Là nơi duy nhất có cảng hàng không và được đưa vào khai thác thương mại trong 6 tỉnh biên giới Tây Bắc của nước ta, Điện Biên đã thu hút đầu tư nhiều chương trình, dự án; khách du lịch trong và ngoài nước đến địa phương thuận tiện và không ngừng tăng lên.
Kinh tế liên tục tăng trưởng
Theo Báo Điện Biên, danh xưng Điện Biên có nghĩa là “biên giới vững vàng”. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, cuộc sống người dân nơi đây còn rất nhiều cực khổ, thiếu thốn trăm bề.
Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Điện Biên đoàn kết một lòng, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, mở rộng đối ngoại; phát huy tiềm năng, lợi thế, tận dụng thời cơ, tranh thủ mọi nguồn lực dựng xây, kiến thiết quê hương, vì cuộc sống thanh bình, thịnh vượng của nhân dân 19 dân tộc anh em.
Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 – 2020 đạt 6,83%/năm; giai đoạn 2021 – 2023 đạt 9,33%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 38,25 triệu đồng/người/năm (tương đương 1.732,2 USD/người/năm), đến năm 2023 đạt 48,6 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, giảm dần khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng khu vực công nghiệp – xây dựng; dịch vụ, du lịch.
Kinh tế không ngừng phát triển, tỉnh chú trọng công tác xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội. 3 năm qua, có hơn 8.000 hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí xoá nhà tạm, sửa chữa nhà. An cư lạc nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Hiện tỷ lệ hộ nghèo còn 26,03%, bình quân giảm 4%/năm.
Theo Cục Thống kê Điện Biên, tăng trưởng kinh tế quý I/2024 của tỉnh ước đạt 6,07% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 25 cả nước và thứ 4 vùng Trung du miền núi phía Bắc.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá hiện hành đạt 6.098,54 tỷ đồng, tăng 11,02% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 570,25 tỷ đồng, tăng 4,9%; khu vực công nghiệp – xây dựng đạt 1.223,04 tỷ đồng, tăng 14,02%; khu vực dịch vụ đạt 3.983,14 tỷ đồng, tăng 11,08%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 322,06 tỷ đồng, tăng 10,68%.
Cơ cấu nền kinh tế quý I/2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 9,35%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,05%; khu vực dịch vụ chiếm 65,31%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,28%.
Cảng hàng không Điện Biên, một thế mạnh của tỉnh, được xem là mắt xích quan trọng trên bản đồ thu hút đầu tư trong và ngoài nước cho cả vùng Tây Bắc. Đến năm 2025, kỳ vọng cảng sẽ góp phân giúp địa phương nâng khả năng huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội thêm khoảng 15.000 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương tăng thêm ít nhất 170 tỷ đồng và góp phần tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 8.000 lao động.
Được biết hiện nay, trung bình có khoảng 450 hành khách/ngày đi và đến tỉnh qua Cảng hàng không Điện Biên. Năm ngoái, lần đầu tiên địa phương này đạt mốc đón 1 triệu lượt du khách, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2022.
Thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thu hút nguồn lực đầu tư ở trong và ngoài tỉnh, chú trọng rà soát, ưu tiên lựa chọn các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh như: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; công nghiệp chế biến; công nghiệp phụ trợ; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và đầu tư phát triển hạ tầng đô thị.
Cùng với đó là triển khai công tác xúc tiến đầu tư gắn với thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngành và khu vực của tỉnh… Điện Biên đã tích cực kêu gọi, xúc tiến, thu hút các tập đoàn, công ty lớn hàng đầu đất nước đến tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu, ký thoả thuận hợp tác và thực hiện các dự án đầu tư lớn như: Tập đoàn Sun Group, Vin Group, Công ty Đèo cả, ONew…
Ngoài ra, tỉnh cũng đã tổ chức định kỳ găp gỡ hiệp hội doanh nghiệp và các nhà đầu tư trên địa bàn nhằm đánh giá tình hình thực hiện và giải quyết các tồn tại, khó khăn vướng mắc thuộc trách nhiệm của cơ quan Nhà nước; tập trung xây dựng, thực hiện có hiệu quả Chương trình nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI để tiếp tục thu hút đầu tư, với kỳ vọng số dự án và tổng mức vốn đăng ký đầu tư năm sau cao hơn năm trước.
Đặc biệt năm nay, tỉnh chào đón Năm Du lịch quốc gia – Điện Biên 2024, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, dự kiến đón 1,3 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 2.200 tỷ đồng. Đây là cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Định hướng quy hoạch phát huy lợi thế
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 109/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Điện Biên với quy mô khoảng 9.539,92 km2, gồm 10 đơn vị hành chính: Thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, huyện Mường Nhé, huyện Mường Chà, huyện Tủa Chùa, huyện Tuần Giáo, huyện Mường Ảng, huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông và huyện Nậm Pồ.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc; là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng. Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại, có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong phát triển tỉnh; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại. Ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng – an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 – 2030 đạt 10,51%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Ngành dịch vụ chiếm khoảng 41,2%; ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 12,7%; ngành công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 42,4% (trong đó công nghiệp chiếm khoảng 12,1%).
Đến năm 2030, GRDP bình quân/người đạt trên 113 triệu đồng (theo giá hiện hành), năng suất lao động đạt 190,0 triệu đồng (theo giá hiện hành); giảm tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều xuống còn dưới 8%.
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, dựa trên ba trụ cột chính: Du lịch lịch sử văn hóa; du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe; phấn đấu đến năm 2030, du lịch đóng góp trên 10% GRDP của tỉnh. Đến năm 2050, Điện Biên là trọng điểm du lịch văn hóa – lịch sử – sinh thái quốc gia hướng tới đẳng cấp quốc tế, phát triển mạnh dịch vụ thương mại và vùng biên giới ổn định, vững chắc.
Định hướng phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo, mang tính đặc thù của tỉnh, gồm: Du lịch lịch sử văn hóa; Du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên; Du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.
Phát triển các sản phẩm du lịch bổ trợ như: Du lịch biên mậu (gắn với cột mốc A Pa Chải, cửa khẩu quốc tế Tây Trang, cửa khẩu Huổi Puốc); du lịch thương mại, công vụ; du lịch nông nghiệp gắn với các sản phẩm OCOP, nghề truyền thống, bản văn hóa du lịch cộng đồng…
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, sâu sát, linh hoạt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc, cùng với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Điện Biên theo giá so sánh 2010 tăng 7,1% là mức tăng trưởng khá trong những năm gần đây.
Năm 2024 và 2025, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức cơ bản như nguồn lực đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, chưa vững chắc; thách thức về giảm nghèo, tác động và nguy cơ của dịch bệnh, thiên tai vẫn luôn tiềm ẩn.
Để việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Điện Biên năm nay, các ngành, các địa phương cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu như: Tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư đầu tư các dự án có tiềm năng, triển vọng như các dự án về thuỷ điện, điện tích năng, điện gió trồng rừng kết hợp điện sinh khối,…
Trong thời gian tới, để việc thu hút đầu tư đáp ứng được kỳ vọng, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Điện Biên sẽ đặc biệt chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương với việc thực hiện dự án đầu tư của các nhà đầu tư từ khi khảo sát lập dự án, xin chủ trương đầu tư đến khi triển khai thực hiện và kết thúc dự án. Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp, trọng tâm là ngành công nghiệp chế biến, trong đó tập trung vào công nghiệp chế biến nông, lâm sản và thực phẩm theo chuỗi liên kết giá trị.
Nguồn tin: Điện Biên khơi thông lợi thế, năng động phát triển kinh tế – xã hội (baoquocte.vn)