Sức sống đáng nể của Doanh nghiệp Việt

Ngay cả trong những thời điểm kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp nhất như chiến tranh thương mại, đại dịch Covid-19… không ít doanh nghiệp Việt Nam vẫn duy trì được sức sống đáng nể, tận dụng được những cơ hội mới. 


Bà Trần Thị Hồng Minh nói rằng, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua một năm 2020 đầy khó khăn với những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới. Từ kỳ vọng rất nhiều vào việc duy trì đà tăng trưởng có được trong những năm 2018-2019, chúng ta đã nhanh chóng phải chuyển cách tiếp cận điều hành hướng tới “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Thị Hồng Minh mở đầu câu chuyện với Thời báo Kinh Doanh khi nói về sức sống của nền kinh tế, doanh nghiệp Việt cũng như những cơ hội và thách thức ngay trước thềm năm mới Tân Sửu 2021.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM).

Vậy bà kỳ vọng gì vào khả năng phục hồi của kinh tế tại Việt Nam trong năm 2021?

Trước tiên phải nói rằng, trong bối cảnh đó, rõ ràng những thành quả mà kinh tế của Việt Nam đạt được rất có giá trị. Tăng trưởng kinh tế đạt 2,91%, xuất khẩu tăng 6,5% so với năm 2019, lạm phát tiếp tục duy trì dưới 4%.

Giá trị của những thành quả kinh tế này không chỉ nằm ở con số. Điểm quan trọng là cộng đồng doanh nghiệp và người dân có sự bình tĩnh, tin tưởng vào định hướng chính sách cũng như động thái điều hành, hỗ trợ kịp thời, đúng liều lượng của Chính phủ.

Nhờ đó, tâm lý thị trường nói riêng và kinh tế vĩ mô nói chung vẫn tương đối ổn định. Chính phủ vẫn giữ được dư địa để điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để tin rằng kinh tế Việt Nam có thể phục hồi tương đối nhanh trong năm 2021. Nếu xử lý hiệu quả những thách thức trong thời gian tới, mục tiêu tăng trưởng đạt 6% trong năm 2021 có thể khả thi.

Là một nền kinh tế có độ mở tương đối cao và vẫn không ngừng hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt với tính bất định của kinh tế thế giới và khu vực như thế nào, thưa bà?

Dù việc phát triển vắc-xin Covid-19 có thêm chuyển biến, tôi cho rằng nhiều khả năng việc tiêm phòng khó hoàn thành trong năm 2021. Cùng với rủi ro để ngỏ về khả năng phát sinh những biến thể virus mới, chúng ta có thể chứng kiến xu hướng phục hồi không đều giữa các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới và ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Khi ấy, hợp tác về thương mại và đầu tư có thể không chuyển biến đáng kể.

Như tôi đã nói, ngay cả trong những thời điểm kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp như chiến tranh thương mại – công nghệ Mỹ – Trung Quốc, đại dịch Covid-19… không ít doanh nghiệp Việt Nam vẫn duy trì được sức sống đáng nể, tận dụng được những cơ hội mới.

Tăng trưởng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước liên tục ở mức hai con số trong các năm 2018-2020.

Bên cạnh đó, chúng ta lo ngại về số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2020 tăng cao, nhưng số vốn của doanh nghiệp thành lập cũng tăng. Tất cả những yếu tố đó cho thấy, trong nội bộ khu vực doanh nghiệp cũng đang có sự sàng lọc, theo hướng phát huy sự linh hoạt và sáng tạo để thích ứng.

Vậy những giải pháp nào cần phát huy để thúc đẩy lĩnh vực đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng hướng đến hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế?

Có thể nói, Chính phủ đã có thêm nhiều kinh nghiệm trong kiềm chế dịch bệnh và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo tôi, chúng ta cần tập trung vào một số nhóm giải pháp:

Thứ nhất, tiếp tục kiềm chế lạm phát hậu Covid-19, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để tạo điều kiện cho phục hồi kinh tế vững chắc hơn, đồng thời hỗ trợ cho các nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ hai, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư của khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, thực hiện hiệu quả hơn các hiệp định thương mại tự do, trong đó có các Hiệp định tương đối mới và tiêu chuẩn cao như CPTPP và EVFTA. Trong quá trình này, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, song doanh nghiệp rất cần hỗ trợ về thông tin (tổ chức thực hiện cam kết, cơ hội và thách thức mới từ thị trường, dịch chuyển chuỗi cung ứng), và kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài đầu chuỗi. Hỗ trợ hợp lý cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân để trụ vững qua những thời điểm dịch bùng phát trở lại (nếu có).

Thứ tư, nhanh chóng phát triển các mô hình kinh tế mới như: kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm… để tạo thêm “sức nặng” cho thị trường trong nước, qua đó hướng doanh nghiệp nhiều hơn về “sân chơi Việt”, “khách hàng Việt”.

Với vấn đề đẩy mạnh đầu tư công, bà có sáng kế ra sao?

Về vấn đề này tôi còn nhớ, ngay từ tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng.

Kết quả là trong những tháng cuối năm, kết quả giải ngân vốn đầu tư công không ngừng được cải thiện. Nếu tiếp tục duy trì những chuyển biến này, tôi cho rằng chúng ta có thể kỳ vọng vào một bức tranh đầu tư công sáng hơn trong năm 2021.

Điểm quan trọng, theo tôi, không nằm ở những giải pháp kỹ thuật để thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Điểm quan trọng hơn là khơi thông trách nhiệm của người đứng đầu với các dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền, để họ mạnh dạn hơn trong việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công có sẵn.

Bên cạnh đó là cải thiện hệ thống thông tin, tư vấn chuyên gia để hỗ trợ cho quyết định đầu tư một cách chuyên nghiệp, nhưng không rơi vào “lối mòn về quy trình”.

Nguồn:https://thoibaokinhdoanh.vn/viet-nam/suc-song-dang-ne-cua-doanh-nghiep-viet-1076005.html

Trả lời