BỆNH VIỆN LÊ VĂN VIỆT: GIÁO DỤC SỨC KHỎE CHUYÊN SÂU DÀNH CHO BỆNH NHÂN TIỂU ĐƯỜNG

BỆNH VIỆN LÊ VĂN VIỆT: GIÁO DỤC SỨC KHỎE CHUYÊN SÂU DÀNH CHO BỆNH NHÂN TIỂU ĐƯỜNG HIỂU BIẾT VỀ MỤC TIÊU ABC

Bệnh tiểu đường là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại nước ta. Thực tế, tỷ lệ người mắc đái tháo đường có xu hướng tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa.

Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong do bệnh tật đứng thứ ba tại nước ta, sau bệnh tim mạch và ung thư.

Trong 10 năm qua, bệnh đái tháo đường đã có mức gia tăng nhanh: từ 2,7% dân số năm 2002, lên 5,4% năm 2012, 7,06% năm 2021 trong độ tuổi điều tra 18 – 69. Thống kê cho thấy hơn 55% bệnh nhân đái tháo đường tại Việt Nam có biến chứng:

o     34% là biến chứng về tim mạch

o     39,5% có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh

o     24% biến chứng về thận

Cứ 10 ca đái tháo đường thì có 6 ca biến chứng tại mắt, đặc biệt là bệnh võng mạc do đái tháo đường khoảng từ 20% đến 35% người mắc.

Kiểm soát tốt glucose máu càng sớm càng giảm được các biến chứng mạch máu, trước hết là biến chứng vi mạch. Bệnh nhân đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát đái tháo đường.

Bước đầu tiên quan trọng để người bệnh kiểm soát đường huyết là phải có kiến thức hiểu biết đúng về tiếp cận chăm sóc bệnh tiểu đường.

Chính vì thế, chúng tôi tiến hành buổi chia sẻ kiến thức chuyên sâu dành cho bệnh nhân tiểu đường với chủ đề: Hiểu biết về mục tiêu ABC trong kiểm soát bệnh tiểu đường. Đây là hoạt động thường xuyên tại bệnh viện Lê Văn Việt của câu lạc bộ bệnh nhân tiểu đường với nhiều chủ đề khác nhau.

Tại buổi sinh hoạt tháng, chúng tôi mời gần 20 bệnh nhân tiểu đường với các vấn đề sức khỏe khác nhau nhằm giúp bệnh nhân có kiến thức chuyên sâu để chăm sóc bệnh tiểu đường tốt hơn. Trong buổi sinh hoạt, Ths.Bs. Châu Hoàng Sinh nhấn mạnh vai trò của mỗi bệnh nhân trong kiểm soát bệnh tiểu đường của họ. Cũng trong buổi sinh hoạt, BS chia sẻ cho bệnh nhân một nội dung quan trọng, đó là : Hiểu biết mục tiêu ABC của bệnh tiểu đường

a-Chữ A là HbA1C.

HbA1C là xét nghiệm máu đo mức đường huyết trung bình trong ba tháng qua của bạn. Xét nghiệm này khác với kiểm tra đường huyết mà bạn làm mỗi ngày.

Tại sao xét nghiệm đó lại quan trọng?

Cho đến thường điểm hiện tại, HbA1C là xét nghiệm đánh giá mức độ kiểm soát đường huyết của bệnh nhân và ảnh hưởng biến chứng trên bệnh nhân tiểu đường.

Mục tiêu A1C là gì?

Mục tiêu A1C cho nhiều người mắc bệnh tiểu đường là dưới 7%. Mục tiêu này có thể khác đối với từng bệnh nhân. Hỏi bác sĩ điều trị xem mục tiêu mình là bao nhiêu.

b-Chữ B là huyết áp (Blood pressure).

Huyết áp là lực ép của máu lên thành mạch máu.

Tại sao xét nghiệm đó lại quan trọng?

Nếu huyết áp của bạn quá cao thì điều này sẽ làm cho tim hoạt động nặng nề. Điều đó có thể gây đau tim, đột quỵ và làm hại đến thận và mắt của bạn.

Mục tiêu huyết áp là bao nhiêu?

Mục tiêu huyết áp đối với đa số mọi người là dưới 130/80 mmHg. Mục tiêu này có thể khác đối với từng bệnh nhân. Hỏi bác sĩ điều trị xem mục tiêu mình là bao nhiêu.

c-C là Cholesterol.

Có hai loại cholesterol trong máu: LDL và HDL.

LDL hay cholesterol “xấu” có thể tích tụ và làm tắc mạch máu. Loại này có thể gây đau tim hoặc đột quỵ.

HDL hay cholesterol “tốt” giúp loại bỏ cholesterol “xấu” ra khỏi mạch máu.

Mục tiêu LDL và HDL là gì?

Hỏi xem các số đo cholesterol của bạn nên là bao nhiêu. Mục tiêu của bạn có thể khác so với những người khác. Nếu trên 40 tuổi, bạn cần dùng thuốc statin để tim được khỏe mạnh.

Một trong những vấn đề bệnh nhân quan tâm là làm cách nào để đạt được các mục tiêu trên. Chia sẻ từ Bác sĩ Sinh, ăn kiêng đúng cách, tập thể dục đều đặn và sử dụng thuốc phù hợp là biện pháp quan trọng nhất để giúp bệnh nhân kiểm soát được các mục tiêu ở trên. Trong đó, dinh dưỡng là quan trọng nhất. Bác sĩ nhấn mạnh việc sử dụng phương pháp đĩa thức ăn cho bệnh nhân được sử dụng rộng rãi và khuyến cáo từ nhiều hiệp hội đái tháo đường tại Việt Nam và trên thế giới.

Cuối buổi, mỗi bệnh nhân được tặng 1 máy đo đường huyết. Đây là phương tiện quan trọng giúp bệnh nhân tự theo dõi đường huyết tại nhà. Giúp bệnh nhân biết được để điều chỉnh đường huyết tốt hơn. Và khi đi khám bệnh, bệnh nhân cung cấp kết quả sẽ giúp bác sĩ có cái nhìn đầy đủ hơn tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và khả năng đáp ứng điều trị.

Với những nỗ lực của mình, tập thể y bác sĩ tại bệnh viện Lê Văn Việt cố gắng duy trì hoạt động mỗi tháng, nhằm giúp đỡ nhiều bệnh nhân tiểu đường có kiến thức tốt hơn để chăm sóc bản thân.

Trả lời