Đất nền ven đô Hà Nội trong cơn “bão giá”

Đất nền ven đô Hà Nội trong cơn bão giá; năm 2021 cần hãm giá nhà tăng, TP.HCM sẽ xóa nhà siêu mỏng, siêu méo… là những tin bất động sản mới nhất.
(Nguồn: Vietnamplus)
Đất nền ven đô trong cơn bão giá; năm 2021 cần hãm giá nhà tăng,… là những tin bất động sản mới nhất. (Nguồn: Vietnamplus)

Đất nền ven đô trong cơn bão giá

Tổng kết năm 2020, Bộ Xây dựng cho biết, giá nhà ở riêng lẻ, đất nền có xu hướng tăng so với năm 2019. Tuy nhiên, biên độ tăng giá rất khác nhau giữa các địa phương cũng như tại từng khu vực cụ thể của mỗi địa phương.

Nếu tính theo mức giá bình quân trên địa bàn cấp tỉnh/thành phố hoặc cấp huyện thì mức độ tăng giá nhà ở riêng lẻ, đất nền tại các địa phương chỉ khoảng 3-5%. Song Bộ Xây dựng cho biết, một số địa phương có hiện tượng tăng giá cục bộ tại một số dự án, khu vực với mức tăng mạnh.

Cụ thể tại Hà Nội, theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường thì một số khu vực đất đai người dân quản lý trong làng xã các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức có mức giá 25 – 30 triệu đồng/m², tăng 50% so với năm 2019.

Tại TPHCM, kể từ sau thông tin thành phố này sẽ sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành một thành phố mới, giá nhà đất ở các quận này liên tục tăng nhiều đợt.

Ví dụ trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng… ở quận 9, vị trí đất mặt đường đã lên tới 100 triệu đồng/m²; tại phường Trường Thọ Quận Thủ Đức, giá đất trước đây chỉ khoảng 40 – 50 triệu đồng/m² đã tăng lên tới 70 – 90 triệu đồng/m², tăng khoảng 40% so với năm 2019.

Bất động sản 2021: Hãm giá nhà tăng, đau đâu phải chữa ở đó

Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc cho biết, việc giá bất động sản có giảm hay không phụ thuộc rất lớn vào vấn đề cung – cầu, tâm lý của người nắm giữ tài sản và đặc biệt là việc kiểm soát dịch bệnh.

Theo vị này, riêng về vấn đề cung – cầu, nếu nguồn cung cứ tiếp tục suy giảm trong khi nhu cầu về nhà ở còn lớn thì khó có thể đề cập chuyện giảm giá nhà.

Thêm vào đó, năm 2020 dù chứng kiến nhiều khó khăn nhưng thay vì xuất hiện các đợt bán tháo, bán ồ ạt tài sản thì dòng tiền chảy vào bất động sản nhằm thu mua, đợi sinh lời cao hơn rất nhiều.

Một số chuyên gia bất động sản cũng nhấn mạnh, cần sớm áp dụng các giải pháp “đau đâu chữa đó” để bình ổn giá bất động sản chứ chưa nói để việc giảm giá. Trong đó, việc đầu tiên là phải xử lý vấn đề nguồn cung. Xử lý các điểm nghẽn của thị trường, khai thông các dự án, tăng nguồn cung.

TP.HCM sẽ thu hồi đất hai bên đường mới, xóa nhà siêu mỏng, siêu méo

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện nay, mỗi khi mở rộng một con đường, thành phố lại xuất hiện thêm hàng chục và thậm chí hàng trăm căn nhà diện tích nhỏ, gây ra hình ảnh xấu xí cho đô thị thành phố.

Để hạn chế tình trạng này, UBND TP.HCM vừa phê duyệt đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn thành phố”.

Điểm đáng chú ý tại đề án này là đề xuất phương án xử lý giá trị đất đai tăng thêm tại các dự án phát triển hạ tầng.

Giải pháp được đưa ra là thu hồi đất rộng hơn kề bên hạ tầng và thực hiện tái định cư tại chỗ cho tất cả những người bị thu hồi đất, cả người có đất trong phạm vi hạ tầng và người có đất kế bên hạ tầng.

Theo đó, mỗi người bị thu hồi đất đều được nhận lại một diện tích nhỏ hơn, tỷ lệ nghịch với giá đất tăng thêm do hạ tầng mang lại. Quy hoạch lại hai bên hạ tầng và phần đất dôi dư được bán đấu giá để lấy tiền triển khai thực hiện.

Phương án này được đưa ra lấy ý kiến của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng. Nếu đa số hộ dân đồng thuận (thường là 2/3) thì phương án được phê duyệt.

Thiểu số những người không đồng thuận có thể lựa chọn đồng thuận hay bị Nhà nước thu hồi đất. Đây là cơ chế mang tên “đồng thuận cộng đồng theo đa số”, bảo đảm công bằng cao nhất và tiết kiệm chi phí đầu tư.

