Định vị thương hiệu, đưa ‘hạt gạo làng ta’ vươn biển lớn

Gạo Việt Nam đang ngày càng vươn xa, khẳng định vai trò vị thế trên thị trường xuất khẩu thế giới. Tuy nhiên, mặt hàng này vẫn đang thiếu thương hiệu mạnh ở thị trường nội địa và quốc tế.

Định vị thương hiệu gạo Việt
Ngành gạo cần triển khai một chiến lược thương hiệu phù hợp để định vị thương hiệu trên trường quốc tế. (Nguồn: Mekong ASEAN)

Gạo Việt được thế giới đón nhận

Những năm qua, doanh nghiệp gạo Việt Nam đã nỗ lực và gặt hái được nhiều trái ngọt trong “cuộc đua” chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu.

Đơn cử như “Cơm Việt Nam Rice” của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Năm 2022, sản phẩm gạo mang thương hiệu riêng của Việt Nam được giới thiệu tới người tiêu dùng Đức, Hà Lan, Pháp. Đây là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên gạo do Tập đoàn Lộc Trời tham gia sản xuất, mang thương hiệu riêng được xuất khẩu sang thị trường “khó tính” này.

Bên cạnh đó, tại thị trường Nhật Bản, gạo ST25 mang thương hiệu A An của Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long đã vượt qua gần 600 tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe để chính thức được nhập khẩu và bày bán tại các siêu thị của đất nước Mặt trời mọc.

Tại thị trường này, gạo Việt không chỉ phục vụ khách hàng phổ thông. Ngày 2/9/2022, Văn phòng Nội các Nhật Bản giới thiệu “bữa trưa đặc biệt” là món cơm chiên sử dụng nguyên liệu gạo ST25 đến từ Việt Nam mang thương hiệu A An của Tập đoàn Tân Long. Trong mẫu giấy giới thiệu, Văn phòng Nội các Nhật Bản thông tin: “Gạo thơm ST25 là loại gạo thơm ngon nổi tiếng đến từ Việt Nam”.

Theo “cha đẻ” gạo ST25, ông Hồ Quang Cua, sau khi gạo thơm ST25 đoạt giải nhất gạo ngon nhất thế giới năm 2019 và các năm tiếp theo lọt vào top 2, 3 và 4 cuộc thi “hoa hậu” gạo danh giá thế giới, gạo Việt Nam đã vươn tầm, được người tiêu dùng thế giới đón nhận, ngay cả những thị trường khó tính nhất như Anh, Nhật Bản hay Australia

Ông Cua cho biết thêm, ngoài đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, doanh nghiệp của ông đã hợp tác với một số doanh nghiệp để xuất khẩu gạo ST24 và ST25 sang một số thị trường.

Ông Hồ Quang Cua vui mừng thông báo: “Cuộc chơi đưa gạo Việt Nam xuất sang các thị trường “sang” lúc nào cũng đầy cam go. Nhưng tôi vẫn phải làm để khẳng định giá trị, đẳng cấp gạo Việt Nam trên trường quốc tế. Sắp tới, gạo ST24 và ST25 sẽ được xuất ngoại ra một số thị trường khác”.

Việc doanh nghiệp Việt liên tục xuất khẩu thành công gạo mang thương hiệu riêng sang châu Âu và Nhật Bản – những thị trường được đánh giá là “khó tính” trên thế giới – cho thấy, chất lượng gạo Việt Nam đã được công nhận và đánh giá cao. Đây chính là thành quả của việc kiên trì theo đuổi chiến lược phát triển chuỗi sản xuất một cách bài bản của các doanh nghiệp, tập đoàn nông nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trưởng mạnh. Các thương nhân xuất khẩu gạo đã đạt mục tiêu đề ra khi tiêu thụ lúa gạo cho người dân với giá cả tốt và bình ổn được thị trường trong nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, giữa bối cảnh thế giới biến động.

Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo trong 8 tháng của năm nay đã đạt hơn 5,8 triệu tấn, mang về hơn 3,1 tỷ USD, tăng 22% về số lượng và hơn 36% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Gana… là những quốc gia nhập gạo Việt Nam nhiều nhất, với mức tăng trưởng có thị trường đến hơn 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Ngọc Nam nhấn mạnh: “Chất lượng gạo của Việt Nam đáp ứng được tất cả các thị trường thế giới, đây là một tín hiệu đáng mừng. Đạt được kết quả trên trong những năm vừa qua nhờ vào thắng lợi trong sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tiết kiệm được chi phí”.

Định vị thương hiệu gạo Việt
Hình ảnh giới thiệu gạo ST25 A An trên website bán hàng trực tuyến tại Nhật Bản. (Nguồn: Tiền phong)

Cần chiến lược thương hiệu phù hợp

Dù đã gặt hái được nhiều thành công nhưng không thể phủ nhận, gạo Việt Nam còn đang thiếu thương hiệu mạnh ở thị trường nội địa và quốc tế.

Thời gian tới, để tạo ra vị thế cho gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành gạo cần triển khai một chiến lược thương hiệu phù hợp.

PGS. TS. Dương Văn Chín, Cựu phó viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long nhấn mạnh rằng, thương hiệu của một quốc gia phải xuất phát từ các thương hiệu uy tín của doanh nghiệp.

Ông dẫn chững: “Ví dụ, khi nói đến xe hơi của Nhật Bản, thì có các hãng lớn như Honda, Toyota, Mazda, Mitsubishi…. tức phải có thương hiệu mạnh của doanh nghiệp, có ảnh hưởng cả trong nước và quốc tế, thì khi nói đến thương hiệu đó người ta nghĩ ngay đến Nhật Bản”.

Theo ông Chín, để xây dựng thành công thương hiệu, đưa “hạt gạo làng ta” ra biển lớn, đối với phân khúc gạo thơm trắng, cần khích lệ doanh nghiệp thực hiện thông qua lựa chọn 1-2 giống ngon nhất Việt Nam, chẳng hạn như giống Lộc Trời 28 và ST25, để sản xuất hàng trăm nghìn tấn, thậm chí cả triệu tấn mỗi loại, với tiêu chuẩn chất lượng đảm bảo, có giá bán cao và được đặt tên riêng.

Ông nói: “Chỉ có làm như vậy mới thành công, giống như Nhật Bản có Honda, Toyota, Mazda… Như vậy, mới thành thương hiệu gạo thơm trắng của Việt Nam được.

Tương tự cách làm như trên, đối với phân khúc gạo trắng hạt dài, có thể lựa chọn 1-2 giống xuất sắc nhất hiện nay như OM 18, OM 5451 để sản xuất và bán ra hàng triệu tấn với chất lượng đảm bảo và xây dựng thương hiệu riêng, thì khi nói đến thương hiệu đó, người ta sẽ biết ngay là gạo Việt Nam”.

Kiến nghị về chính sách, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam đề xuất, trong hành trình xây dựng thương hiệu gạo Việt, cần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thương hiệu và được gắn nhãn chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam (Vietnam Rice). Theo đó, Nhà nước cần hỗ trợ thiết lập các văn phòng giới thiệu, quảng bá gạo Việt Nam ở các thị trường trọng điểm.

Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan cần xem xét bỏ thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, tham gia đấu thầu hợp đồng tập trung và yêu cầu đạt chuẩn đối với nhà máy của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Nguồn tin: Định vị thương hiệu, đưa “hạt gạo làng ta” vươn biển lớn (baoquocte.vn)

Trả lời