Phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng có sức cầu thị trường khiêm tốn, Hà Nội xem xét điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hồi đất, những lưu ý khi dùng sổ đỏ của người khác đi thế chấp … là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Bất động sản mới nhất: Nguồn cung condotel trên cả nước trong tháng 8/2023 ghi nhận sụt giảm hơn 75% so với tháng trước và giảm hơn 77% so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh minh họa – Nguồn: Condotelnhatrang.com.vn) |
Cả miền Trung không có căn condotel bán mới
Báo cáo thị trường BĐS mới đây của công ty DKRA cho thấy, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse nghỉ dưỡng và căn hộ khách sạn (condotel) mới tiếp tục giảm mạnh so với quý II/2022. Nguyên nhân khiến nguồn cung liên tục giảm mạnh là trong bối cảnh trầm lắng như hiện nay, các chủ đầu tư thận trọng hơn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường.
Cụ thể, trong tháng 8/2023, phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng có sức cầu thị trường khiêm tốn, lượng tiêu thụ chỉ bằng 15% so với cùng kỳ. Phần lớn giao dịch trong tháng tập trung chủ yếu ở những sản phẩm có mức giá dưới 10 tỷ đồng/căn.
Đối với shophouse nghỉ dưỡng, trong tháng 8, nguồn cung mới tiếp tục xu hướng giảm, xấp xỉ 99% so với cùng kỳ và tập trung cục bộ tại khu vực miền Nam. Riêng miền Bắc và miền Trung vẫn vắng bóng dự án mở bán mới.
Sức cầu thị trường shophouse nghỉ dưỡng ở mức rất thấp, lượng tiêu thụ còn hạn chế bằng 1% so với cùng kỳ năm 2022. Giá bán sơ cấp không có nhiều biến động rõ nét.
Đáng chú ý, nguồn cung condotel trên cả nước trong tháng 8 vừa qua ghi nhận sụt giảm hơn 75% so với tháng trước và giảm hơn 77% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 8, nguồn cung mới chỉ ghi nhận 100 căn, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam (87 căn) và miền Bắc (13 căn). Riêng miền Trung tiếp tục không ghi nhận nguồn cung mở bán mới.
Sức cầu thị trường vẫn còn khá thấp, chỉ có 17 căn tiêu thụ mới trong tháng 8, tương đương 14% so với cùng kỳ năm 2022.
Giá bán sơ cấp của phân khúc condotel không có nhiều biến động so với tháng trước và vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao do chi phí vốn hiện nay vẫn khá cao. Cụ thể, ở miền Nam, giá bán dao động 55,5-81,7 triệu đồng/m2, trong khi đó ở miền Bắc giá nằm trong khoảng 35,5-44,2 triệu đồng/m2.
Trước đó, theo số liệu từ Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), trong quý II năm nay, các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp (giá trên 10 tỷ đồng) gần như không ghi nhận giao dịch, phải cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm cắt lỗ của nhà đầu tư mua trước đó. Lượng giao dịch chủ yếu từ các sản phẩm nghỉ dưỡng có pháp lý đầy đủ, có giá dưới 40 triệu đồng/m2.
Tại báo cáo thị trường BĐS của Bộ Xây dựng, trong quý II/2023, mặc dù cũng có những tín hiệu tích cực về cơ chế chính sách, lãi suất ngân hàng trong xu hướng giảm, tuy nhiên, lượng tồn kho được đánh giá tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc BĐS nhà ở riêng lẻ, đất nền của các dự án và căn hộ nghỉ dưỡng. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm nay, phân khúc BĐS du lịch có 08 dự án được hoàn thành, đưa ra thị trường 3.385 sản phẩm nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú, tăng trên 133% so với quý IV/2022.
Bộ Xây dựng nhận định, giá bán BĐS nghỉ dưỡng tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên, mức độ giảm không nhiều như thời điểm cuối năm trước do các chi phí vốn hiện nay vẫn ở mức cao, nhưng thanh khoản thị trường trầm lắng, gần như không ghi nhận phát sinh giao dịch.
Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch khu đô thị hơn 2.200ha
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 đô thị Kim Long, huyện Châu Đức đến năm 2030. Đô thị Kim Long gồm toàn bộ địa giới hành chính đô thị Kim Long, huyện Châu Đức, giáp xã Xà Bang, Bàu Chinh, Quảng Thành, Láng Lớn và xã Xà Bang.
Quy hoạch chung đô thị Kim Long có tổng diện tích gần 2.212ha, tính chất là trung tâm kinh tế, văn hóa, thương mại, dịch vụ nông lâm nghiệp và du lịch cấp tiểu vùng liên xã phía Bắc của huyện Châu Đức. Dự báo đến năm 2025, dân số khoảng 16.500-17.000 người; đến năm 2030, dân số khoảng 19.500-20.000 người.
Dự báo đến năm 2025, đất xây dựng đô thị khoảng 368ha, trong đó đất dân dụng khoảng 170ha, đất ngoài dân dụng khoảng 198ha. Dự báo đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khoảng 438ha, trong đó đất dân dụng khoảng 211ha.
Đô thị Kim Long được định hướng phát triển hình thành 4 phân khu. Trong đó, phân khu đô thị số 1 (khoảng 600ha) nằm dọc 2 bên đường Trung tâm Kim Long và Quốc lộ 56. Đây là khu trung tâm của đô thị, bao gồm các công trình hành chính, giáo dục, y tế, thương mại dịch vụ, khu phát triển hỗn hợp, nhà ở mật độ cao kết hợp Khu dân cư – tái định cư Kim Long, khu du lịch hồ Tầm Bó và khu vực bảo tồn cảnh quan thiên nhiên (núi Hậu Cần, núi Gà Bươi).
Phân khu đô thị số 2 (khoảng 224ha) ở phía bắc đô thị. Đây là khu vực cải tạo, chỉnh trang khu dân cư hiện hữu dọc theo Quốc lộ 56; phát triển du lịch tâm linh gắn liền với Khu di tích địa đạo Kim Long.
Phân khu đô thị số 3 (khoảng 472ha) là khu vực chính giữa đô thị, nằm dọc theo đường Kim Long – Láng Lớn và đường Ngãi Giao – Cù Bị. Nơi đây chủ yếu là khu dân cư hiện hữu kết hợp sản xuất nông nghiệp, gắn liền với các công trình giáo dục, thể dục thể thao, đồng thời phát triển khu du lịch Lòng Chảo Kim Long.
Phân khu đô thị số 4 (khoảng 916ha) là không gian phát triển sản xuất nông nghiệp, gắn với việc bảo vệ lưu vực và lòng hồ Kim Long (là hồ cấp nước cho toàn bộ đô thị Kim Long).
Ngoài quy định về tầng cao chung cho từng khu vực, quy hoạch còn có một số công trình điểm nhấn của đô thị. Trong đó, các điểm nhấn tự nhiên bao gồm bảo vệ cảnh quan địa hình địa mạo tự nhiên đặc trưng của đô thị như: Hồ Tầm Bó, hồ Kim Long, núi Hậu Cần, núi Gà Bươi, khu vực đồng ruộng tại khu Lòng Chảo Kim Long.
Các điểm nhấn nhân tạo gồm một số vị trí được cho phép xây dựng công trình cao tầng tạo điểm nhấn đô thị như: Trung tâm thương mại, khu vực dọc trục đường Trung tâm Kim Long, Khu dân cư – tái định cư Kim Long; một số công trình điểm nhấn mang tính văn hóa với lịch sử (khu địa đạo Kim Long, khu vực Lòng Chảo Kim Long) hình thành và tạo đặc trưng của đô thị…
Hà Nội: Xem xét điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất
Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 798/TB-UBND, kết luận của UBND Thành phố tại cuộc họp xem xét việc điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất; danh mục dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2023 trên địa bàn thành phố.
