Mỗi một lần kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng 21/6 là một lần mỗi người làm báo nhìn lại hành trình làm báo của mình trong một năm. Đây chính là dịp để tri ân những nhà báo lão thành và cũng là dịp để những cây bút trẻ nhìn lại những đóng góp của mình cho nền báo chí cách mạng nước nhà.
Báo chí Cách mạng nước ta đã đi qua 98 năm với rất nhiều dấu mốc quan trọng và chuẩn bị hướng đến dấu mốc 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam vào năm 2025. Báo chí đã và đang ghi lại tất cả những sự việc có trong cuộc sống hằng ngày cũng như những sự kiện quan trọng của đất nước. Góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển xây dựng đất nước.
Đằng sau sự phát triển của những mặt báo chính là sự cống hiến và hi sinh thầm lặng của những người làm báo. Không quản ngại khó khăn vất vả để đưa đến cho bạn đọc những thông tin chính xác, nhanh chóng và tin cậy nhất. Chính vì thế mà hàng năm luôn có những giải báo chí để khích lệ tinh thần của người làm báo. Lớn nhất trong năm đó chính là giải Báo chí Quốc gia, giải Diên Hồng và nhiều cuộc thi khác do các cơ quan báo tự tổ chức.
Những cuộc thi không những khích lệ tinh thần của những người tham dự mà nó còn là động lực để cho những cây bút trẻ có động lực để noi theo. Bởi mỗi tác phẩm đều phản ánh chất thực những sự kiện lớn, những vấn đề quan trọng của đất nước theo những cách nhìn khác nhau. Nhưng vẫn luôn đảm bảo được câu nói nổi tiếng của cố nhà báo Hữu Thọ khi nói về nghề báo cao quý “Mắt sáng – Lòng trong – Bút sắc”.
Tuy nhiên, trong thời đại số hiện nay thì yêu cầu dành cho những người làm báo càng khắt khe hơn. Bởi trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay thì không chỉ tìm kiếm thông tin mà việc sàng lọc và kiểm chứng thông tin càng phải cẩn thận hơn. Đặc biệt với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng mạng xã hội mới với nhiều thông tin chưa được kiểm chứng. Yêu cầu đặt ra cho mỗi người làm báo phải thực sự tỉnh táo trong việc đưa tin để từ đó mới có thể giữ vững được niềm tin trong lòng độc giả.
Ngoài ra trong bối cảnh tình hình thế giới liên tục có những biến động nhanh, khó lường, phức tạp, tác động lớn trên quy mô toàn cầu thì ngoài sự bám sát chỉ đạo của Đảng và Nhà nước thì trách nhiệm của mỗi người làm báo càng phải nâng cao hơn nữa. Nhiều cơ quan báo chí cũng đã đổi mới phương thức làm báo, đặc biệt là việc đưa tin lên các nền tảng truyền thông khác nhau để tăng khả năng tiếp cận với công chúng, từng bước thực hiện chuyển đổi số báo chí.
Bên cạnh những tấm gương tiêu biểu với phẩm chất đạo đức trong sáng, giàu tinh thần cống hiến, không ngại khó khăn, luôn nổ lực để tìm ra những tin tức có lợi cho đất nước và nhân dân thì cũng có những hành vi tiêu cực, đáng lo ngại trong tập thể những người làm báo. Đó là việc đưa thông tin sai sự thật, thổi phồng, bóp méo sự thật theo những mục đích không trong sáng.
Để không làm mất niềm tin của công chúng vào báo chí cũng là một cách để nhắc nhở trách nhiệm của những người làm báo thì trên cơ sở thực hiện Luật Báo chí năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Không chỉ yêu cầu khắt khe với những người làm báo, mà mỗi độc giả cũng cần phải là một người đọc văn minh. Chung sức cùng đội ngũ làm báo xây dựng một môi trường thông tin lạnh mạnh để thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ xã hội.
|
Nguồn tin: Mỗi lần kỷ niệm là một lần nhìn lại (suckhoemoitruong.com.vn)