Forbes: 6 tỷ phú Việt Nam sở hữu gần 17 tỷ USD
Dẫn đầu danh sách là chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng xếp vị trí 344 với 7,3 tỷ USD. Đây là năm thứ 9 liên tiếp ông Vượng có tên trong top người giàu của Forbes. Năm ngoái, doanh nhân này xếp hạng 286 với tài sản 5,6 tỷ USD.
Đứng thứ 2 và thứ 3 lần lượt là CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo (2,8 tỷ USD) và Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long (2,2 tỷ USD).
Tỷ phú giàu nhất Việt Nam |
Ba tỷ phú còn lại của Việt Nam là Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh (1,6 tỷ USD), Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương (1,6 tỷ USD) và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang (1,2 tỷ USD).
Trong số 6 tỷ phú của Việt Nam, có 4 người lập nghiệp tại Đông Âu gồm ông Vượng, bà Thảo, ông Quang và ông Hùng Anh. Chỉ duy nhất tỷ phú Trần Bá Dương là chưa đưa doanh nghiệp chủ chốt của mình lên sàn.
Tổng tài sản của 6 người này đạt gần 17 USD, với độ tuổi trung bình là 55 (56 tuổi nếu tính theo thông lệ của Việt Nam).
Chủ tịch FPT “khoe” công ty tạo ra 200 triệu phú đô la khi lên sàn
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã cho biết “chúng tôi tự hào có 200 triệu phú đô la khi đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán, nhân viên có được cuộc sống ấm no, lái xe công ty cũng có thể cho con đi du học…phần lớn lãnh đạo các công ty công nghệ tại VN xuất thân từ FPT”.
Ông Trương Gia Bình cho hay, ngay từ những ngày đầu FPT liên tục nói về con người. Ngay từ đầu FPT đã mong muốn những người tài năng đến FPT và phát huy tài năng của mình. FPT đã đo đóng góp của cán bộ nhân viên và ESOP được thực hiện trên cơ sở đo đóng góp đó. Hai năm gần đây triển khai lương khoán, theo nguyên tắc làm nhiều trả nhiều và trả sớm. Khoán đang là động lực quan trọng.
Ông Trương Gia Bình |
Trong năm 2020, Tập đoàn đã thành công trong việc thu hút đội ngũ các tiến sỹ, kỹ sư công nghệ đầu ngành trong các mảng AI, Cloud trên toàn cầu, góp phần tạo giá trị gia tăng cho các dự án trong dài hạn. Đồng thời, Tập đoàn không ngừng bổ sung và luân chuyển đội ngũ lãnh đạo nhằm dẫn dắt Tập đoàn vượt qua khó khăn, duy trì tăng trưởng.
Năm 2021, FPT đặt kế hoạch tăng trưởng bền vững với doanh thu tăng 16,4% và lợi nhuận trước thuế tăng 18%, đồng thời tiếp tục đảm bảo tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt ở mức 20%, trong bối cảnh Covid-19 chưa hoàn toàn được kiểm soát. Tập đoàn cũng xác định khối Công nghệ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính với hướng đi mũi nhọn là dịch vụ chuyển đổi số và nhóm sản phẩm, giải pháp Made by FPT.
Đại gia Việt tính gom về tỷ USD
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam – Techcombank (TCB) của tỷ phú USD Hồ Hùng Anh vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 với một kế hoạch lợi nhuận đầy tham vọng: thu về khoảng 20.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm nay, tăng 25% so với năm trước.
Nếu thành công, Techcombank của tỷ phú USD Hồ Hùng Anh là ngân hàng tiếp theo và là ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đầu tiên có thể chạm ngưỡng lợi nhuận tỷ USD trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.
Techcombank đặt ra kế hoạch lợi nhuận cao nhất trong lịch sử dựa trên mục tiêu nợ tín dụng tăng 12% và kế hoạch huy động vốn tăng 14,7%.
Mặc dù lợi nhuận đạt mức cao trong năm 2020, Techcombank dự kiến tiếp tục trình cổ đông kế hoạch không chia cổ tức cho dù tính tới cuối 2020 lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đã lên tới hơn 26,7 nghìn tỷ đồng.
Lãnh đạo Techcombank trình cổ đông kế hoạch duy trì nguồn tiền dưới hình thức lợi nhuận không chia để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, ngân hàng tính phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động (ESOP). Ngân hàng này dự kiến phát hành 6 triệu cổ phiếu ESOP, giá bán 10.000 đồng/cổ phiếu và bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Tháng 11/2020 trước đó, TCB cũng đã phát hành hơn 4,76 triệu cổ phiếu cũng theo chương trình ESOP cho nhân viên.