Trước đó, ngày 29/8/2023, tại trụ sở UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đã chủ trì phiên họp UBND Thành phố tháng 8/2023 để xem xét việc thông qua danh mục các dự án thu hồi đất năm 2023; dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2023 trên địa bàn thành phố.
Căn cứ nội dung cuộc họp, UBND Thành phố đã biểu quyết, thống nhất thông qua tiêu chí lựa chọn, cập nhật danh mục bổ sung các dự án thu hồi đất; danh mục dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2023 trên địa bàn Thành phố Hà Nội trình HĐND Thành phố tại Kỳ họp chuyên đề tháng 9/2023 theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường.
UBND Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp, kiểm tra, rà soát kỹ lại danh mục, dự án cụ thể, bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Đất đai và các nghị định hướng dẫn thi hành, tiêu chí lựa chọn, tính khả thi trong thực hiện.
Đối với các dự án thu hồi đất, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, cập nhật bổ sung đầy đủ thông tin về tiến độ thực hiện, nguồn vốn, căn cứ pháp lý của các dự án sử dụng vốn ngân sách bảo đảm điều kiện theo quy định; cập nhật đầy đủ về tình hình thực tế triển khai và các căn cứ pháp lý của dự án Khu nhà ở Tây Mỗ tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm; phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan rà soát, cập nhật đầy đủ các dự án thu hồi đất đủ điều kiện trình HĐND Thành phố tại Kỳ họp tháng 9/2023 (đặc biệt là các trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án).
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng UBND huyện Gia Lâm và đơn vị có liên quan hoàn thiện, bổ sung đầy đủ hồ sơ trình HĐND Thành phố chấp thuận, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa đối với dự án Cụm công nghiệp Đình Xuyên tại xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm theo đúng quy định. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan giải trình, cung cấp, bổ sung các hồ sơ liên quan (nếu được yêu cầu) phục vụ công tác thẩm tra của các ban thuộc HĐND thành phố về nội dung nêu trên.
Những lưu ý khi dùng sổ đỏ của người khác đi thế chấp
Trong cuộc sống vẫn có xảy ra trường hợp lấy sổ đỏ của người khác đi thế chấp. Tuy nhiên, nếu một người cố ý lấy sổ đỏ của người khác để cầm cố, thế chấp quyền sử dụng đất của người khác trái phép thì có thể bị phạt tiền hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Để việc lấy sổ đỏ của người khác đi thế chấp hợp pháp thì người vay phải được sự đồng ý của bên thế chấp và chính bên thế chấp phải thực hiện ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất với ngân hàng. (Ảnh: Hà Phong) |
Quy định này được nêu tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 07/2019/TT-BTP. Theo đó, việc đăng ký thế chấp cũng được thực hiện trong trường hợp thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của bên thế chấp, đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự của người khác hoặc của cả bên thế chấp và của người khác.
Có thể hiểu, bên thế chấp sử dụng quyền sử dụng đất của mình để đăng ký thế chấp tại ngân hàng nhằm bảo đảm cho nghĩa vụ vay tiền của người khác.
Tuy nhiên, để việc lấy sổ đỏ của người khác đi thế chấp hợp pháp thì người vay phải được sự đồng ý của bên thế chấp và chính bên thế chấp phải thực hiện ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất với ngân hàng.
Căn cứ tại Điều 500 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, hợp đồng về quyền sử dụng đất trong đó có hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất là sự thoả thuận của các bên.
Tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Dân sự quy định, thế chấp tài sản là việc bên thế chấp dùng tài sản của mình để đảm bảo cho thực hiện nghĩa vụ mà không nói rõ, nghĩa vụ này phải là của bên thế chấp hay của người khác.
Do đó, hoàn toàn có thể lấy sổ đỏ của người khác đi thế chấp nếu việc lấy sổ đỏ này đã được chủ sở hữu của quyền sử dụng đất công nhận trên sổ đỏ đồng ý và đồng ý ký vào hợp đồng thế chấp với bên thứ ba.