Thực tế triển khai các dự án hạ tầng giao thông thời gian qua, những người bị ảnh hưởng phải di dời, tái định cư nơi khác nhưng với mức giá bồi thường không cao. Trong khi đó, những hộ dân từ bên trong lại được hưởng lợi khi trở thành nhà mặt tiền đường và giá trị đất đai tăng lên rất nhiều.

Đề án nêu rõ là hiện nay, Nhà nước thu hồi đất vẫn để lại hậu quả là số lượng khiếu nại, khiếu kiện quá cao, gây mất ổn định xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là thực hiện bồi thường, hỗ trợ bằng tiền mà giá trị không tương xứng với giá trị thị trường.

Giải pháp hợp lý nhất là thực hiện bồi thường, hỗ trợ bằng đất cùng loại hoặc khác loại. Giải pháp này chưa được thực hiện vì không được quy định trong Luật Đất đai 2013.

Do đó, TP.HCM chỉ có thể đổi mới là quy định cụ thể quy trình thu hồi đất. Trong đó, giá trị đất đai được bồi thường là giá trị trước khi triển khai đầu tư, không chấp nhận bồi thường theo giá đất tăng lên do dự án tác động.

Như vậy, cần định giá cụ thể toàn bộ khu vực dự án ngay khi quy hoạch được phê duyệt và xem đây là giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ.

Tin bất động sản mới nhất: Đất nền ven đô Hà Nội trong cơn bão giá, địa ốc 2021 và ‘đơn thuốc’ đau đâu chữa đó, sẽ xóa nhà siêu mỏng
Năm 2021, cần hãm giá nhà tăng. (Nguồn: Henryta)

Quảng Trị chấp thuận chủ trương dự án trang trại kết hợp điện mặt trời áp mái

UBND tỉnh Quảng Trị vừa chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án “Trang trại chăn nuôi công nghệ cao kết hợp điện mặt trời áp mái” có tổng mức đầu tư trước thuế 842,9 tỷ đồng.

Dự án do Công ty TNHH Phát triển Năng lượng và Nông nghiệp công nghệ cao Quảng Trị làm chủ đầu tư.

Theo đó, Dự án được thực hiện tại thôn Xa Bai, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị với diện tích đất, mặt nước, mặt bằng dự kiến sử dụng 136,007 ha đất dự án và 1,5846 ha cho hành lang lưới điện phục vụ dự án.

Về công suất thiết kế, Dự án bao gồm các hợp phần sau: Hợp phần 1 bao gồm trang trại lợn quy mô 7.500 con lợn nái và 72.000 con lợn thịt chia làm 3 modul tiêu chuẩn. Mỗi modul 2.500 con lợn nái giống và 24.000 con lợn thịt được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn công nghệ mới, đáp ứng được những yêu cầu chung thiết kế và phối hợp các bộ phận thành một hệ thống hoàn chỉnh.

Hợp phần 2 bao gồm hệ thống điện mặt trời áp mái trên các mái chuồng của dự án quy mô khoảng 10MWp; Hợp phần 3 gồm trang trại nuôi bò quy mô 1.000 con bò thịt giống và vỗ béo. Khu vực chăn nuôi bò cách xa khu vực chăn nuôi lợn đảm bảo theo quy chuẩn và tiêu chuẩn chăn nuôi về an toàn dịch bệnh.

Dự kiến tổng vốn đầu tư của Dự án trước thuế 842,9 tỷ đồng; trong đó vốn góp nhà đầu tư là 205,1 tỷ đồng, vốn huy động từ các nguồn vay thương mại 637,6 tỷ đồng. Thời hạn thực hiện Dự án 50 năm.

Khu công nghiệp gần 3.000 tỷ đồng của Viglacera được duyệt chủ trương

Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư dự án khu công nghiệp Thuận Thành I của Tổng công ty Viglacera.

Dự án khu công nghiệp Thuận Thành I quy mô hơn 249 ha, nằm địa phận 3 xã: Ninh Xá, Trạm Lộ và Nghĩa Đạo của huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tổng nguồn vốn đầu tư của dự án là 2.847,8 tỷ đồng, trong đó vốn góp của chủ đầu tư là Viglacera là hơn 859,7 tỷ đồng.

Dự án có tiến độ không quá 36 tháng kể từ ngày được bàn giao đất, được hoạt động 50 năm kể từ ngày 17/2/2021.

Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bắc Ninh đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung tiếp thu, giải trình, thẩm định, triển khai dự án. Tỉnh cũng đồng thời chịu trách nhiệm việc đề xuất lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, tổ chức thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

Để đảm bảo dự án được thực hiện, Bắc Ninh cần giao cho Ban quản lý các khu công nghiệp buộc các nhà đầu tư phải ký quỹ. Đồng thời, nhà đầu tư chỉ được triển khai sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư khi phát hiện khoáng sản có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phải báo cáo lại với cơ quan có thẩm quyền…

Nguồn:https://baoquocte.vn/tin-bat-dong-san-moi-nhat-dat-nen-ven-do-ha-noi-trong-con-bao-gia-dia-oc-2021-va-don-thuoc-dau-dau-chua-do-se-xoa-nha-sieu-mong-137384.html

Trả lời