Công ty Shark Hưng mục tiêu 1 tỷ USD
Tại ĐHĐCĐ của Cen Land, ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch HĐQT Cen Land cho biết năm nay công ty có nhiều tín hiệu tích cực từ đầu năm, nên HĐQT đề xuất điều chỉnh tăng chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh. Đơn cử như việc chi nhánh Sài Gòn của công ty sẽ khởi động bán dự án cho Vingroup.
“Dù bán các dự án cho đối tác lớn như Vinhomes hay Novaland…. hoa hồng cố định 3%, thấp hơn các chủ đầu tư khác nhưng công ty vẫn tham gia nhằm mục đích nâng vị thế, đưa thương hiệu Cen Land tiếp cận các phân khúc khách hàng cao cấp. Lợi nhuận của Cen Land, sẽ chủ yếu đến từ các dự án độc quyền, các dự án ít tiếng tăm.”, ông Vũ cho biết.
Cũng theo Chủ tịch HĐQT Cen Land, sang năm 2022 doanh thu thuần có thể đạt 8.500 đến 10.000 tỷ đồng. Riêng doanh thu môi giới trên 2.000 tỷ đồng. Cen Land đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2022 sẽ là nhà phân phối BĐS lớn nhất của Vinhomes với doanh thu có thể lê 1 tỷ USD.
Ngay tại đại hội tờ trình về mục tiêu về doanh thu và lợi nhuận đã được điều chỉnh với kế hoạch doanh thu thuần 5.000 tỷ đồng, tăng 136% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đặt mục tiêu tăng 36%, đạt 408 tỷ đồng.
Ông Đặng Thành Tâm: “Ai mà bỏ KBC sau này ân hận”
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT KBC mở đầu chương trình cho biết “chưa bao giờ KBC vui như ngày hôm nay nhưng những ngày sau còn vui hơn nữa”.
“Sau một thời gian rất dài và rất xa, KBC đã trở lại chính mình, cổ đông sắp tới còn vui hơn nữa. Năm này GDP Việt Nam tăng trưởng rất mạnh, chưa bao giờ KBC được chào đón như hôm nay, các tỉnh mời chào chứ mình không phải đi xin nữa, đất rất nhiều, ai mà bỏ KBC sau này ân hận”, ông Đặng Thành Tâm tuyên bố khai mạc đại hội.
Năm 2021, Kinh Bắc đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 6.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.000 tỷ đồng, lần lượt gấp 3 lần và 6,25 lần thực hiện năm 2020.
Đại gia Đặng Thành Tâm |
Công ty cho biết sẽ tăng tốc đầu tư hạ tầng các dự án KCN Quang Châu, KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Tân Phú Trung, KCN Tràng Duệ 3, KĐT mới Phúc Ninh, KĐT Tràng Duệ, KĐT Tràng Cát.
Năm 2021, KBC trình đại hội cổ đông kế hoạch tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu tính đến 31/12/2020 và phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Phương án cụ thể chưa được công bố.
Shark Linh nói về đầu tư chứng khoán
Lời khuyên của Shark Thái Vân Linh là ngay khi bạn có khoản thu nhập đầu tiên. Số vốn của bạn không nhất thiết phải quá lớn như đầu tư vào bất động sản mà ngược lại, có thể lựa chọn những kênh đầu tư không đòi hỏi nhiều vốn ban đầu.
“Nếu bạn có thu nhập 10 triệu và bạn có thể dành 5-10% thu nhập để đầu tư, nghĩa là năm trăm nghìn đến 1 triệu đồng mỗi tháng thì bạn có thể đầu tư số tiền đó vào chứng khoán hoặc một sản phẩm tương tự”.
Shark Linh cho biết chị bắt đầu đầu tư chứng khoán vào năm 3 đại học với chỉ vài trăm USD. Theo lý thuyết, mọi người truyền tai nhau rằng cứ mua khi giá xuống và bán ra lúc giá lên. Shark Linh làm theo nhưng vẫn bị lỗ rất nhiều. Bởi theo lý giải của chị, ngay cả những chuyên gia nắm trong tay các công cụ phân tích thị trường còn không rõ thị trường lên xuống thế nào, thì một sinh viên đại học vừa học vừa làm lại càng không thể.
“Bài học đầu tiên Linh rút ra là hãy chọn một cổ phiếu mà bạn đã tìm hiểu kĩ về nó, đầu tư liên tục trong một khoảng thời gian dài từ 6-12 tháng bất kể mức giá ngoài thị trường trong ngắn hạn biến động như thế nào. Việc phân nhỏ số vốn theo chu kỳ nhất định sẽ đảm bảo nguồn vốn nằm ở mức trung bình và giúp hạn chế tối đa tình trạng lỗ”, Shark Linh chia sẻ.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/doanh-nhan/6-ty-phu-viet-nam-so-huu-gan-17-ty-usd-726728.html