, có khả năng khai thác quỹ đất, với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.

Để đạt những mục tiêu trên, tỉnh chủ trương công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách của địa phương, đặc biệt là hệ thống cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng ưu đãi, cạnh tranh, dễ tiếp cận, chi phí thấp.

Tỉnh cũng chú trọng đến chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế – xã hội; xây dựng bộ máy chính quyền từ tỉnh tới cơ sở tinh gọn, hoạt động minh bạch, hiệu lực, hiệu quả với phương châm kiến tạo, đồng hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Nguồn tin: Baoquocte.vn

Trả lời